Theo thông tin từ Bộ Khoa học Công nghệ, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Trên thực tế, tại nước ta, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra rất nhiều sự thay đổi như nhiệt độ trung bình năm tăng 0,5oC trong vòng 70 năm, số lượng các đợt không khí lạnh giảm đáng kể trong vòng 2 thập kỷ, hình thái bão thay đổi và bão với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều hay mực nước biển dâng lên khoảng 20cm trong vòng 50 năm… Trong hoàn cảnh đó, cùng với sự phát triển “nhanh” và “nóng” của nền kinh tế, ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên bức xúc, nhất là khi số lượng các đô thị và các khu công nghiệp gia tăng nhanh một cách chóng mặt. Việt Nam chưa trở thành nước công nghiệp nhưng các vấn đề về môi trường đã rất nghiêm trọng. Mỗi năm, thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP, bằng nửa con số này ở Trung Quốc (10%). Đây là nhận định trong báo cáo nghiên cứu "Việt Nam - thiên đường ô nhiễm của các doanh nghiệp nước ngoài" do PGS. TS Đinh Đức Trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra tại Hội thảo bàn về phát triển kinh tế Việt Nam trong trung hạn, tác động của môi trường (2016). Như vậy, với GDP của Việt Nam vào khoảng 204 tỷ USD năm 2015, theo tính toán của PGS Trường, Việt Nam sẽ mất đi 5%, tương đương 10 tỷ USD, chủ yếu là do tác động tiêu cực làm giảm giá trị tăng trưởng các ngành sản xuất, chi phí để cải tạo môi trường và sức khỏe cộng đồng... Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời cao nhất, khoảng 200 – 230 ca/triệu dân/năm (Việt Hùng, 2007). Hàng năm chúng ta phải chi hàng trăm triệu USD cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiêm môi trường gây ra. Hậu quả do tăng trưởng kinh tế tác động lên môi trường, bởi thế, có thể sẽ lại kéo lùi sự phát triển kinh tế. Vấn đề làm thế nào để vừa giữ được sự tăng trưởng kinh tế cao, vừa bảo vệ được môi trường, ứng
phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu để PTBV trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Về mặt thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế đã có nhiều thay đổi hơn so với thời kỳ đầu thực hiện chính sách đổi mới:
Một là, quá trình mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới đã đem lại cho Việt Nam cơ hội to lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngoại cũng như tăng cường niềm tin từ các nhà ĐTNN vào thị trường trong nước, từ đó có nhiều cơ hội hơn trong việc chủ động “lựa chọn” các nhà đầu tư. Việc gia nhập WTO được xem như một bước đột phá trong hội nhập quốc tế của Việt Nam, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng kinh doanh quốc tế, đặc biệt là giới đầu tư. Tính đến hết năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi, và đang đàm phán tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có tới 7/10 đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đã có FTA với Việt Nam.
Hai là, có thể nói vai trò của FDI đối với bổ sung vốn đầu tư mặc dù vẫn còn quan trọng nhưng không còn bức thiết như những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Bắt đầu từ lượng vốn FDI thấp trong đầu những năm 1990, Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn FDI về mặt lượng ngang tầm với các nước ASEAN khác. Văn phòng thống kê FDI Intelligence thuộc tờ báo tài chính hàng đầu thế giới Financial Times (Mỹ) cho biết trong hai năm liên tiếp (2014 - 2015), Việt Nam dẫn đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp mới, với số điểm vượt xa 2 quốc gia Đông Nam Á khác có tên trong bảng là Malaysia và Thái Lan (Yến Thanh, 2016). Mặt khác, trong những năm gần đây, nguồn vốn kiều hối chuyển về nước liên tục tăng mạnh. Năm 2015, theo báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đón nhận lượng kiều hối vào khoảng 12,25 tỉ USD, đứng thứ 11 trên thế giới; còn xét trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Philippines. Cũng trong năm này, số vốn FDI thực hiện là 14,5 tỷ USD, trong đó vốn của nước ngoài, từ nước ngoài vào chỉ có 11,5 tỷ USD, còn lại 3 tỷ là vốn thực hiện của Việt Nam (Phan Hữu Thắng, 2017). Như vậy, giá trị vốn FDI thực hiện cũng chỉ xấp xỉ như lượng kiều hối đưa vào Việt Nam, cho thấy vai trò bổ sung
nguồn vốn trong nước của kiều hối không thua kém gì về mặt lượng so với FDI. Các chuyên gia cho rằng kiều hối đang ngày càng phát huy vai trò là nguồn đầu tư quan trọng để phát triển kinh tế; bởi trong khi vốn vay ODA luôn tiềm ẩn nguy cơ để lại gánh nặng nợ nần, vốn FDI nhằm mục đích cao nhất là kinh doanh kiếm lời và cuối cùng sẽ chuyển trả về nước ngoài, thậm chí để thu hút được FDI, Việt Nam phải trả bằng quá nhiều ưu đãi; thì kiều hối là nguồn tiền không phải hoàn lại.
