Liệu việc hình dung sự ngưỡng mộ của các bạn học cùng lớp trung học, khi bạn xuất hiện trong buổi họp lớp với thân hình giảm 15 kg, có giúp bạn thức dậy tập thể dục mỗi sáng không? Liệu sự thất vọng của cậu con trai 9 tuổi khi bạn hút thuốc, có ngăn cản bạn không lén lút hút một điếu thuốc trong khi làm việc không?
Khi suy nghĩ về một lựa chọn, chúng ta thường hình dung mình là đối tượng đánh giá của người khác. Các nghiên cứu cho thấy, việc này có thể tạo động lực mạnh mẽ đối với sự tự chủ. Những người hình dung niềm tự hào mà họ sẽ cảm nhận được khi hoàn thành mục tiêu – từ mục tiêu bỏ thuốc lá đến hiến máu – thường theo sát mục tiêu và thành công.
David Desteno, chuyên gia tâm lí học thuộc Đại học Northeastern, lập luận rằng, cảm xúc xã hội, ví dụ như niềm tự hào và sự xấu hổ, có ảnh hưởng nhanh hơn và trực tiếp hơn đối với các lựa chọn của chúng ta so với các lập luận có lí về chi phí và lợi ích lâu dài. Desteno gọi đây là sự tự chủ nóng hổi. Chúng ta vẫn thường coi sự tự chủ là việc chiến thắng của một lí do lạnh lùng trước những thôi thúc nóng hổi, nhưng niềm tự hào và sự xấu hổ phụ thuộc vào bộ não mang tính cảm xúc, thay vì phụ thuộc vào vỏ não trước có lí trí. Có thể các cảm xúc xã hội đã tiến hóa giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn để có được chỗ đứng trong “bộ lạc”, tương tự như nỗi sợ hãi giúp chúng ta bảo vệ chính mình và sự tức giận giúp ta phòng vệ. Hình dung ra việc chấp nhận hoặc chối bỏ của xã hội có thể khuyến khích chúng ta làm việc đúng đắn.
Một số doanh nghiệp và cộng đồng cũng bắt đầu thử nghiệm với cảm giác xấu hổ, thay vì đưa ra các hình phạt tiêu chuẩn đối với các hành vi phá hoại và phạm pháp. Nếu bạn bị bắt khi đang ăn cắp đồ trong cửa hàng tạp hóa tại Chinatown thuộc Manhattan, có thể bạn sẽ bị buộc phải chụp ảnh cùng với món đồ bạn lấy cắp. Bức ảnh đó sẽ được treo trên bức tường gần quầy thu ngân, có ghi đầy đủ tên họ, địa chỉ và lời cảnh báo “Kẻ trộm cắp”.