lắng, nhưng kiên quyết giữ lời hứa
Mỗi khi Yvonne muốn cảm thấy thoải mái, chị tìm đến khu phố mua sắm. Chị chắc chắn rằng, mua sắm giúp chị cảm thấy vui vẻ, bởi vì mỗi khi chán nản hoặc buồn lòng, chị chỉ muốn đi mua sắm. Chị chưa bao giờ nhận thấy những cảm giác phức tạp đi kèm với những buổi mua sắm, nhưng chị vẫn quyết tâm đón nhận nhiệm vụ quan tâm sâu sắc đến
những cảm giác đó. Chị phát hiện ra rằng, chị cảm thấy vui vẻ nhất là khi đang trên đường đến khu phố mua sắm. Trong lúc lái xe đến đó, chị cảm thấy tràn trề hi vọng và rất phấn khích. Đến nơi rồi, trong khi đi ngó nghiêng qua các cửa hiệu trong trung tâm khu phố, chị thấy vui vui. Nhưng khi vào đến bên trong gian hàng, cảm giác của chị thay đổi. Chị thấy căng thẳng, nhất là khi cửa hiệu đông đúc. Chị cảm nhận được một sự thôi thúc phải rời khỏi cửa hiệu, và kế đến là cảm giác gấp gáp về thời gian. Khi chị đứng xếp hàng đợi mua gì đó, chị nhận thấy mình mất kiên nhẫn và lo lắng. Nếu vị khách đứng trước chị có quá nhiều đồ hoặc đi đổi hàng, chị thấy rất khó chịu. Chị thấy nhẹ nhõm khi đến được quầy đăng kí và đưa thẻ tín dụng cho họ, nhưng đó không phải là cảm giác vui vẻ mà chị cảm nhận được trước khi mua hàng. Yvonne nhận ra rằng, niềm hi vọng và sự phấn khích mà chị có được trong khi lái xe đến khu phố chính là củ cà rốt thôi thúc chị đến đó; nỗi lo lắng và sự tức giận là cây gậy buộc chị phải xếp hàng. Trên đường về nhà, chị chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ như khi lái xe rời khỏi nhà.
Đối với nhiều người, sự nhận thức này khiến họ quay lưng khỏi phần thưởng không đem lại sự thỏa mãn kia. Nhưng Yvonne lựa chọn phương án khác: nhìn ngó các mặt hàng trong tủ kính để có được niềm vui tối đa. Cảm giác đứng trong khu phố đem đến cho chị cảm nhận mà chị thích nhất; chi tiêu quả là gây căng thẳng. Thật ngạc nhiên, khi chị quyết tâm với ý nghĩ sẽ không mua sắm gì nữa, và cất thẻ tín dụng ở nhà để không có cơ hội chi tiêu quá nhiều, chị trở về nhà trong tâm trạng vui vẻ hơn là khi chi tiêu nhiều tiền.
Khi bạn hiểu rõ cách mà cái-gọi-là phần thưởng khiến bạn cảm nhận, thì đó là lúc tốt nhất để bạn đưa ra các quyết định khôn ngoan về việc phải làm thế nào và liệu bạn có muốn và “khen thưởng” bản thân không.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ:
THỬ NGHIỆM LỜI HỨA VỀ PHẦN THƯỞNG
Hãy thử nghiệm lời hứa về phần thưởng với sự cám dỗ mà bạn vẫn thường xuôi theo bởi não nói với bạn rằng, bạn sẽ vui vẻ. Những lựa chọn phổ biến nhất trong khóa học của tôi là đồ ăn nhanh, đi mua sắm, xem truyền hình và lãng phí thời gian trên mạng internet để kiểm tra thư điện tử hoặc chơi bài. Bạn hãy tự thỏa mãn một cách có ý thức, nhưng đừng vội vã khi đang trải nghiệm nhé. Hãy chú ý đến những cảm nhận mà lời hứa về phần thưởng mang lại: sự ước đoán, niềm hi vọng, sự phấn khích, nỗi lo lắng, chảy nước miếng – bất kể là gì, miễn là nó đang diễn ra trong não và cơ thể. Sau đó, hãy cho phép bản thân đầu hàng. Trải nghiệm đó so với sự kì vọng có sự khác biệt nào không? Cảm nhận về lời hứa về phần thưởng có tan biến không – hay nó tiếp tục thôi thúc bạn ăn nhiều hơn, tiêu nhiều tiền hơn, hoặc ở lại lâu hơn? Bạn có thấy thỏa mãn không? Hay bạn chỉ đơn giản đến được cái đích là không thể tiếp tục, bởi vì bạn đã ăn căng bụng, kiệt sức, tức giận, hết thời gian, hoặc hết “phần thưởng”?
Những người thử phương pháp này thường có một trong hai kết quả như sau. Một số người nhận thấy rằng, khi họ thực sự chú ý đến trải nghiệm tự thỏa mãn, họ cần ít thứ hơn là họ tưởng để
cảm thấy thỏa mãn. Những người khác thấy rằng, trải nghiệm đó hoàn toàn không khiến họ thỏa mãn, và cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa lời hứa về phần thưởng và trải nghiệm thực tế. Cả hai nhận định này đều có thể trao cho bạn sự tự chủ lớn hơn đối với thứ có cảm giác giống như hành vi mất kiểm soát.