Thay đổi tư duy và nhận thức của người làm chính sách về vai trò của

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 82 - 84)

dòng vốn FDI đối với phát triển trong giai đoạn mới

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy xuất phát điểm của chính sách thu hút dòng vốn FDI thường là giai đoạn tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm hấp thụ một khối lượng FDI lớn (đặc biệt là thông qua những doanh nghiệp chế biến chế tạo), rồi sẽ dần chuyển sang giai đoạn kế tiếp có mục tiêu tổng thể là chất lượng và tạo ra giá trị.

- Đa số các quốc gia khi mới bắt đầu mở cửa nền kinh tế, tham gia vào thị trường toàn cầu có môi trường đầu tư kém hấp dẫn và năng lực chính sách thấp. Lúc này họ cần khẩn trương cải thiện cơ sở hạ tầng, thiết lập khung pháp lý, xây dựng những viên gạch đầu tiên của chính sách thu hút dòng vốn FDI, mà thường là thông qua việc thiết lập hàng loạt các ưu đãi về tài chính, đơn giản hóa thủ tục cấp phép để mời gọi một số lượng lớn các nhà đầu tư bất kể quy mô, lĩnh vực hoặc quốc tịch.

Nếu những nỗ lực này mang lại kết quả, đất nước sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà ĐTNN, dòng vốn FDI bắt đầu tràn vào với quy mô lớn và làm dịch chuyển cơ cấu công nghiệp một cách rõ ràng. Đây là kết quả thu hút dòng vốn FDI về lượng trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa.

- Bước sang giai đoạn thứ hai, việc thu hút có chọn lọc các MNCs, hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh quốc gia mới là mục tiêu quan trọng hơn cả trong tạo lập chính sách. Nói cách khác, đây có thể xem như giai đoạn chuyển đổi chính sách thu hút dòng vốn FDI từ tập trung về “lượng” sang chú trọng về “chất”. Tại thời điểm này, quốc gia đã có môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi (có thể chưa thực sự hoàn hảo) và một số lượng lớn các doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động tạo ra giá trị như xây dựng chiến lược kinh doanh, R&D, thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất, mua sắm đầu vào, marketing, xây dựng thương hiệu... vẫn nằm trong tay người nước ngoài. Đóng góp của quốc gia sở tại chủ yếu là lao động phổ thông và đất công nghiệp. Do vậy, mặc dù tiền lương dần tăng lên và tỷ lệ đói nghèo giảm xuống, trình độ công nghệ và thu nhập về cơ bản vẫn ở mức thấp hoặc trung bình. Chính sách và các thể chế do đó buộc phải được đổi mới để cải thiện nguồn nhân lực và năng suất, hướng tới một sự PTBV. Mặc dù điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau bao gồm giáo dục và đào tạo, trợ cấp, các dự án công nghệ,... nhưng việc thu hút và sử dụng FDI một cách sáng suốt, có chọn lọc được xem là một công cụ đặc biệt quan trọng. Chính sách FDI phải chuyển từ thu hút đại trà sang thu hút có điều kiện và có chiến lược. Trong giai đoạn này, cần tập trung thu hút dòng vốn FDI có khả năng tạo ra giá trị trong nước, đồng thời giảm bớt các doanh nghiệp thâm dụng lao động, sản xuất đơn giản, hướng tới những dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Hai giai đoạn chính sách FDI này có thể chia thành nhiều thời kỳ khác nhau nhưng giai đoạn đầu thường có xu hướng ngắn. Điểm mấu chốt là trong tiến trình thực hiện mục tiêu PTBV, bất kỳ quốc gia nào đã thực hiện thành công giai đoạn phát triển về lượng của quá trình công nghiệp hóa cũng phải nhanh chóng chuyển

định hướng chính sách FDI từ cải thiện môi trường kinh doanh sang tạo dựng giá trị trong nước.

Đối với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, điều vô cùng quan trọng là phải nhận thức được rõ ràng rằng đất nước đang đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn thứ hai, và bởi thế, đang đứng trước yêu cầu cấp bách về chuyển đổi chính sách. Thời gian đầu, chúng ta cần vốn để xây dựng đất nước, nên chưa thực sự chú trọng về chất lượng các dự án FDI. Sau gần 30 năm thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã tiếp nhận được một lượng vốn đáng kể, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn chưa được thật sự tận dụng cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và quốc gia, đặc biệt là đóng góp vào CGCN, đồng thời còn để lại nhiều hệ lụy về môi trường như đã đề cập ở trên. Tư duy và nhận thức trong thời gian dài cho rằng thu hút dòng vốn FDI chỉ vì cần vốn và duy trì việc làm trên thực tế đã làm hạn chế hiệu quả sử dụng của nguồn vốn này. Trong thời gian tới, chính sách FDI cần được hoàn thiện theo những nội dung chính: Chất lượng và hiệu quả cao; xây dựng nền kinh tế ít ảnh hưởng đến môi trường sống; có sự cam kết về CGCN.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 82 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)