Ba là, các lợi thế “có tính tự nhiên” trong thu hút dòng vốn FDI ở Việt Nam đang mất dần hấp dẫn. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên khiến mức lương tối thiểu cũng tăng lên, làm mất dần lợi thế nhân công giá rẻ. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta hiện nay đang bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng: tài nguyên khoáng sản dần cạn kiệt sau quá trình khai thác quá mức và sử dụng lãng phí; tài nguyên rừng bị thu hẹp theo từng ngày, diện tích rừng tự nhiên che phủ giảm mạnh do khai thác trái phép, đất rừng bị chuyển qua đất nông công nghiệp; tài nguyên đất cũng gặp rất nhiều khó khăn như đất bị nhiễm mặn, đất nông nghiệp đang bị chuyển dần qua đất phục vụ cho công nghiệp và dịch vụ; tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực đầu tư thu hồi vốn nhanh đã bão hoà, sự thiếu hụt lao động có tay nghề cùng với các tồn tại về cơ sở hạ tầng năng lượng, dịch vụ kỹ thuật... hay những bất ổn trong kinh tế vĩ mô thời gian gần đây cũng là những trở ngại lớn đối với các nhà ĐTNN. Có ý kiến cho rằng khả năng hấp thụ vốn FDI do vậy đã đến mức “bão hòa”. Nếu nguồn vốn đổ vào quá nhiều so với năng lực hấp thụ hạn chế trong nước thì có nguy cơ làm phá vỡ nhiều kết cấu kinh tế trong nước, trong đó đặc biệt là sự quá tải của cơ sở hạ tầng, thiếu hụt năng lượng,...
Bốn là, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng trưởng mạnh và ngày càng lấn lướt khu vực nội địa cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào khối FDI. Đóng góp hơn 70% của FDI vào xuất khẩu năm 2016 (trong khi năm 1995 khối doanh nghiệp FDI mới chỉ chiếm tỷ trọng 27% trong lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam) là con số ấn tượng, mặc dù
vậy, ở chiều ngược lại, nó thể hiện một thực tế là các doanh nghiệp nội đang lép vế hoàn toàn. Sự thất bại của các doanh nghiệp trong nước không chỉ phản ánh nội lực yếu kém hơn, mà còn cho thấy chính sách phát triển kinh tế vẫn thiếu tính bền vững. Từ vài năm trước, khi đóng góp của khu vực FDI vào thành tích xuất khẩu mới khoảng 50%, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về nguy cơ sự bành trướng của doanh nghiệp FDI sẽ giết chết các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam; trong khi đó, xuất phát điểm, chúng ta kỳ vọng sự có mặt của doanh nghiệp FDI với trình độ cao sẽ kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp nội địa. Đầu năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu lo ngại về rủi ro FDI có thể phân hóa nền kinh tế, dẫn đến tình trạng “hai nền kinh tế trong một quốc gia”: nền kinh tế của khu vực FDI và nền kinh tế của doanh nghiệp tư nhân nội địa. Chỉ riêng Samsung đã chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu cả nước với mặt hàng điện thoại và linh kiện, nếu xuất khẩu của doanh nghiệp này sụt giảm tất yếu sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch chung của cả nước. Con số xuất siêu 2,7 tỷ USD năm 2016 chưa chắc đã là một tín hiệu đáng mừng. Bởi xuất siêu không phải nhờ nội lực của doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu dựa vào FDI thì chỉ là hình thức chứ không phải thực trạng một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và bền vững. Đúng ra, nếu một nước xuất siêu - bất luận với trị giá thế nào - sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng GDP và lan truyền đến các lĩnh vực tài chính, tiền tệ quốc gia,... Nhưng đáng tiếc, từ thu nhập quốc dân đến cân đối ngân sách, nợ nần trong năm 2016 đều ngược chiều tới mức lo ngại. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, thấp hơn mức 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm là 6,7%. Là lối ra của nền kinh tế, nếu xuất khẩu của Việt Nam thực sự “sáng” như thể hiện qua xuất siêu thì có lẽ bức tranh kinh tế của chúng ta đã khác. Đã đến lúc Việt Nam cần xiết chặt chính sách thu hút dòng vốn FDI để hướng tới sự phát triển thực sự bền vững, học tập kinh nghiệm của những nước phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan coi làn sóng FDI như một cơ hội để chuyển giao vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý, thay vì coi FDI như một thành phần chủ chốt, một trong những trụ cột của nền kinh tế về lâu về dài. Xuất phát từ một trong những đặc trưng của dòng vốn FDI là luôn luôn di chuyển tùy thuộc vào nơi nào có điều kiện
và môi trường đầu tư tốt hơn, bất cứ một quốc gia nào, do giới hạn tăng trưởng, cũng sẽ đến thời điểm không còn là môi trường đầu tư hấp dẫn số một nữa và họ chỉ có một khoảng thời gian nhất định để buộc khu vực FDI chuyển giao 3 yếu tố cốt lõi trên trước khi quá trễ. Vấn đề đặt ra là, Việt Nam cần hành động nhanh và cấp thiết hơn để doanh nghiệp nội địa phát triển, tăng tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng nội địa của hàng xuất khẩu. Việc quá phụ thuộc vào khu vực FDI sẽ rất đáng ngại khi những lợi thế của nền kinh tế không còn hay khi những ưu đãi của chính sách thay đổi, dòng vốn FDI hoàn toàn có thể dịch chuyển sang nước khác. Đơn cử, điều này đang diễn ra với ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu dịch chuyển sang Campuchia, Bangladesh… Kết quả là trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may là 28,5 tỉ USD, chỉ tăng 5,6% so với năm trước. Đây là năm dệt may Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng thấp và không về đích đúng hẹn (mục tiêu đề ra là 29 tỷ USD) sau nhiều năm tăng trưởng ấn tượng.