triển bền vững tại Việt Nam
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có chiến lược nào đề cập trực tiếp đến vấn đề thu hút dòng vốn FDI hướng tới PTBV, nhưng quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu PTBV, xây dựng nền kinh tế ít các - bon thông qua nâng cao tiềm lực công nghệ quốc gia, tăng cường ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, phát thải thấp trong sản xuất công nghiệp đã được thể hiện rất rõ tại hàng loạt các văn bản mang tính chất định hướng của Chính phủ: “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” (Quyết định số 1419/QĐ-TTg), “Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” (Quyết định số 432/QĐ-TTg), “Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 1216/QĐ-TTg), “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2010 và tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định số 1393/QĐ-TTg), “Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 2612/QĐ-TTg); Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 677/QĐ-TTg), Chương trình phát triển
CNHT đến năm 2025 (Quyết định số 68/QĐ-TTg)…
Nhìn chung, chuyển sang giai đoạn mới, để xây dựng một chiến lược hợp lý về thu hút dòng vốn FDI, cần thiết phải có một cách tiếp cận khách quan hơn ở nhiều góc độ khác nhau đối với hiệu quả của dòng vốn này mang lại cho nền kinh tế đất nước, để từ đó có cách ứng xử phù hợp nhằm đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng bền vững nền kinh tế Việt Nam. FDI là cần thiết, nhưng không phải là bắt buộc đối với các quốc gia. Trong thu hút dòng vốn FDI phải vừa coi trọng lượng vốn tăng lên hàng năm, vừa coi trọng chất lượng dự án, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
PTBV, xây dựng nền kinh tế ít các - bon đòi hỏi chúng ta buộc phải khắt khe, nghiêm khắc cũng như khôn ngoan hơn trong thu hút dòng vốn FDI. Chủ động trong các khâu thu hút dòng vốn FDI là phương châm hành động của các cấp chính quyền nhằm tối đa hóa các tác động tích cực và tối thiểu hóa các tác động tiêu cực của dòng vốn ĐTNN. Song song với việc đảm bảo những ưu đãi phù hợp nhằm tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, điều quan trọng không kém là Chính phủ và chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền địa phương, phải biết lựa chọn, sàng lọc đối tác, dự án phù hợp với định hướng PTBV của đất nước. Không thể tiếp tục dễ dãi, tùy tiện, cả tin vào “những bánh vẽ” của một số nhà đầu tư, mà phải đặt lợi ích lâu dài của quốc gia lên hàng đầu. Trong khi các nhà đầu tư quốc tế có quyền lựa chọn lĩnh vực và địa điểm để thực hiện dự án, thì nước chủ nhà cũng hoàn toàn có quyền từ chối hoặc cho đóng cửa những dự án không có lợi cho cộng đồng dân cư, không những chẳng mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây ô nhiễm môi trường. Cái đích của đầu tư, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, là để tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn và bền vững hơn cho con người. Nếu cuối cùng, đầu tư nói chung và FDI nói riêng không làm tăng no ấm và hạnh phúc cho người dân, thì không nên tiến hành đầu tư và càng không nên theo đuổi đầu tư.
Một dự án FDI được đánh giá là hướng tới PTBV khi nó đảm bảo đồng thời các khía cạnh sau:
- Nguồn vốn đầu tư phải là đầu tư kinh doanh và không nhằm mục đích trục lợi nào khác. Một số tổ chức lợi dụng danh nghĩa đầu tư dưới dạng FDI nhưng thực chất là để rửa tiền, hoặc một số khác có đầu tư kinh doanh nhưng với mục đích khai thác tài nguyên thiên nhiên hay gây ảnh hưởng về chính trị…
- Đem lại lợi ích cho cả bên đầu tư và bên nhận đầu tư. Đối với nước đầu tư khi tiến hành đầu tư phải thu được lợi nhuận hợp pháp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Còn nước nhận đầu tư phải thấy được hiệu quả CGCN, tăng liên kết sản xuất với khu vực doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, từ đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của khu vực này về lâu về dài.
- Có chính sách phát triển lâu dài và thân thiện với môi trường sinh thái. Vấn đề này là hết sức quan trọng để cấu thành nên một FDI bền vững về mặt môi trường. Các dự án FDI không chỉ có phương án đầu tư mà phải kèm theo phương án bảo vệ môi trường.