ĐEM LẠI HIỆU QUẢ?
Trước khi gọi một cốc bia Guinness, một người đàn ông 40 tuổi lấy sổ tay ra. Cốc bia đầu tiên: 9:04 tối. Ý định của ông ta sao? Hai cốc bia, nhiều nhất rồi. Cách đó vài dặm, một phụ nữ trẻ bước vào ngôi nhà của hiệp hội. Mười phút sau, chị viết vào sổ tay: Một li vodka. Bữa tiệc mới chỉ bắt đầu thôi!
Hai người uống rượu này tham gia một nghiên cứu của các nhà tâm lí học và các nhà nghiên cứu về chứng nghiện tại Đại học bang New York và Đại học Pittsburgh. Một nhóm gồm 144 người ở độ tuổi từ 18 đến 50, được trao cho các máy tính cá nhân cầm tay để ghi lại những lần họ uống rượu. Mỗi sáng, vào lúc 8 giờ, họ sẽ đăng nhập để báo cáo xem họ cảm thấy thế nào sau buổi uống rượu tối hôm trước. Các nhà nghiên cứu muốn biết: Chuyện gì xảy ra khi những người uống rượu uống nhiều hơn dự định?
Không có gì ngạc nhiên khi những người uống quá nhiều vào tối hôm trước, cảm thấy tồi tệ hơn vào sáng hôm sau – họ đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi. Nhưng nỗi khổ đó của họ không chỉ do chất tàn dư của rượu. Rất nhiều người cảm thấy có lỗi và xấu hổ. Càng cảm thấy bản thân tồi tệ hơn vì đã uống nhiều vào buổi tối hôm trước, họ càng muốn
uống nhiều hơn vào buổi tối hôm đó, và tối hôm sau nữa. Cảm giác tội lỗi đẩy họ trở lại với chai rượu.
Chào mừng bạn đến với một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với ý chí trên toàn cầu: “tác động tệ hại”. Được đặt ra lần đầu tiên bởi các nhà nghiên cứu về chế độ ăn kiêng tên là Janet Polivy và C. Peter Herman, tác động tệ hại mô tả chu kì tự chiều theo ý muốn của bản thân, hối tiếc, và đam mê vô độ hơn. Các nhà nghiên cứu này nhận thấy rằng, rất nhiều người ăn kiêng cảm thấy vô cùng tồi tệ mỗi khi họ ăn quá quy định – một miếng pizza, một miếng bánh – đến mức họ cảm thấy như thể cả chế độ ăn kiêng của họ đã xôi hỏng bỏng không. Thay vì tối thiểu hóa tác động xấu bằng việc không ăn thêm miếng bánh nữa, họ lại nói, “Mình phá hỏng chế độ ăn kiêng rồi. Giờ ăn hết bánh cũng vậy thôi.”
Không chỉ việc ăn nhầm món mới tạo ra tác động tệ hại cho người ăn kiêng. Ăn nhiều hơn người khác cũng tạo ra cảm giác có lỗi, và có thể
khiến họ ăn nhiều hơn (hoặc sau đó ăn uống vô độ một mình). Theo một nghiên cứu không-hay-lắm, Polivy và Herman điều chỉnh cân để khiến những người ăn kiêng tin rằng, họ đã tăng 2kg. Họ cảm thấy thất vọng, có lỗi và chán nản với chính mình – nhưng thay vì tìm cách giảm cân, họ nhanh chóng tìm đến thức ăn để ổn định những cảm giác này.
Không chỉ những người ăn kiêng mới chịu ảnh hưởng của tác động tệ hại. Chu kì này có thể lặp lại với mọi thách thức ý chí. Tác động này đã được theo dõi ở những người cố bỏ thuốc, người nghiện rượu cố giữ tỉnh táo, người mua sắm cố gắng tuân thủ định mức chi tiêu... Dù thách thức ý chí là gì, mô hình hoạt động vẫn chỉ có một. Sự đầu hàng khiến bạn cảm thấy mình thật tồi tệ, và cảm giác đó thôi thúc bạn làm điều đó để cảm thấy tốt hơn. Và còn chiến lược nào nhanh nhất, rẻ nhất để giúp bạn cảm thấy tốt đẹp hơn đây? Thông thường, đó chính là chiến lược khiến bạn cảm thấy mình tồi tệ. Bạn tự nhủ, “Mình đã trót phá hỏng [chế độ ăn kiêng, định mức chi tiêu, sự tỉnh táo, quyết tâm] rồi, đúng là tệ hại. Thế thì mình được tự do hưởng thụ rồi.” Điều quan trọng nữa là, không phải là sự đầu hàng đầu tiên đảm bảo sự tái nghiện nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, chính là cảm giác có lỗi, xấu hổ, mất kiểm soát và mất hi vọng xuất hiện sau lần tái nghiện đầu tiên. Một khi đã vướng vào chu kì đó rồi, dường như không có cách nào để thoát ra, trừ việc tiếp tục thực hiện chu kì đó. Việc này dẫn đến thất bại ý chí lớn hơn nữa, và nỗi khổ sở sâu đậm hơn vì sau đó, bạn sẽ (lại) tiếp tục mắng nhiếc bản thân vì (lại) đầu hàng. Nhưng thứ mà bạn tìm đến để được lắng dịu không thể chấm dứt chu trình đó, bởi vì nó chỉ tạo ra nhiều cảm giác có lỗi hơn mà thôi.
DƯỚI KÍNH HIỂN VI: KHI BẠN LÙI MỘT BƯỚC
Tuần này, hãy chú ý đặc biệt đến cách bạn xử lí thất bại ý chí. Bạn có chỉ trích bản thân và tự nhủ rằng, sẽ không bao giờ thay đổi không? Bạn có cảm giác như thể bước lùi đó cho thấy sai lầm của bạn không – rằng, bạn lười biếng, ngu ngốc, tham lam, hoặc kém cỏi không? Bạn có cảm thấy thất vọng, có lỗi, xấu hổ, tức giận và mệt mỏi không? Bạn có coi bước lùi đó là sự biện minh để tự chiều theo ý mình thêm không?