Nếu bạn ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm, chắc hẳn bạn cũng không nhớ nổi cảm giác có được đầy đủ ý chí. Ít ngủ hoặc mất ngủ kinh niên khiến bạn dễ bị tác động bởi căng thẳng, bởi các cơn thèm và cám dỗ. Nó cũng khiến bạn khó kiểm soát cảm xúc, tập trung, hoặc có năng lượng để xử lí các thách thức lớn của quyền năng “Tôi sẽ.” (Trong khóa học của tôi, luôn có một nhóm ngay lập tức nhận ra sự thật của lời tuyên bố này: các ông bố bà mẹ mới có con.) Nếu bạn bị mất ngủ kinh niên, có thể bạn sẽ cảm thấy hối tiếc vào cuối ngày, tự hỏi tại sao mình lại tiếp tục đầu hàng cám dỗ hoặc trì hoãn việc cần làm. Dần dà, cảm giác đó sẽ biến thành sự xấu hổ và có lỗi. Hiếm khi chúng ta nhận thấy rằng, mình không cần phải trở thành con người tốt hơn, mà nên biết nghỉ ngơi tốt hơn.
Tại sao thiếu ngủ lại hủy hoại ý chí? Mất ngủ làm suy yếu khả năng sử dụng glucose của cơ thể và não bộ, trong khi glucose là năng lượng chủ chốt. Khi bạn mệt mỏi, các tế bào gặp khó khăn trong việc hấp thụ glucose từ máu. Việc này khiến các tế bào không được nạp đủ năng lượng và kết quả là bạn kiệt sức. Khi não và cơ thể cần năng lượng, bạn bắt đầu thèm đồ ngọt và chất caffeine. Nhưng ngay cả khi bạn nạp năng lượng bằng đường hoặc cà phê, cơ thể và não vẫn không có được năng lượng cần thiết, bởi vì chúng không thể sử dụng năng lượng đó một cách hiệu quả. Đây là tin xấu đối với sự tự chủ, bởi não và cơ thể sẽ tiêu tốn
nguồn nhiên liệu hạn chế này vào một trong những nhiệm vụ hao tốn năng lượng nhất.
Phần vỏ não trước – tức là khu vực đói năng lượng – chịu đựng sức nặng của sự khủng khoảng về năng lượng cá nhân này. Các nhà nghiên cứu về giấc ngủ còn đặt tên cho trạng thái này là: “hoạt động khác thường của vỏ não trước.” Thiếu ngủ một chút, và bạn tỉnh giấc với trạng thái tạm thời của Phineas Gage – như thể não bạn bị tổn thương. Các nghiên cứu cho thấy, thiếu ngủ gây ảnh hưởng đến não, tương đương như trạng thái bị say – trạng thái khiến rất nhiều người trong số chúng ta phải thừa nhận rằng, nó có tác động đối với sự tự chủ.
Khi vỏ não trước hoạt động kém, nó sẽ mất kiểm soát đối với các phân khu khác trong não. Bình thường, nó sẽ xoa dịu hệ cảnh giác trong não, giúp bạn xử lí căng thẳng và các cơn thèm. Nhưng chỉ cần một đêm thiếu ngủ cũng tạo ra sự rời rạc giữa hai phân khu này. Khi không được kiềm chế, hệ cảnh giác sẽ phản ứng thái quá trước những căng thẳng bình thường. Cơ thể bị mắc kẹt trong trạng thái sinh lí học chiến đấu - hoặc - bỏ chạy, kèm theo đó là lượng hoócmôn căng thẳng tăng cao và biến thiên nhịp tim giảm xuống. Hậu quả: thêm căng thẳng và bớt tự chủ.
Tin tốt lành là chúng ta có thể đảo ngược tình thế. Khi người mất ngủ có giấc ngủ tốt hơn, hình ảnh cắt lớp não không cho thấy dấu hiệu suy yếu vỏ não trước. Trên thực tế, trông nó rất giống não của những người nghỉ ngơi tốt. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn bắt đầu tiến hành thí nghiệm, can thiệp vào giấc ngủ như một phương pháp điều trị đối với những người lạm dụng thuốc. Theo một nghiên cứu, năm phút tĩnh tâm tập trung hít thở mỗi ngày giúp những người mới cai nghiện buồn ngủ. Việc này cộng thêm một giờ ngủ sâu mỗi đêm họ, và giúp giảm hẳn nguy cơ tái sử dụng thuốc. Vì vậy, để có ý chí tốt, bạn hãy ngủ thật ngon.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ: KHÒ KHÒ KHÒ
Nếu bạn thiếu ngủ, có rất nhiều cách giúp bạn nạp năng lượng. Ngay cả khi bạn không thể ngủ liên tục 8 tiếng mỗi đêm, nhưng những thay đổi nhỏ có thể tạo khác biệt lớn. Một số nghiên cứu cho thấy, một đêm ngủ ngon giấc phục hồi chức năng não ở mức độ tối ưu nhất. Vì vậy, nếu bạn phải đi ngủ muộn và dậy sớm trong một tuần, ngủ ngon giấc vào cuối tuần sẽ giúp tiếp
thêm ý chí cho bạn. Các nghiên cứu khác cho thấy, ngủ đủ trong tuần có thể tạo thành kho dự trữ chống lại nguy cơ mất ngủ trong tuần kế tiếp. Và một số nghiên cứu khác cho rằng, điều quan trọng chính là số giờ bạn thức liên tục. Chợp mắt nhanh có thể khôi phục khả năng tập trung và tự chủ, ngay cả khi đêm hôm trước bạn ngủ không nhiều. Bạn hãy thử một vài cách sau – ngủ đủ, hoặc chợp mắt – để xóa bỏ hoặc ngăn chặn ảnh
hưởng của việc thiếu ngủ.