Vậy là chúng ta thấy rằng, cảm giác tồi tệ có thể khiến chúng ta đầu hàng bằng nhiều cách. Cảm giác tội lỗi và tự phê bình ư? Đó là con đường nhanh chóng dẫn đến “Mình có thể tự chiều theo ý mình thêm nữa.”
Nhưng, đôi lúc, cảm giác tồi tệ đưa đẩy chúng ta theo hướng hoàn toàn khác. Mệt mỏi vì cảm giác có lỗi, lo lắng và căng thẳng, chúng ta tìm đến một thứ có thể thực sự đem lại cảm giác tốt đẹp: cam kết thay đổi. Nhà tâm lí học Janet Polivy và C. Peter Herman thuộc Đại học Toronto khám phá ra rằng, chúng ta thường quyết định thay đổi khi ở vào điểm trạng thái thấp nhất: cảm thấy có lỗi vì ăn uống vô độ, nhìn chằm chằm vào hóa đơn thẻ tín dụng, tỉnh dậy trong trạng thái mệt mỏi, hoặc lo lắng về sức khỏe. Việc đề ra cam kết tạo ý thức nhẹ nhõm và có kiểm soát ngay tức khắc. Chúng ta không cần tin rằng, mình chính là người gây ra sai lầm; chúng ta có thể trở thành con người hoàn toàn khác.
Cam kết sẽ thay đổi giúp chúng ta tràn trề hi vọng. Chúng ta thích hình dung ra cách mà những thay đổi sẽ tạo ra cho cuộc sống của mình, và chúng ta tưởng tượng về con người mà ta sẽ trở thành. Nghiên cứu chỉ ra rằng, quyết định ăn kiêng khiến con người cảm thấy mạnh mẽ hơn, và lập kế hoạch tập thể thao khiến người ta cảm thấy mình cao lớn
hơn. (Không ai nói rằng, ý nghĩ kì lạ kia là có thực.) Mọi người sẽ đối xử khác với ta, ta tự nhủ như vậy. Mọi thứ sẽ khác lắm. Mục tiêu càng lớn, hi vọng càng nhiều. Vậy là chúng ta quyết định thay đổi, quả là hấp dẫn khi ta tự lập cho mình dự án lớn lao đến vậy. Tại sao lại đề ra một mục tiêu khiêm tốn trong khi đề ra mục tiêu to lớn sẽ khiến ta cảm thấy tốt đẹp hơn nữa? Tại sao phải bắt đầu từ cái nhỏ bé trong khi ta có thể mơ ước lớn hơn?
Thật không may, lời hứa thay đổi – cũng giống như lời hứa về phần thưởng hoặc lời hứa khuây khỏa – hiếm khi đem đến cho ta thứ ta kì vọng. Thái độ lạc quan phi thực tế có thể khiến chúng ta cảm thấy hay hay trong khoảnh khắc đó, nhưng sau này nó sẽ khiến ta cảm thấy tồi tệ hơn. Quyết định thay đổi là sự thỏa mãn tột cùng – bạn có được tất cả những cảm giác tốt đẹp trước khi chưa việc gì được làm hết. Nhưng thử thách của việc thực sự tạo ra thay đổi có thể là một sự thức tỉnh thô lỗ, và phần thưởng ban đầu hiếm khi nào tạo ra nhiều thay đổi như ta tưởng tượng (“Tôi giảm 2kg rồi, vậy mà tôi vẫn phải làm công việc tẻ nhạt
này!”). Khi chúng ta đối mặt với bước lùi đầu tiên, cảm giác tốt đẹp ban đầu khi ta quyết định thay đổi được thay thế bởi nỗi thất vọng và tức giận. Không đáp ứng được kì vọng khiến ta có cảm giác có lỗi như cũ, kèm theo đó là cảm giác tuyệt vọng, hồ nghi và cao trào cảm xúc khi cam kết sẽ thay đổi đã biến mất. Lúc này, hầu hết mọi người sẽ từ bỏ mọi nỗ lực thay đổi. Chỉ khi nào ta cảm thấy mất kiểm soát và cần thêm
luồng hi vọng mới, ta mới tiếp tục cam kết sẽ thay đổi – và khởi động cả quy trình đó.
