Bản năng ý chí là một điều kì diệu: nhờ não làm việc chăm chỉ và hợp tác tích cực với cơ thể, các lựa chọn của bạn được thôi thúc bởi các mục tiêu dài hạn, thay vì bị thôi thúc bởi sự mơ hồ hoặc việc cần thiết phải thỏa mãn sự hài lòng trước mắt. Nhưng thái độ tự chủ không đến dễ dàng. Tất cả các nhiệm vụ của trí óc – tập trung chú ý, so sánh các mục tiêu cạnh tranh, xoa dịu căng thẳng và các cơn thèm – đòi hỏi năng lượng thể chất thực sự của cơ thể, tương tự như cơ bắp cần có năng lượng để chiến đấu hoặc chạy trốn trong trường hợp khẩn cấp.
Chúng ta đều biết rằng, quá nhiều căng thẳng sẽ có hại cho sức khỏe. Khi bạn bị căng thẳng triền miên, cơ thể tiếp tục chuyển năng lượng từ các nhu cầu dài hạn như tiêu hóa, sinh sản, hàn gắn vết thương và chiến đấu với bệnh tật, nhằm đáp trả nhu cầu trước mắt của những tình huống khẩn cấp rõ rệt. Đó là cách khiến chứng căng thẳng kinh niên dẫn đến các bệnh tim mạch, tiểu đường, đau lưng mãn tính, khó thụ thai, hoặc dễ dàng bị cảm cúm. Việc bạn chưa bao giờ thực sự phải chiến đấu hoặc chạy trốn trước những căng thẳng thường ngày này (hoặc khi bạn cố chạy trốn món nợ thẻ tín dụng) nằm ngoài mấu chốt vấn đề. Chỉ cần não tiếp tục nhận thấy mối đe dọa bên ngoài, tâm trí và cơ thể sẽ bị ném vào trạng thái cảnh giác cao độ và có thể hành động theo sự thôi thúc.
Vì sự tự chủ cũng đòi hỏi mức năng lượng cao, nên một số nhà khoa học cho rằng, sự tự chủ thường xuyên cũng giống như căng thẳng mãn
tính, có thể gia tăng cơ hội bị ốm do chuyển hóa năng lượng từ hệ miễn dịch. Lần đầu tiên bạn nghe thấy: quá nhiều ý chí sẽ có hại cho sức khỏe. Có lẽ bạn đang nghĩ: còn mớ thông tin hỗn độn trong chương 1 về tầm quan trọng của ý chí đối với sức khỏe thì sao? Vậy mà giờ anh lại nói với tôi rằng, tự chủ sẽ khiến tôi phát ốm sao? Ừm, có thể lắm. Giống như một cuộc sống hạnh phúc và hiệu quả cũng cần chút căng thẳng, và một chút tự chủ nữa. Nhưng cũng giống như việc sống trong mối căng thẳng kinh niên là không lành mạnh, nên việc cố gắng kiểm soát mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi chỉ là một chiến lược độc hại. Đó quả là gánh nặng quá lớn đối với mặt sinh học của cơ thể.
Giống như phản ứng căng thẳng, sự tự chủ tiến hóa như một chiến lược hữu hiệu, nhằm đối phó với các thách thức cụ thể. Nhưng cũng giống như sự căng thẳng, chúng ta lâm vào rắc rối khi tự chủ trở nên thường xuyên và liên tục. Chúng ta cần thời gian để phục hồi từ sự cố gắng tự chủ trước đó, và đôi lúc, chúng ta cần dành nguồn trí tuệ và thể chất vào việc khác. Để duy trì sức khỏe và hạnh phúc, bạn cần từ bỏ việc theo đuổi sự hoàn hảo của ý chí. Ngay cả khi gia tăng sự tự chủ, bạn vẫn không thể kiểm soát được mọi ý nghĩ, cảm giác, lời nói và hành động của mình. Bạn phải khôn khéo lựa chọn chiến trường của ý chí.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ:
THƯ GIÃN ĐỂ PHỤC HỒI KHO Ý CHÍ
Thư giãn là một trong những cách tốt nhất để phục hồi sau căng thẳng và nhu cầu tự chủ trong cuộc sống. Thư giãn – dù chỉ vài phút – giúp tăng biến thiên nhịp tim bằng cách khởi động hệ thần kinh phó giao cảm và làm dịu hệ thần kinh giao cảm. Nó cũng đưa cơ thể vào trạng thái lành thương, nâng cao chức năng hệ miễn dịch và giảm lượng hoócmôn căng thẳng. Các nghiên cứu cho thấy, dành thời gian thư giãn mỗi ngày có thể bảo vệ sức khỏe của bạn, đồng thời làm tăng sức mạnh ý chí. Ví dụ, những người thường xuyên thư giãn có phản ứng sinh lí học tốt hơn trước các thách thức liên quan đến sự căng thẳng: thử nghiệm tập trung trí tuệ và thử nghiệm chịu đựng cơn đau
(ngâm một chân vào nước lạnh khoảng 3oC – này bạn, đừng thử làm vậy ở nhà nhé!). Các vận động viên biết thư giãn bằng cách hít thở sâu và nghỉ ngơi có khả năng hồi phục nhanh hơn sau khi tập luyện mệt nhoài, giảm bớt hoócmôn căng thẳng và các
ảnh hưởng xấu do ô-xy hóa đối với cơ thể.
Chúng ta không nói đến việc ngồi xem tivi hoặc “thư giãn” bằng một li rượu và một bữa ăn no ứ. Phương pháp thư giãn góp phần nâng cao ý chí phải là phương pháp nghỉ ngơi thật sự về cả mặt trí tuệ thể chất và được bác sĩ chuyên khoa tim Herbert Benson tại trường Y Harvard gọi là
phản ứng thư giãn sinh lí học. Nhịp tim, nhịp thở, huyết áp giảm và cơ bắp giải tỏa được căng thẳng. Não được nghỉ ngơi và không phải bận tâm hoạch định kế hoạch cho tương lai hoặc phân tích quá khứ đã qua.
Để khởi động phản ứng thư giãn này, bạn hãy nằm ngửa dùng gối kê dưới hai đầu gối để hơi nâng chân lên (hoặc bạn có thể chọn tư thế phù hợp nhất để nghỉ ngơi). Hãy nhắm mắt lại và hít thở sâu vài lần, để cho bụng căng lên và xẹp xuống. Nếu bạn cảm thấy bất cứ căng thẳng nào trong cơ thể, bạn có thể siết chặt hoặc co cơ lại, sau đó dừng lại. Ví dụ, nếu bạn cảm nhận được sự căng thẳng trong hai bàn tay và các ngón tay, hãy nắm các ngón tay thành nắm đấm, sau đó mở rộng hai bàn tay ra. Nếu bạn nhận thấy căng thẳng ở trán hoặc quai hàm, hãy nheo mắt và nhăn mặt, sau đó há rộng miệng trước khi thư giãn toàn bộ cơ mặt. Bạn hãy nằm yên trong tư thế đó khoảng 5 đến 10 phút, hưởng thụ niềm vui không phải làm gì khác ngoài hít thở. Hãy đặt chuông báo thức nếu bạn lo mình sẽ ngủ gật.
Hãy thực hành hàng ngày, nhất là khi bạn phải đối mặt với sự cần thiết cao về ý chí hoặc căng thẳng cao độ. Thư giãn sẽ giúp cơ thể bạn hồi phục sau tác động sinh lí học của mối căng thẳng mãn tính hoặc sự tự chủ quá mức.