Đảm bảo các nguồn lực cần thiết tạo điều kiện cho hoạt động sinh kế của các hộ nghèo

Một phần của tài liệu Luận án BOUNKHONG PHOUANGMANY (Trang 56 - 59)

sinh kế của các hộ nghèo

Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường…, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng

khu vực, mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ nhất định. Có nguồn lực cho sản xuất, nguồn lực cho sinh hoạt, tiêu dùng và cho các hoạt động chính trị, xã hội. Nguồn lực sinh kế của các hộ nghèo trước hết và chủ yếu là nguồn lực sản xuất kinh doanh.

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, sản xuất là cơ sở, điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội. Sản xuất là hành vi lịch sử đầu tiên, cơ bản nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và của xã hội loài người. Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, “Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể "làm ra lịch sử". Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thoả mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất. Hơn nữa, đó là một hành vi lịch sử, một điều kiện cơ bản của mọi lịch sử mà (hiện nay cũng như hàng nghìn năm về trước) người ta phải thực hiện hằng ngày, hằng giờ, chỉ nhằm để duy trì đời sống con người” [74, tr.40]. Sản xuất của cải vật chất là hoạt động có mục đích nhằm biến các đối tượng của giới tự nhiên thành thứ có ích cho nhu cầu tồn tại, phát triển của con người và xã hội. Để có một hoạt động sản xuất được diễn ra, con người và xã hội phải có các điều kiện hay yếu tố cần thiết. C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra: “Những yếu tố giản đơn của quá trình lao động là: sự hoạt động có mục đích, hay bản thân sự lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động” [76, tr.266-267]. Tức là phải có ba yếu tố được kết hợp với nhau gồm sự lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động mới cấu thành quá trình sản xuất. Còn “nếu xét về mặt sản phẩm trong toàn bộ quá trình thì đối tượng lao động và tư liệu lao động biểu hiện ra là liệu sản xuất, còn bản thân lao động thì biểu hiện ra là lao động sản xuất” [76, tr.271]. Ở đây, tư liệu sản xuất được hiểu là các điều kiện vật chất và kỹ thuật tuyệt đối cần thiết của quá trình sản xuất. Nó bao gồm các đối tượng lao động và tư liệu lao động. Đối tượng lao động là những vật mà lao động của con

người tác động vào để sản xuất ra của cải vật chất. Như vậy, dù ở bất cứ hình thái kinh tế xã hội nào, sản xuất bao giờ cũng là quá trình kết hợp sức lao động với tư liệu sản xuất. Nếu thiếu một trong các yếu tố này thì không thể có sản xuất [75, tr.858].

Trong lý thuyết kinh tế học hiện nay, để một chủ thể bất kể là cá nhân hay tổ chức muốn tiến hành sản xuất kinh doanh, nhất thiết phải có đủ các nguồn lực đầu vào hay các yếu tố sản xuất cơ bản, gồm lao động (L), tư bản hay vốn (K), tài nguyên (R) và công nghệ biến đổi (T). Hàm sản xuất được xác định là Q=f(L, K, R, T) [117]. Tức là sản lượng đầu ra (Q) phụ thuộc vào các biến số L, R, K và T. Ngoài ra, ngày nay một số học giả khác còn thêm vào các yếu tố hay nguồn lực sản xuất khác như thông tin, quản lý, tài nguyên giáo dục, tài chính, thể chế, kinh tế và quản lý kinh tế [98]. Do nguồn lực sản xuất là điều kiện tuyệt đối cần thiết để có được một hoạt động sản xuất của tất cả các hộ nói chung, nên nó cũng tuyệt đối cần thiết để đảm bảo SKBV của các hộ nghèo dù họ sống ở nông thôn hay thành thị.

Theo các tác giả thuộc Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID), khung phân tích SKBV đề cập đến các yếu tố bao gồm: (1) Các ưu tiên mà con người thể nhận biết được; (2) Các chiến lược mà họ lựa chọn để theo đuổi các ưu tiên đó; (3) Các thể chế, chính sách và tổ chức quyết định đến sự tiếp cận của họ đối với các loại tài sản hay cơ hội và các kết quả mà họ thu được; (4) Các tiếp cận của họ đối với năm loại vốn và khả năng sử dụng hiệu quả các loại vốn mình có; (5) Bối cảnh sống của con người, bao gồm các xu hướng kinh tế, công nghệ, dân số, các cú sốc và mùa vụ [104]. Xét về các nguồn lực sản xuất để đảm bảo SKBV của các hộ nghèo, cần có năm loại tài sản vốn, hay hình thức vốn, để bảo đảm an ninh sinh kế hay giảm nghèo, bao gồm: (a) Vốn vật chất là cơ sở hạ tầng và các loại hàng hóa mà người sản xuất cần để hậu thuẫn sinh kế; (b) Vốn tài chính ngụ ý về các nguồn lực tài chính mà con người sử dụng để đạt được các mục tiêu sinh kế của mình; (c) Vốn xã hội là các nguồn

lực xã hội mà con người sử dụng để theo đuổi các mục tiêu sinh kế của mình, bao gồm: quan hệ, mạng lưới, thành viên nhóm, niềm tin, sự phụ thuộc lẫn nhau và trao đổi cung cấp các mạng an ninh phi chính thống quan trọng; (d) Vốn con người đại diện cho các kỹ năng, tri thức, khả năng làm việc và sức khỏe tốt, tất cả cộng lại tạo thành những điều kiện giúp con người theo đuổi các chiến lược sinh kế khác nhau và đạt được các mục tiêu sinh kế. Ở cấp độ hộ gia đình, vốn con người là số lượng và chất lượng lao động của hộ và loại vốn này tùy thuộc vào quy mô của hộ, trình độ giáo dục và kỹ năng nghề nghiệp, khả năng quản lý, tình trạng sức khỏe, tri thức về các cấu trúc sở hữu chính thống và phi chính thống (như các quyền, luật pháp, chuẩn mực, cấu trúc chính quyền, các thủ tục...); (e) Vốn tự nhiên là tất cả những nguyên vật liệu tự nhiên để tạo dựng sinh kế. Có rất nhiều nguồn lực tạo thành vốn tự nhiên bao gồm cả các nguồn lực đất đai, nước, rừng, đa dạng sinh học, và những nguồn tài nguyên không thể tái tạo được như khoáng sản [86].

Một phần của tài liệu Luận án BOUNKHONG PHOUANGMANY (Trang 56 - 59)