Ngay khi tôi đề cập đến sự tự tha thứ trong khóa học, cuộc tranh luận bắt đầu sôi nổi. “Nếu tôi không nghiêm khắc với bản thân, tôi sẽ không bao giờ hoàn thành việc gì hết”, “Nếu tôi tha lỗi cho mình, tôi sẽ chỉ làm vậy nữa mà thôi”, “Vấn đề của tôi không phải là tôi đã quá nghiêm khắc mà là chưa đủ nghiêm khắc với bản thân!” Đối với nhiều người, tự tha thứ giống như lời biện hộ và sẽ chỉ dẫn đến sự tự buông thả nghiêm trọng hơn. Các học viên của tôi lập luận rằng, nếu họ dễ dãi với bản thân – tức là nếu họ không tập trung vào thất bại, chỉ trích bản thân khi
không đáp ứng các tiêu chuẩn cao chót vót của mình, hoặc đe dọa bản thân với các hậu quả kinh khủng nếu họ không cải thiện – họ sẽ trượt vào cái bẫy của sự lười biếng. Họ tin rằng họ cần một tiếng nói cứng rắn trong đầu có thể kiểm soát các cơn thèm, bản năng và sự yếu. Họ sợ rằng nếu đầu hàng kẻ độc tài và nhà phê bình nội tại này, họ sẽ không còn tự chủ nữa.
Ở mức độ nào đó, hầu hết chúng ta đều tin vào điều này – nói cho cùng, từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được học về cách kiểm soát bản thân thông qua những hình phạt và sự kìm nén của cha mẹ. Phương pháp này rất cần thiết trong thời thơ ấu, bởi vì, trẻ con chính là những động vật hoang dã. Hệ tự chủ trong não vẫn chưa phát triển đầy đủ trước khi chúng ta bước vào giai đoạn trưởng thành, và trẻ nhỏ cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài, trong khi vỏ não trước đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, rất nhiều người đối xử với bản thân như thể họ vẫn còn là con nít – và thẳng thắn mà nói, họ hành xử y như những bậc cha mẹ hay ngược đãi con cái, thay vì là những người chăm sóc biết ủng hộ con cái. Họ chỉ trích chính mình mỗi khi họ đầu hàng cám dỗ hoặc gặp thất bại:
“Mày lười quá! Mày làm sao vậy?” Mỗi thất bại được coi là một minh chứng cho thấy họ cần phải nghiêm khắc hơn với bản thân. “Không thể tin bất cứ việc gì mày làm như mày đã nói cả”.
Không chỉ có bạn nghĩ rằng, bí quyết để có ý chí nhiều hơn là
nghiêm khắc hơn với bản thân. Nhưng bạn sai rồi. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tự chỉ trích bản thân liên quan mật thiết đến sự thúc đẩy kém hơn và sự tự chủ tồi hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố dự báo lớn nhất về sự thất vọng, và nó làm cạn kiệt quyền năng “Tôi sẽ” và “Tôi muốn”. Ngược lại, sự tự cảm thông – ủng hộ và đối xử tốt với bản thân, nhất là khi căng thẳng và thất bại – liên quan mật thiết đến sự thúc đẩy lớn hơn và tự chủ tốt hơn. Ví dụ, chúng ta hãy cùng xem một nghiên cứu tại Đại học Carleton tại Ottawa, Canada, quan sát thái độ trì hoãn của các sinh viên trong toàn bộ khóa học. Hầu hết các sinh viên đều trì hoãn học tập trong kỳ thi đầu tiên, nhưng không phải tất cả các sinh viên này đều biến nó thành thói quen. Các sinh viên nghiêm khắc hơn với mình vì đã chần chừ học tập trong kì thi đầu tiên, có khả năng trì hoãn nhiều hơn trong các kì thi kế tiếp, so với các sinh viên tự tha thứ cho bản thân. Càng hà khắc với mình vì đã chần chừ lần đầu tiên, họ càng chần chừ lâu hơn trong kì thi sau đó! Chính sự tha thứ, không phải cảm giác có lỗi, mới giúp họ trở lại đúng con đường của mình.
Những phát hiện này xuất hiện trước bản năng của chúng ta. Làm sao có thể như thế được, khi rất nhiều người trong số chúng ta có trực giác rằng, tự chỉ trích mới là nền tảng của sự tự chủ, và tự cảm thông chỉ là bờ dốc trượt đến hành vi tự chiều theo ý thích của bản thân? Điều gì sẽ thúc đẩy các sinh viên này, nếu không phải là cảm giác tồi tệ vì đã chần chừ trong kì thi vừa qua? Và điều gì sẽ giúp chúng ta ở trong tầm kiểm soát, nếu không cảm thấy có lỗi vì đã đầu hàng?
