Chế độ ăn kiêng không-phải-ăn-kiêng

Một phần của tài liệu Não và lời nói dối vĩ đại của nó (Trang 146 - 148)

Bạn có thể giảm cân hoặc tăng cường sức khỏe mà không cần phải hạn chế các thực phẩm có chất béo không? Một phương pháp mới cho rằng, điều này là có thể – và tôi không hề nói về liều thuốc kì diệu nào đó tuyên bố sẽ giúp bạn đốt cháy chất béo và giảm cân trong lúc ngủ đâu nhé. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Laval, Quebec đang nghiên cứu phương pháp can thiệp độc nhất vô nhị, tập trung vào thứ mà người tham gia nên ăn. Chương trình đó không đưa ra danh sách các món ăn bị cấm, và cũng không tập trung vào việc cắt giảm ca-lo. Thay vào đó, nó tập trung vào phương thức mà thực phẩm có thể đem lại sức khỏe tốt và niềm vui. Phương pháp này cũng yêu cầu người tham gia nghĩ đến việc họ có thể làm nhằm tăng cường sức khỏe – ví dụ như tập thể dục – thay vì nghĩ đến những thứ họ không nên ăn, hoặc những việc họ không nên làm.

Về bản chất, chương trình đó biến thách thức quyền năng “Tôi sẽ không” thành thách thức quyền năng “Tôi sẽ”. Thay vì gây chiến với các cơn thèm, họ biến nó thành nhiệm vụ nâng cao sức khỏe.

Các nghiên cứu về phương pháp này cho thấy rằng, việc biến biến quyền năng “Tôi sẽ không” thành quyền năng “Tôi sẽ” đem lại hiệu quả. 2/3 người tham gia được quan sát đã giảm cân và duy trì trọng lượng trong 16 tháng liền. (Hãy so sánh kết quả đó với kết quả trong đợt ăn kiêng gần nhất của bạn; tôi tin rằng, một người ăn kiêng bình thường chỉ mất 16 ngày để trở lại điểm xuất phát.) Họ cũng cho biết, có ít các cơn thèm ăn hơn sau khi hoàn thành chương trình, và ít có khả năng mất kiểm soát trong các tình huống liên quan đến thực phẩm – ví dụ như căng thẳng và tán dương – thường khơi gợi tình trạng ăn uống quá độ. Điều quan trọng là, những người phụ nữ hình thành thái độ linh hoạt nhất đối với thực phẩm giảm được nhiều cân nhất. Thôi không ngăn cấm thực phẩm giúp họ có nhiều hơn thay vì ít hơn, sự kiểm soát đối với thực phẩm họ nên ăn.

THÍ NGHIỆM Ý CHÍ: BIẾN QUYỀN NĂNG “TÔI SẼ KHÔNG” THÀNH“TÔI SẼ” “TÔI SẼ”

Ngay cả những người không ăn kiêng cũng có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ thành công của việc biến thách thức “tôi sẽ không” thành “tôi sẽ”. Đối với thách thức “Tôi sẽ không” lớn nhất của bạn, hãy thử một trong các chiến lược dưới đây:

Bạn có thể làm gì thay vì hành vi “Tôi sẽ không” và hành vi này có thể thỏa mãn nhu cầu tương tự? Hầu hết các thói quen xấu đều là sự cố gắng đáp ứng một nhu cầu nào đó, dù đó là giảm bớt căng thẳng, tìm kiếm niềm vui, hay tìm kiếm sự đồng thuận. Bạn có thể tập trung vào việc thôi không cấm cản thói quen xấu bằng cách thay thế thói quen đó bằng thói quen mới (hi vọng thói quen đó lành mạnh hơn). Một trong các học viên của tôi cố gắng bỏ cà phê và uống trà thay thế. Cả hai đồ uống này đều có chung lợi ích – là đồ uống dùng khi giải lao, giúp cậu ta có thêm năng lượng, có thể mua ở bất cứ đâu – mà không phải tiêu thụ nhiều caffeine như trước nữa.

Nếu bạn không thực hiện thói quen xấu, bạn sẽ làm gì thay thế?

Hầu hết các chứng nghiện và sự xao lãng đều lấy đi thời gian và năng lượng từ việc mà chúng ta có thể đang thực hiện. Đôi khi việc tập trung vào cơ hội bị bỏ lỡ đó tạo nhiều động lực hơn là cố gắng từ bỏ thói quen xấu.

Bạn có thể xác định lại thách thức “Tôi sẽ không” để nó biến thành thách thức “Tôi sẽ” không? Đôi lúc, cùng một hành vi có thể được nghĩ theo hai cách. Ví dụ, một trong các học viên của tôi xác định lại “không đi muộn” thành “là người đến đầu tiên” hoặc “đến sớm hơn 5 phút”. Nghe có vẻ không khác nhau là mấy, nhưng cậu học viên này thấy mình có nhiều động lực hơn – và ít bị muộn hơn. Nếu bạn tập trung vào việc bạn muốn làm, thay vì việc bạn không muốn làm, bạn sẽ tránh được những nguy hiểm của phản ứng trở lại.

Nếu bạn thực hiện thí nghiệm này, hãy cam kết dành cả tuần tập trung vào những hành động tích cực, thay vì những hành vi bị cấm đoán. Cuối tuần, hãy suy nghĩ xem bạn đã thực hiện tốt như thế nào với thách thức “Tôi sẽ không” ban đầu và thách thức

“Tôi sẽ” mới toanh.

Một phần của tài liệu Não và lời nói dối vĩ đại của nó (Trang 146 - 148)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)