TRƯỜNG XANH
Đã bao nhiêu lần bạn được đề nghị bảo vệ môi trường bằng việc thực hiện một hành động nhỏ, từ việc thay bóng đèn đến dùng túi mua sắm tái sử dụng? Có thể bạn cũng được đề nghị mua sản phẩm “không chứa cac-bon” – về cơ bản, đây là sám hối tài chính vì bạn sử dụng năng lượng và tiêu thụ quá mức. Ví dụ, các lữ khách cảm thấy có lỗi về tác động đối với môi trường do đi vé máy bay hạng nhất, có thể bỏ thêm một chút tiền nho nhỏ để hãng hàng không trồng thêm một cây xanh ở Nam Mĩ.
Về bản chất, tất cả các hành động này đều tốt cho môi trường. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các hành động này thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về chính mình? Liệu chúng ta có tự thuyết phục rằng, ta quan tâm đến hành tinh này, và khuyến khích bản thân tuân thủ các quy tắc xanh bất cứ khi nào có thể không? Hay liệu những lựa chọn đạo đức này sẽ góp phần gây hại cho môi trường, bằng cách đóng vai trò là nhân tố nhắc nhở thường xuyên về giấy phép xanh của chúng ta?
Lần đầu tiên tôi bắt đầu lo lắng về điều này là khi một nghiên cứu cho thấy, hiệu ứng giấy phép đạo đức đối với hành động bảo vệ môi trường. Chỉ cần lướt qua một trang web bán các sản phẩm xanh, ví dụ pin nạp hoặc sữa chua hữu cơ, cũng khiến mọi người cảm thấy bản thân thật tốt đẹp. Nhưng bảo vệ môi trường không phải lúc nào cũng đưa lại hành động có đạo đức. Nghiên cứu đó phát hiện ra rằng, những người thực sự quyết định mua một sản phẩm thân thiện với môi trường sinh thái thường gian lận trong bài kiểm tra mà họ được trả tiền cho mỗi câu trả lời đúng. Họ cũng thường lấy thêm tiền trong phong bì mà họ được yêu cầu lấy đúng khoản tiền của mình. Đôi lúc phẩm hạnh của hành động mua sắm xanh lại biện minh cho tội lừa gạt và trộm cắp.
Ngay cả nếu như bạn không nghĩ rằng, lái chiếc xe Prius(3) sẽ biến bạn thành một kẻ nói dối(4), kết quả của một cuộc nghiên cứu cũng cho thấy điều đó. Nhà kinh tế học Matthew J. Kotchen lo ngại rằng, các hành động “xanh” nho nhỏ sẽ giảm bớt lỗi của cả người làm kinh doanh và
người tiêu dùng, và cấp phép cho các hành vi nguy hại hơn. Có thể chúng ta quan tâm đến môi trường, nhưng tạo ra sự thay đổi lớn về phong cách sống quả là không đơn giản. Có thể sẽ là hơi quá khi nghĩ đến mức độ nghiêm trọng của sự thay đổi khí hậu, thiếu hụt năng lượng và hành động cần có để ngăn chặn thảm họa. Khi mọi thứ khiến chúng ta cảm thấy đã hoàn thành phần việc của mình – để chúng ta có thể thôi nghĩ về vấn đề kia – chúng ta sẽ lao ngay vào đó. Và một khi cảm giác có lỗi và sự lo lắng tan biến, chúng ta sẽ được tự do tiếp tục thực hiện các hành vi lãng phí như thường lệ. Vậy nên, một chiếc túi mua sắm tái sử dụng trở thành giấy phép để chúng ta mua nhiều hơn, trồng thêm một cây xanh là giấy phép để chúng ta đi máy bay thường xuyên hơn, và thay bóng đèn là giấy phép để chúng ta được sống trong một ngôi nhà to lớn hơn, tiêu tốn năng lượng hơn.
Tin tốt lành là, không phải tất cả các hành động xanh đều có thể gợi ra hành vi tiêu dùng hoang phí ăn uống vô độ và không cảm thấy có lỗi khi thải cac-bon. Các nhà kinh tế học thuộc Đại học Melbourne phát hiện ra rằng, hiệu ứng giấy phép hay xảy ra nhất khi mọi người chi trả cho việc “sám hối” vì hành vi xấu – ví dụ, trả thêm 2,5 đô la để trồng một cây xanh bù lại chi phí thải cac-bon do sử dụng điện tại nhà. Cảm giác có lỗi với môi trường của người tiêu dùng được giảm nhẹ, và gia tăng cơ hội khiến họ cảm thấy mình được phép tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.
Tuy nhiên, khi ta được trao cơ hội để trả thêm tiền cho hành vi thay thế hành động có hại bằng hành động có lợi cho môi trường – ví dụ, trả thêm 10% hóa đơn điện để sử dụng nguồn năng lượng xanh – hiệu ứng giấy phép như vậy không được thấy rõ. Tại sao không? Các nhà kinh tế học nghiên cứu và cho rằng, hành động xanh này không làm giảm bớt cảm giác có lỗi nhiều như nó làm tăng ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường. Khi chúng ta trả thêm tiền để sử dụng năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời, chúng ta nghĩ rằng, mình là người biết làm việc tốt cho hành tinh này! Và sau đó, chúng ta ôm khư khư nhận định đó bên mình và tìm kiếm thêm cách để sống với đúng giá trị của bản thân và đạt được mục tiêu. Nếu chúng ta muốn khuyến khích người khác hành động xanh, chúng ta phải khôn khéo tập trung hơn nữa vào cá tính của một người biết quan tâm đến môi trường, và quan tâm ít hơn đến việc trao cho mọi người cơ hội được mua quyền làm tan chảy các tảng băng.
Khi bạn nghĩ về thách thức ý chí, bạn thấy cái tôi nào giống bạn “thực sự” nhất – cái tôi muốn theo đuổi mục tiêu, hay cái tôi muốn được kiểm soát? Bạn nhận thấy nhiều hơn với khao khát và sự thôi thúc, hay với giá trị và mục tiêu dài hạn của bạn? Khi nghĩ về thách thức ý chí, bạn có cảm thấy mình là người có thể thành công – hay bạn cảm thấy bạn cần phải kìm nén, cải thiện, hoặc thay đổi con người của mình không?
Lời cuối
Trong hành trình đi tìm sự tự chủ, quả là sai lầm khi giới hạn các thách thức ý chí trong khuôn khổ của các hành vi đạo đức. Chúng ta nhanh chóng cấp giấy phép cho bản thân nhờ vào các hành vi tốt đẹp hoặc chỉ là các hành vi được dự tính và nhanh chóng đầu hàng. Nghĩ đến khía cạnh “đúng” và “sai” thay vì nhớ đến mong muốn thực sự của bản thân, sẽ gây ra những sự thôi thúc cạnh tranh và cho phép các hành vi tự hủy hoại bản thân. Để thay đổi, chúng ta cần phải cảm nhận được bản chất của mục tiêu, chứ không phải hào quang của hiệu ứng ấn tượng tốt mà ta có được khi làm một người tốt.
N
CHƯƠNG 5