cứu sự ảnh hưởng của trạng thái tâm trí, ví dụ như sự căng thẳng và hi vọng, đối với cơ thể. Bà phát hiện ra rằng, cũng giống như sự căng thẳng, sự tự chủ cũng có dấu hiệu sinh học. Nhu cầu đối với sự tự chủ tạo ra một loạt thay đổi trong não và cơ thể, giúp bạn chống lại lại cám dỗ và chiến thắng những sự thôi thúc có thể hủy hoại-bản thân.
Segerstrom gọi những thay đổi này là phản ứng dừng lại-và-lập-kế- hoạch, và phản ứng này khác phản ứng chiến đấu-hoặc-bỏ chạy.
Chắc hẳn bạn còn nhớ, trong chuyến du ngoạn đến thảo nguyên Serengeti, phản ứng chiến đấu-hoặc-bỏ chạy diễn ra khi bạn nhận thấy mối nguy hiểm bên ngoài. Sau đó não bộ và cơ thể bước vào trạng thái tự vệ để tấn công hoặc chạy trốn. Phản ứng dừng lại-và-lập-kế hoạch có sự khác biệt quan trọng: nó diễn ra khi ta ý thức được mâu thuẫn bên trong, chứ không phải mối nguy hiểm bên ngoài. Bạn muốn làm một việc gì đó (hút một điếu thuốc, ăn một bữa trưa no căng bụng, ghé vào trang web lạ khi đang làm việc), dù bạn biết việc đó là không nên. Hoặc bạn biết mình nên làm việc gì đó (trả thuế, hoàn thành việc được giao, tập thể thao) nhưng bạn lại không làm. Sự mâu thuẫn bên trong này chính là mối nguy mới: Bản năng đang thôi thúc bạn đưa ra một quyết định tồi. Vì vậy, điều cần thiết là bạn phải tự bảo vệ bản thân. Đó chính là ý nghĩa của sự tự chủ. Phản ứng hữu hiệu nhất là giảm, thay vì tăng tốc độ (phản ứng chiến đấu-hoặc-bỏ chạy là tăng tốc độ). Và đây chính là hoạt động của phản ứng dừng lại-và-lập kế hoạch. Nhận thức được những thay đổi về mâu thuẫn bên trong não bộ và cơ thể sẽ giúp bạn giảm tốc độ và kiểm soát được sự thôi thúc.