Xét trên khía cạnh tăng trưởng kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 61 - 67)

Một thực tế không thể phủ nhận là nhờ vào chính sách thu hút dòng vốn FDI với những ưu đãi nhất định như trên, dòng vốn này đang dịch chuyển vào Việt Nam với khối lượng ngày một lớn và có những đóng góp rất cụ thể vào tăng trưởng kinh tế trong nước, thông qua việc bổ sung nguồn vốn đầu tư cho xây dựng và phát triển nền kinh tế, bổ sung vào nguồn thu Ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực công nghệ cũng như kỹ năng vận hành, quản lý.

Đóng góp quan trọng dễ thấy nhất là tăng cường nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng:

Biểu đồ 2.5. Cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện phân theo thành phần kinh tế

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Có thể thấy trong suốt thời kỳ hội nhập, vốn FDI giữ một vị trí khá ổn định trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, dao động trong khoảng 1/4 - 1/5 tổng đầu tư. Tương tự, trong suốt gần 30 năm qua, FDI đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tỷ trọng thu ngân sách từ khu vực FDI tăng từ 5,2% năm 2000 lên 14,3% năm 2015 (Tạ Hiển, 2015).

Đẩy mạnh xuất khẩu cũng là một đóng góp nổi bật, thể hiện rõ nét vai trò của dòng vốn FDI. Từ năm 2009 đến nay, đóng góp của khối FDI vào xuất khẩu tăng rất nhanh, và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn, quyết định duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu:

Biểu đồ 2.6. Tỷ trọng của nhóm doanh nghiệp có vốn FDI trong kim ngạch xuất khẩu

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng (tăng 8,6%), ghi nhận xuất siêu trở lại. Cán cân thương mại xuất sắc ngắt mạch nhập siêu vào năm 2015, tiếp đà xuất siêu năm 2014 và thậm chí còn vượt mục tiêu đề ra (nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu). Rõ ràng, có sự thăng hoa này phần lớn là nhờ khối doanh nghiệp FDI, với 125,9 tỷ USD giá trị xuất khẩu - tương đương 71,6% tổng giá trị của cả nước (Nguyễn Duy Nghĩa, 2017).

Thông qua FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước cũng được nâng cao một cách rõ rệt so với thời kỳ trước đây. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến với trình độ hiện đại của thế giới, như: bưu chính - viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường…, góp phần nâng cao đáng kể năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ Việt Nam. Trong những năm gần đây, đã và đang có các công ty đi đầu về lĩnh vực điện tử lựa chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Tiên phong cho hoạt động này phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự góp mặt của những tập đoàn lớn như: Sanyo, Matsushita, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec… Các MNCs này đã xây dựng nhiều nhà máy sản xuất

với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các dự án Intel, Samsung, Microsoft, rồi LG, Jabil... cũng được xem như những tín hiệu rõ nét khẳng định điều này. Riêng Samsung cho đến nay đã đầu tư vào nước ta khoảng 14,2 tỷ USD, biến Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất smartphone lớn nhất của thương hiệu này với gần 50% sản lượng của cả tập đoàn.

Mặc dù vậy, chất lượng thu hút dòng vốn FDI nhìn chung vẫn còn thiếu tính bền vững về kinh tế:

Thứ nhất, tính thiếu bền vững biểu hiện rõ nét nhất ở phần giá trị gia tăng còn thấp. Phần lớn các doanh nghiệp FDI tập trung khai thác lợi thế lao động rẻ, nguồn tài nguyên sẵn có, thị trường tiêu thụ “dễ tính” để lắp ráp, gia công sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu (ví dụ lắp ráp ô tô, xe máy, điện - điện tử, may mặc, da giầy). Hơn 70% “miếng bánh” xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tay doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong khi doanh nghiệp nội địa lại chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang là rào cản lớn cho sự phát triển. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, Việt Nam vẫn đang ở “vị trí đáy” của chuỗi giá trị toàn cầu, do chỉ thực hiện được những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp. Sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị vẫn ở giai đoạn đầu, chủ yếu là gia công và lắp ráp để tận dụng nhân công giá rẻ chứ chưa tham gia vào những khâu quan trọng hơn, cần nhiều chất xám hay hàm lượng vốn cao hơn. Báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết hiện mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng mới chỉ là cung cấp các phụ tùng thay thế chứ chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính. Con số này thấp hơn nhiều so với các quốc gia lân cận, thậm chí chưa bằng một nửa so với Malaysia. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI lên tới 70%, nhưng chỉ đóng góp hơn 18,7% vào GDP của cả nước. Đây là nghịch lý cho thấy phần giá trị mà Việt Nam được hưởng vô cùng nhỏ. Việt Nam dường như vẫn chỉ làm thuê, làm công cho doanh nghiệp FDI.