Polivy và Herman gọi chu trình này là “hội chứng hi vọng giả”. Nó không phải và cũng không được coi là một chiến lược tạo thay đổi. Nó chỉ là chiến lược giúp ta cảm thấy tốt đẹp hơn, và hai điều đó hoàn toàn khác nhau. Nếu bạn chỉ quan tâm đến việc cảm thấy có hi vọng, đây không phải là chiến lược vô lí đâu. Đối với hầu hết mọi người, cam kết thay đổi là phần hay ho nhất của quá trình thay đổi. Sau đó, tất cả đều trượt dốc: phải tỏ ra tự chủ, nói không khi muốn nói có, nói có khi muốn nói không. Từ quan điểm về niềm vui, nỗ lực thực sự tạo thay đổi không thể so sánh với niềm hi vọng khi hình dung rằng, bạn sẽ thay đổi. Đó là lí do khiến nhiều người vui vẻ đầu hàng và lại hứa thay đổi, liên tục như vậy nhiều lần, thay vì tìm cách tạo sự thay đổi vĩnh viễn.
Hãy dành một chút thời gian suy nghĩ về động lực và kì vọng của bạn đối với sự thay đổi. Có phải bạn chỉ cảm thấy có động lực thay đổi khi bạn có cảm giác tồi tệ không? Có phải phần tốt nhất của việc thiết lập mục tiêu là niềm vui thích khi hình dung xem sự thành công sẽ thay đổi cuộc đời bạn ra sao không? Bạn có vận dụng hình ảnh tưởng tượng về bạn trong tương lai để kiểm soát cảm giác hiện tại của bạn, hơn là có những bước đi cụ thể để kiểm soát hành vi của mình không?
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ: SỰ BI QUAN, LẠC QUAN DÀNH CHO NHỮNGCAM KẾT THÀNH CÔNG CAM KẾT THÀNH CÔNG
Sự lạc quan có thể tạo động lực cho chúng ta, nhưng một chút bi quan cũng có thể giúp ta thành công. Nghiên cứu cho thấy rằng, việc dự đoán cách thức và thời điểm bạn có thể bị cám dỗ để phá vỡ lời thề, gia tăng cơ hội giúp bạn trung thành với cam kết.
Đối với thách thức ý chí của riêng bạn, hãy tự hỏi: Khi nào tôi có khả năng bị cám dỗ nhất? Bằng cách nào tôi có khả năng cho phép bản thân bị xao lãng khỏi mục tiêu nhất? Tôi sẽ nói sao với chính mình để cho phép bản thân được trì hoãn? Khi có sẵn những viễn cảnh đó trong tâm trí rồi, hãy hình dung bạn ở trong tình huống đó, cảm giác sẽ thế nào và bạn sẽ nghĩ sao. Hãy cho phép bản thân nhìn thấy sự thất bại ý chí.
Sau đó, hãy biến thất bại trong tưởng tượng đó thành sự thành công về ý chí. Cân nhắc hành động cụ thể bạn có thể thực hiện để trung thành với cam kết. Bạn có cần nhớ đến động lực của mình không? Tự giúp mình tránh khỏi cám dỗ? Gọi cho một người bạn để được động viên? Sử dụng một trong những chiến lược ý chí khác mà bạn đã học được? Khi đã có chiến lược cụ thể rồi, hãy hình dung bạn sẽ áp dụng chiến lược đó. Hình dung xem nó sẽ mang đến cảm giác thế nào. Hãy xem bạn thành
công. Hãy để hình ảnh này về bản thân đem đến cho bạn sự tự tin rằng, bạn sẽ làm mọi việc cần thiết để đạt mục tiêu.
Lập kế hoạch cho thất bại theo cách này chính là hành động tự cảm thông, không phải là hồ nghi. Khi khoảnh khắc sự thất bại ý
chí đó đến, bạn sẽ sẵn sàng biến kế hoạch thành hành động.
Lời cuối
Để tránh những thất bại ý chí do căng thẳng gây ra, chúng ta cần khám phá xem điều gì thực sự giúp chúng ta cảm thấy tốt đẹp hơn – không phải lời hứa giả tạo về phần thưởng, và không phải những lời hứa suông sẽ thay đổi. Chúng ta cần cho phép bản thân làm những việc này, và bảo vệ bản thân khỏi những căng thẳng không liên quan đến cuộc sống của mình. Khi chúng ta có những bước lùi – và chắc chắn sẽ có – ta cần phải tha thứ cho thất bại của bản thân, và không coi đó là lời biện hộ cho sự đầu hàng hoặc từ bỏ. Khi nói đến việc tăng cường tự chủ, sự tự cảm thông là chiến lược tốt hơn nhiều so với việc tự mắng nhiếc chính mình.
J
CHƯƠNG 7