Biểu đồ 2.2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo hình thức đầu tư (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/12/2016)
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đa phần vốn FDI đổ vào Việt Nam dưới hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, chiếm tỷ trọng vượt trội hơn hẳn các hình thức còn lại (71,4%). Nguyên nhân là do với hình thức này, chủ ĐTNN được nắm toàn quyền điều hành dự án (có thể trực tiếp hoặc thuê người quản lý), được tự do tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi quy định của pháp luật nước chủ nhà, tạo cho họ tâm lý thoải mái, tự chủ, ít chịu sự ràng buộc. Mặt khác, điều này cũng được lý giải bởi thực tế các chủ đầu tư đang dần tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của Việt Nam, từ đó có xu hướng hoạt động độc lập hơn, không cần phụ thuộc nhiều vào các đối tác trong nước để khai thác các yếu tố thuận lợi (về đất đai, mặt bằng sản xuất...) như trong giai đoạn đầu mới thu hút. Vì không phải chia sẻ quyền sở hữu và lợi nhuận nên hình thức này có ưu điểm là nhà ĐTNN rất tích cực đầu tư thiết bị, công nghệ mới cũng như đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, cán bộ quản lý xí
nghiệp. Tuy nhiên, sự kiểm tra, giám sát của phía Việt Nam đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tất yếu sẽ bị hạn chế.
Luật Đầu tư 2014 (chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015) đã bổ sung hình thức đầu tư theo hợp đồng đối tác công tư (public private partnership - PPP). Đây là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công (Điều 27 Luật đầu tư 2014). Nói cách khác, hợp đồng PPP là thỏa thuận hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công, theo đó một phần hoặc toàn bộ công việc sẽ được chuyển giao cho khu vực tư nhân thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước. Cơ sở hình thành các thỏa thuận PPP xuất phát từ việc đầu tư các dự án/công trình kết cấu hạ tầng và/hoặc cung cấp dịch vụ công nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, như xây dựng và vận hành hệ thống đường bộ, cấp điện, cấp nước… Những dự án, dịch vụ này đòi hỏi đầu tư lớn nhưng khó sinh lời nên thường do nhà nước đứng ra thực hiện. Tuy nhiên, có một thực tế là nhu cầu sử dụng các công trình, dịch vụ công, đặc biệt là trước sức ép tăng trưởng kinh tế, luôn vượt quá khả năng thu xếp nguồn lực hữu hạn của nhà nước. Chính vì vậy, một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng này là thu hút các nguồn lực đầu tư vào các dự án, dịch vụ công thông qua đối tác nhà nước – tư nhân. Lĩnh vực, điều kiện, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hình thức mới này được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP.