Về mặt kinh tế, mục tiêu PTBV hàm ý rằng nền kinh tế phải có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng phải gắn với phát triển hiệu quả và đặc biệt phải ổn định, tránh gây những cú sốc lớn. Thực tế cho thấy có những nền kinh tế đã có sự khởi đầu khá ấn tượng (sự gia tăng nhanh chóng của sản xuất công nghiệp, thu nhập của dân cư được cải thiện rõ rệt,...) nhưng thời gian duy trì lại không được bao lâu. Một sự tăng trưởng quá nóng tất yếu khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, hoặc ít nhất là chậm lại trong tương lai. Sau một thời gian nhất định, nền kinh tế tỏ ra “hụt hơi”, “mất đà”, tốc độ tăng trưởng chậm dần, thậm chí chuyển sang suy thoái. Đó chính là dấu hiệu của sự phát triển không bền vững. Điển hình là trường hợp của Trung Quốc:
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong vòng 10 năm liên tục (1990 - 2010), kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng trung bình 9,6%, từng bước vượt qua các quốc gia phát triển Tây Âu là Pháp, Anh, Đức. Năm 2010, Trung
Quốc chính thức thay thế Nhật Bản để trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về kinh tế, chỉ sau Mỹ. Năm 2011, Trung Quốc thậm chí vượt Mỹ trở thành quốc gia có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng thế giới với tỷ trọng 30% nếu xét từ sản lượng toàn cầu. Người ta đã không tiếc lời ca ngợi sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc bằng những mỹ từ như: “sự tăng trưởng thần kỳ”, “phép màu Trung Quốc”, “sự trỗi dậy của người khổng lồ” hay "bước chuyển quyền lực thế giới đang diễn ra"… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc về bản chất chỉ là câu chuyện về một nền kinh tế phát triển phi tự nhiên dưới sự lãnh đạo của một nhà nước độc đoán. Mô hình này đang dần bộc lộ tính không bền vững trong bối cảnh Trung Quốc phải chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại cũng như vấn nạn tham nhũng hoành hành, tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng và vấn đề hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái. Gói kích thích kinh tế khổng lồ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã dẫn đến nhiều hậu quả như nhiều ngành nghề năng lực sản xuất dư thừa, thị trường bất động sản cung vượt cầu và nợ công địa phương tăng cao... Nhờ hàng loạt các biện pháp kích thích của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2016 cũng chỉ dừng lại ở mức 6,7% - mức thấp nhất trong 25 năm qua (kể từ năm 1990). Nước này đồng thời đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần tăng nhanh đến mức báo động. Thời báo tài chính – Financial Times có đưa ra ước tính rằng tổng nợ của Trung Quốc, gồm cả nợ của khối doanh nghiệp lẫn nợ công và nợ của toàn bộ các hộ gia đình đã tăng từ mức 148% GDP năm 2007 lên 237% GDP tính tới cuối quý I/2016 (Tuấn Anh, 2016). Đây là hiện thực mà các nhà kinh tế đã dự báo - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sau nhiều năm tăng trưởng nóng với tốc độ 2 con số buộc phải “nguội” lại, phải giảm tốc. Giới đầu tư lo ngại nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” (nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, tiến gần đến suy thoái). Tăng trưởng kinh tế đã đến với những cái giá đáng kể, bao gồm thương vong quá nhiều về con người, sự ô nhiễm môi trường, sự dư thừa năng suất cũng như sự bất bình đẳng về thu nhập, sự phân rã về đạo đức. Hiện nay ô nhiễm môi trường là điều đầu tiên dư luận thế giới nhắc tới mỗi khi đề cập tới mặt trái của công thức tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá của Trung Quốc. Để phục vụ phát triển công nghiệp,
Trung Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ năng lượng (than, thép, đồng đỏ, dầu mỏ, điện…), cũng đồng nghĩa vị trí số một về lượng xả thải carbon. Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi trường Đại học Nam Kinh tiết lộ có ít nhất 23 thành phố ở Trung Quốc đã ban hành báo động đỏ - mức cảnh báo cao nhất về ô nhiễm không khí hiện nay, thậm chí có nơi mức độ ô nhiễm vượt gấp 100 lần mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cũng theo nghiên cứu này thì có tới 1/3 số người chết ở Trung Quốc do nguyên nhân liên quan đến khói bụi dày đặc (Thành Đạt, 2016). Trung Quốc cũng đang bước vào một thời kỳ với những căng thẳng về mặt xã hội ngày càng bị đào sâu mà biểu hiện ra bên ngoài là những bất ổn và phản đối. Các cuộc đình công, gây hỗn loạn của giới lao động tăng lên nhanh chóng khi các doanh nghiệp – cả nhà nước và tư nhân – buộc phải sa thải hàng triệu nhân công. Trước tình hình đó, Trung Quốc hiện đang nỗ lực chuyển đổi từ tăng trưởng phi mã dựa chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng, sang mô hình tăng trưởng bền vững dựa vào tiêu dùng. Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chính phủ đã tăng mức lương tối thiểu để tăng thu nhập của người dân, đồng thời nới lỏng các biện pháp kiểm soát lãi suất để tăng lợi tức cho những người gửi tiền tiết kiệm hộ gia đình. Trung Quốc cũng hạ thuế suất và thông thoáng hơn với chính sách sử dụng đất đai để khuyến khích các ngành tiêu dùng phát triển, như thực phẩm, ô tô, và tránh lặp lại tình trạng dư thừa sản xuất ở các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và đóng tàu. Năm 2017, nước này đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 6,5% - mục tiêu tăng trưởng thấp nhất đặt ra trong vòng 25 năm trở lại đây, kể từ năm 1992 (khi đó con số này là 6%).
Tính bền vững của phát triển kinh tế biểu hiện trước hết ở bản thân các thành tố cấu thành. Đó là sự bền vững của tăng trưởng kinh tế (phải cùng lúc đảm bảo cả yêu cầu về số lượng và chất lượng tăng trưởng: tăng trưởng với hiệu suất cao, mở rộng được đường giới hạn khả năng sản xuất một cách liên tục trong thời gian dài, tạo ra các giá trị đóng góp ngày càng lớn), sự bền vững của chuyển dịch cơ cấu kinh tế (theo hướng hình thành cơ cấu kinh tế tiến bộ: tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP phải cao hơn so với nông nghiệp) và sự bền vững của mức độ bình đẳng trong việc thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế. Một nền kinh tế PTBV sẽ đạt
mức tăng trưởng GDP và GDP đầu người cao nhưng vẫn đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, nợ chính phủ, đảm bảo cân đối cán cân thương mại, đầu tư có chất lượng, có năng suất cao thông qua việc nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất... Tuy nhiên, không chỉ có vậy, tính bền vững của phát triển kinh tế còn phụ thuộc một phần không nhỏ vào những điều kiện bên ngoài, những nhân tố thường xuyên ảnh hưởng, chi phối sự phát triển kinh tế là xã hội và môi trường. Nói cách khác, phát triển kinh tế nhưng không được làm phương hại đến xã hội và môi trường.