Đôi lúc chúng ta không bắt gặp các mục tiêu cụ thể – như ăn ăn nhanh, tiêu tiền... – mà là các mục tiêu chung chung hơn để đi theo sự thôi thúc của bản thân. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Groningen, Hà Lan, cho thấy điều này trong rất nhiều bối cảnh thực tế, và coi khách qua đường là đối tượng nghiên cứu. Họ sắp đặt “bằng chứng” cho thấy có người đang hành xử xấu – ví dụ họ buộc xe đạp vào hàng rào ngay cạnh tấm biển “Không để xe đạp” và để xe đẩy mua hàng trong bãi đỗ xe có biển “Vui lòng trả xe đẩy vào kho”. Các nghiên cứu này cho thấy rằng, việc phá vỡ quy định có tính chất lây lan. Những người vô tình nằm trong bối cảnh của các nhà nghiên cứu cư xử giống như hành động của người khác và phớt lờ biển báo. Họ cũng cột xe đạp và để xe đẩy trong bãi đỗ xe.
Nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn thế. Khi mọi người nhìn thấy một chiếc xe đạp được buộc vào hàng rào, họ cũng muốn được đi tắt một cách bất hợp pháp qua hàng rào. Khi họ nhìn thấy xe đẩy trong bãi đỗ xe, họ cũng muốn đổ rác xuống nền bãi. Mục tiêu lây lan trở nên lớn hơn là mục tiêu phá vỡ quy định cụ thể nào đó. Họ nắm bắt được mục tiêu để làm mọi việc họ muốn, thay vì làm việc mà họ định sẽ làm.
Khi chúng ta quan sát bằng chứng cho thấy những người khác phớt lờ các quy định và đi theo sự thôi thúc của bản thân, chúng ta thường
đầu hàng mọi sự thôi thúc của mình. Điều này nghĩa là mỗi khi chúng ta thấy người khác cư xử kém, sự tự chủ của chúng ta cũng mai một. Nghe nói đến việc có người lừa gạt về mức thuế của họ, có thể khiến bạn cảm thấy mình được tự do hơn trong việc gian lận chế độ ăn kiêng. Nhìn thấy lái xe khác vượt quá tốc độ có thể khiến bạn tiêu quá định mức chi tiêu. Theo cách này, chúng ta có thể nắm bắt điểm yếu ý chí từ người khác – ngay cả khi điểm yếu cá nhân của chúng ta rất khác biệt. Điều quan trọng hơn cả là, thậm chí chúng ta không cần nhìn thấy mọi người hành động. Giống như những mầm bệnh nán lại rất lâu trên tay nắm cửa sau khi một người bệnh bước qua, một hành động có thể được chuyển sang cho chúng ta, khi chúng ta chỉ đơn thuần nhìn thấy bằng chứng cho thấy những người khác đã làm việc đó.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ: NẮM BẮT SỰ TỰ CHỦ
Nghiên cứu cho thấy, việc nghĩ về một người có sự tự chủ tốt có thể làm tăng ý chí của bạn. Liệu có ai đó có thể đóng vai hình mẫu lí tưởng về ý chí để bạn vượt qua thách thức không? Ai đó đã đấu tranh với thách thức tương tự và họ đã thành công, hay ai đó là ví dụ điển hình cho sự tự chủ mà bạn muốn có? (Trong khóa học của tôi, hình mẫu ý chí tiêu biểu và phổ biến là những vận động viên giỏi giang, những nhà lãnh đạo tinh thần, và chính trị gia, mặc dù các thành viên trong gia đình và bạn bè có thể tạo nhiều động lực hơn, như bạn sẽ sớm nhận thấy). Khi bạn cần có thêm ý chí, hãy nhớ đến hình mẫu lí tưởng đó. Hãy tự hỏi: hình mẫu ý chí này sẽ làm gì?