Để trả lời câu hỏi này, có lẽ sẽ hữu ích khi chúng ta nhớ lại cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng năm 2009 tại Mĩ. Sau cuộc khủng hoảng tài
chính năm 2008, các ngân hàng đón nhận nguồn tiền dồi dào từ chính phủ. Các quỹ này nhằm giúp các ngân hàng chi trả nghĩa vụ tài chính, để có thể bắt đầu cho vay trở lại. Nhưng các ngân hàng này từ chối không cho các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân vay tiền. Họ không tự tin vào nguồn tiền cung ứng, vì vậy họ phải tích trữ nguồn tiền hiện có. Quả là những kẻ keo kiệt!
Hóa ra não bạn cũng có thể là một kẻ keo kiệt. Tại bất kỳ thời điểm nhất định nào, não có nguồn năng lượng rất nhỏ. Não có thể tích trữ chút năng lượng trong các tế bào, nhưng phần lớn nó phụ thuộc vào nguồn cung glucose ổn định lưu thông trong máu. Khi não phát hiện thấy sự giảm sút trong nguồn năng lượng sẵn có, nó sẽ trở nên lo lắng một chút. Nếu như não cạn kiệt năng lượng thì sao? Giống như các ngân hàng, có thể nó sẽ quyết định dừng chi tiêu và tiết kiệm nguồn năng lượng đang có. Nó sẽ duy trì sự tồn tại với nguồn năng lượng hạn hẹp, không thiện chí tiêu dùng nguồn cung cấp năng lượng đầy đủ. Khoản chi đầu tiên bị cắt là gì? Là sự tự chủ, một trong những nhiệm vụ tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong các hoạt động của não. Để giữ gìn năng lượng, có thể não sẽ trở nên miễn cưỡng khi dành cho bạn toàn bộ năng lượng trí tuệ như bạn cần để cưỡng lại cám dỗ, tập trung chú ý hoặc kiểm soát cảm xúc.
Hai nhà nghiên cứu X. T. Wang, nhà kinh tế học về hành vi, và Robert Dvorak, nhà tâm lí học, thuộc Đại học Nam Dakota, đề xuất mô hình tự chủ “ngân sách năng lượng”. Họ lập luận rằng, não coi năng lượng như một nguồn ngân sách. Nó sẽ tiêu tốn năng lượng khi nguồn ngân sách có nhiều và tiết kiệm năng lượng khi nguồn đó giảm xuống. Để thử nghiệm ý tưởng này, họ mời 65 người trưởng thành ở độ tuổi từ 19 đến 51 đến phòng thí nghiệm để thử nghiệm ý chí. Người tham gia sẽ được lựa chọn giữa hai phần thưởng, ví dụ ngày mai được 120 đô la hoặc một tháng sau được 450 đô la. Luôn luôn có một phần thưởng nhỏ hơn, nhưng người tham dự nhanh chóng lựa chọn phần thưởng đó. Các nhà tâm lí học coi đây là thử nghiệm cổ điển về sự tự chủ, vì nó đem đến sự thỏa mãn ngay tức thì so với những kết quả dài hạn. Khi nghiên cứu này kết thúc, người tham dự có cơ hội giành được một trong hai phần thưởng. Điều này đảm bảo họ có động cơ đưa ra quyết định dựa trên thứ mà họ muốn giành được.
Trước khi bắt đầu lựa chọn, các nhà nghiên cứu đo lượng đường huyết của người tham dự, nhằm xác định hiện trạng các “nguồn quỹ” sẵn có của sự tự chủ. Sau vòng quyết định đầu tiên, những người này được
mời nước sô-đa có đường (nhằm tăng đường huyết) hoặc nước sô-đa không có ca-lo. Sau đó, các nhà nghiên cứu đo lại lượng đường huyết và đề nghị người tham gia đưa ra một loạt các lựa chọn khác. Những người uống nước sô-đa có đường cho thấy sự gia tăng đường huyết nhanh chóng. Họ cũng thường trì hoãn sự thỏa mãn đối với phần thưởng lớn hơn. Trong khi đó, đường huyết của những người uống nước sô-đa không có ca-lo giảm xuống(1). Những người này thường chọn sự thỏa mãn ngay lập tức đối với phần thưởng nhanh hơn, nhỏ hơn. Quan trọng hơn cả, đường huyết không phải là yếu tố dự đoán lựa chọn của người tham gia – thay vào đó là định hướng thay đổi. Não hỏi, “Nguồn năng lượng có sẵn đang tăng hay giảm xuống?” Sau đó, nó sẽ đưa ra lựa chọn mang tính chiến lược về việc nên sử dụng hay tiết kiệm nguồn năng lượng đó.