Thật ngạc nhiên, không phải cảm giác có lỗi, mà chính sự tha thứ góp phần gia tăng tính tự chịu trách nhiệm. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, đưa ra quan điểm cảm thông về thất bại cá nhân khiến mọi người có khả năng chịu trách nhiệm cá nhân cao hơn so với khi họ có quan điểm tự chỉ trích bản thân. Họ cũng sẵn sàng đón nhận phản hồi và lời khuyên từ người khác hơn, và có khả năng rút ra bài học kinh
nghiệm.
Một lí do khiến sự tha thứ giúp mọi người sửa sai, là nó xóa đi cảm giác xấu hổ và nỗi đau khi nghĩ về sự việc đã xảy ra. Tác động tệ hại là nỗ lực thoát khỏi cảm giác tồi tệ sau khi ta có một bước lùi. Thiếu đi cảm
giác có lỗi và sự tự chỉ trích, chẳng còn gì để ta thoát ra. Điều này nghĩa là, ta dễ dàng suy nghĩ về phương cách xảy ra thất bại, và ít có cám dỗ lặp lại thất bại đó.
Mặt khác, nếu bạn coi bước lùi đó là bằng chứng cho thấy, bạn là một kẻ bại trận, không còn cơ may nào nữa, thì việc nghĩ đến thất bại là kinh nghiệm để đời để tự căm ghét bản thân. Mục tiêu cấp bách nhất của bạn sẽ là xoa dịu những cảm giác này, thay vì rút ra bài học kinh nghiệm. Đây là nguyên nhân khiến sự tự chỉ trích đem lại tác dụng ngược khi được coi là chiến lược để có sự tự chủ. Giống như các dạng thức căng thẳng khác, nó thôi thúc bạn tìm ngay đến biện pháp xoa dịu căng thẳng, bất kể biện pháp đó là nhấn chìm nỗi đau trong quán rượu gần nhất, hoặc nâng cao tinh thần bằng một chuyến mua sắm lu bù bằng thẻ Visa.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ: HÃY THA THỨ KHI BẠN THẤT BẠI
Ai cũng mắc sai lầm và phải có những bước lùi nhất định. Cách chúng ta xử lí những bước lùi này quan trọng hơn thực tế là chúng đã xảy ra. Bên dưới là bài tập luyện mà các chuyên gia tâm lí áp dụng, nhằm giúp mọi người tìm ra phản ứng tự cảm thông trước sự thất bại. Nghiên cứu cho thấy rằng, đưa ra quan điểm này làm giảm cảm giác có lỗi, gia tăng tính tự chịu trách nhiệm của bản thân – sự kết hợp hoàn hảo giúp bạn trở lại đúng hướng với thách thức ý chí của mình. Hãy nhớ đến thời điểm khi bạn đầu hàng cám dỗ hoặc chần chừ, và thí nghiệm bằng cách thực hiện ba quan điểm dưới đây về thất bại đó. Khi bạn có bước lùi, hãy nhớ đến những điều này nhằm giúp bạn tránh vòng
xoáy của cảm giác có lỗi, xấu hổ và lại tiếp tục đầu hàng.
1. Bạn cảm thấy thế nào? Khi bạn nghĩ về thất bại, hãy dành một lúc để nhận biết và mô tả cảm giác của mình. Bạn có những cảm xúc nào? Cơ thể bạn cảm thấy ra sao? Bạn có nhớ bạn cảm thấy thế nào ngay sau khi thất bại không? Bạn mô tả cảm giác đó như thế nào? Hãy nhận biết nếu sự tự chỉ trích bản thân xuất hiện, và nếu có, bạn nói sao với chính mình? Cách suy nghĩ này sẽ giúp bạn nhìn thấu cảm giác của bản thân mà không cần phải vội vã chạy trốn.
2. Bạn cũng chỉ là con người bình thường. Ai cũng phải đấu tranh vất vả với thách thức ý chí của bản thân họ và đôi lúc họ
cũng mất kiểm soát. Đây chỉ là một phần rất con người của
chúng ta, và bước lùi của bạn không có nghĩa là bạn có sai sót gì đó. Hãy cân nhắc sự đúng đắn của những lời này. Bạn có nghĩ rằng, những người mà bạn tôn trọng và quan tâm cũng từng phải đối mặt với những sự đấu tranh và bước lùi tương tự
không? Cách suy nghĩ này có thể làm dịu sự chỉ trích và tự hoài nghi trong bạn.
3. Bạn nói sao với một người bạn? Hãy nghĩ xem bạn sẽ an ủi ra sao với một người bạn thân đang trải qua bước lùi tương tự. Bạn sẽ nói những lời ủng hộ thế nào? Bạn sẽ khích lệ họ thế nào để họ tiếp tục theo đuổi mục tiêu? Cách suy nghĩ này sẽ đưa đường chỉ lối giúp họ trở lại đúng hướng đi của mình.