Có rất nhiều khái niệm về hướng dẫn viên du lịch. Tùy theo mỗi cách tiếp cận, các góc độ khác nhau có các định nghĩa khác nhau về hướng dẫn viên du lịch.
Trường Đại Học British Cambodia của Canada cho rằng: “Hướng dẫn viên du lịch là các cá nhân làm việc trên các tuyến du lịch trực tiếp đi kèm hoặc di chuyển cùng với các cá nhân hoặc các đoàn khách theo một chương trình du lịch nhằm đảm bảo việc thực hiện
lịch trình theo đúng kế hoạch, thuyết minh cho khách về các điểm du lịch đồng thời tạo ra những ấn tượng tích cực cho khách du lịch”.
Năm 1994, Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra khái niệm hướng dẫn viên du lịch là cán bộ chuyên môn làm việc cho các doanh nghiệp lữ hành (bao gồm cả các doanh nghiệp du lịch khác có chức năng kinh doanh lữ hành) thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch khách tham quan theo chương trình du lịch đã được ký kết.
(Quy chế hướng dẫn viên du lịch – Ban hành theo Quyết định số 235/DL – HTĐT ngày 04 tháng 10 năm 1994 của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)
Theo khoản 11 Điều 3 Luật Du lịch 2017 thì hướng dẫn viên du lịch là người được cấp thẻ để hành nghề hướng dẫn du lịch. [19]
Ngoài ra còn theo Đinh Trung Kiên (2008): “Hướng dẫn viên du lịch là người thực hiện hướng dẫn khách du lịch trong chuyến tham quan du lịch hay tại các điểm du lịch nhằm đáp ứng những nhu cầu được thoả mãn của khách trong thời gian nhất định và thay mặt tổ chức kinh doanh du lịch giải quyết những phát sinh trong chuyến du lịch với phạm vi và khả năng của mình”. [4]
Tóm lại chúng ta có thể hiểu: “Hướng dẫn viên du lịch là những cá nhân thay mặt cho công ty lữ hành thực hiện hoạt động hướng dẫn theo hợp đồng đã ký với khách du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan du lịch của khách đem lại sự thích thú, hài lòng và tạo ấn tượng tốt trên mỗi chuyến hành trình du lịch”.
1.2.2. Phân loại hướng dẫn viên du lịch
Theo Đinh Trung Kiên (2002) hướng dẫn viên du lịch được phân loại dựa vào những căn cứ dưới đây:
Theo tính chất công việc hướng dẫn viên được phân loại gồm:
+ Hướng dẫn viên chuyên nghiệp là người hướng dẫn đoàn khách thực hiện chương trình tham quan du lịch được thỏa thuận của tổ chức kinh doanh du lịch, được cấp thẻ hành nghề du lịch.
+ Hướng dẫn viên tại điểm là người hướng dẫn khách du lịch thực hiện chuyến tham quan trong một vài giờ nhất định tại những điểm du lịch cụ thể.
+ Hướng dẫn viên thành phố là người hướng dẫn khách du lịch thực hiện chuyến tham quan tác phẩm, thường là trên các phương tiện di động như xe buýt, taxi, xích lô. Hướng dẫn viên có nhiệm vụ giới thiệu, bình luận cho khách nghe những đối tượng tham quan nổi bật của thành phố và bình luận về chúng, đồng thời trả lời các câu hỏi, giải thích cho khách những hiện tượng lạ trên lộ trình trong thành phố.
+ Hướng dẫn viên không chuyên là các cộng tác viên hướng dẫn du lịch mà các tổ chức kinh doanh du lịch thuê hợp đồng để hướng dẫn cho khách du lịch.
Một cách phân loại khác là chia thành hướng dẫn viên suốt tuyến và hướng dẫn viên địa phương.
+ Hướng dẫn viên suốt tuyến là những hướng dẫn viên chuyên nghiệp có nhiệm vụ hướng dẫn khách du lịch từ khi đón khách, trong thời gian chuyến du lịch cho đến khi tiễn khách, chịu trách nhiệm việc thực hiện chương trình du lịch của đoàn theo hợp đồng.
+ Hướng dẫn viên địa phương là hướng dẫn viên tại những điểm du lịch nào đó hay tại một thành phố nào đó làm nhiệm vụ hướng dẫn khách du lịch ở điểm du lịch hay ở thành phố chứ không theo đoàn khách trong suốt chuyến du lịch mà khách đã mua
Nghề hướng dẫn viên theo luật Du lịch 2017 được chia làm 3 đối tượng là hướng dẫn viên nội địa, hướng dẫn viên quốc tế và hướng dẫn viên tại điểm. Trong đó:
+ Hướng dẫn viên nội địa là người phục vụ khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc.
+ Hướng dẫn viên quốc tế là người phục vụ khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài.
+ Hướng dẫn viên tại điểm là người phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch. Ngoài ra thuyết minh viên du lịch là một tên gọi khác của hướng dẫn viên tại điểm.