Một lý do được đưa ra để diễn giải cho thực tế này là ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam còn quá non trẻ, năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam còn nhiều hạn chế. CNHT là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm, v.v… và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Sản phẩm CNHT thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo báo cáo được Bộ Công Thương công bố, tính đến đầu năm 2016, cả nước mới chỉ có gần 1.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT so với tổng số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, tức là doanh nghiệp CNHT chỉ chiếm 0,03%. Các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng đối với các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ khá. Khoảng cách giữa yêu cầu của các MNCs và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất nội địa vẫn còn khá lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng được sản phẩm CNHT thì cũng mới chỉ quan tâm mở rộng quy mô, chứ chưa quan tâm nhiều đến đầu tư chiều sâu công nghệ và thiết bị. Thực tế, Việt Nam có rất ít thông tin liên kết thầu phụ công nghiệp. Vì vậy, nhiều công ty không tìm kiếm được thông tin về khả năng giao thầu của doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp nước ngoài. Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài cũng ít thông tin về doanh nghiệp Việt Nam. Thêm nữa, các doanh nghiệp nước ngoài thực sự ngần ngại khi phải ký kết hợp đồng thương mại với các nhà thầu phụ Việt Nam do môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi. Chưa kể, họ luôn canh cánh nỗi lo sợ khi bị phá vỡ hợp đồng. Trên thực tế, các doanh nghiệp CNHT muốn phát triển và tham gia được vào chuỗi sản xuất của các MNCs phải đáp ứng được 3 yếu tố, là chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số ít các doanh nghiệp trong nước đáp ứng được cả 3 yếu tố trên. Theo Vụ Công nghiệp Nặng, Bộ Công Thương, đến nay các doanh nghiệp trong nước chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT, dẫn đến tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Đơn cử như trong chuỗi giá trị toàn cầu hàng dệt may,

khâu thiết kế kiểu dáng thường được thực hiện ở các trung tâm thời trang thế giới tại Paris, London, New York, Seoul…, vải được sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc, các phụ liệu khác được làm tại Ấn Độ, chỉ đến khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng mới diễn ra tại các quốc gia có chi phí nhân công thấp như Việt Nam, Campuchia…. Cũng vì gia công, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu nên chẳng hạn với một chiếc áo xuất khẩu có giá 10 USD, nguyên phụ liệu đã chiếm khoảng 8,5 USD, gia công chỉ còn 1,5 USD. Trong 1,5 USD tiền công đó lại chưa tính đến phát sinh hàng loạt chi phí như thuế, phí, nhân công… nên lợi nhuận mà doanh nghiệp nhận được chỉ còn khoảng 10%. Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ lượm bạc cắc cũng không sai. Ngay cả những ngành được đánh giá là công nghệ cao như điện, điện tử, điện thoại thực chất cũng chủ yếu là gia công và doanh nghiệp nội đóng góp ở mức thấp nhất trong chuỗi giá trị. Theo ông Vũ Thành Tự Anh, thành viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, một nghiên cứu mới đây của nhóm chuyên gia Fulbright tổng kết quá trình 10 năm tập đoàn Intel vào Việt Nam cho thấy những kết quả bất ngờ: Trong tổng giá trị xuất khẩu của Intel, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 3%, gồm các công đoạn như cung cấp suất ăn, một số hộp quà tặng, dịch vụ bảo vệ… là những sản phẩm, dịch vụ mà Intel không thể nhập khẩu.

Việc tránh được nguy cơ nền kinh tế bị kẹt trong “bẫy” gia công, “bẫy” giá trị thấp là một thách thức không nhỏ. Thông thường, CNHT có thể tạo ra 80 - 90% giá trị gia tăng cho sản phẩm; tuy nhiên hiện các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam phải nhập khẩu đến 70% - 80% lượng sản phẩm phụ trợ. Do hạn chế này mà phần giá trị được tạo ra ở Việt Nam còn thấp, nhiều doanh nghiệp FDI khó phát triển được qui mô và đầu tư chiều sâu. Gần đây đã xuất hiện xu hướng một số dự án FDI chuyển quy trình sản xuất sang nước khác hoặc đóng cửa hay phải chuyển sang lĩnh vực đầu tư mới ở Việt Nam.

Thứ hai, kỳ vọng về việc CGCN sản xuất và quản trị cho các đối tác Việt Nam vẫn còn rất xa vời, bởi thực tế kết quả trong vấn đề này hầu như không đáng kể. Các doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ lỡ một cơ hội lớn là trong khi các nguồn vốn ĐTNN chảy vào mạnh thì khả năng hấp thụ, tiếp thu CGCN từ khối doanh

nghiệp FDI lại hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cố tình trì hoãn, không CGCN cho Việt Nam sau thời hạn ký kết. Đa số bên giao công nghệ theo kênh FDI có quyền sắp đặt hợp đồng chuyển giao với các điều khoản có lợi cho họ, đặt giá thành rất cao. Vấn đề ở chỗ, các hợp đồng này đều được thực hiện dưới dạng chuyển giao từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam chứ chưa có hợp đồng nào chuyển giao từ doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp trong nước. Hầu như không có doanh nghiệp FDI nào đặt tổ chức nguyên cứu và phát triển tại Việt Nam. Theo một thống kê của tỉnh Bắc Ninh, riêng trong năm 2014 tỉnh này đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 139 doanh nghiệp có vốn FDI. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 22 hợp đồng CGCN được thực hiện bởi 15 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Những công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là công nghệ được đưa vào cho phù hợp với lợi ích của nhà đầu tư, chứ không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ do phía Việt Nam chủ động đưa ra... Hơn nữa, những công nghệ được chuyển giao phần lớn là do phía nước ngoài tự giới thiệu chứ không phải tự các doanh nghiệp của ta tìm kiếm hoặc tự nghiên cứu, thiết kế. Nói cách khác, các doanh nghiệp thực hiện CGCN do nhu cầu của thị trường chứ không phải theo kế hoạch đón đầu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 61 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)