Nội dung giáo dục kỹ năng ra quyết định cho sinh viên

Một phần của tài liệu Giáo dục kỹ năng ra quyết định cho sinh viên đại học (Trang 35 - 38)

Nhóm KN Đương đầu

1.3.3. Nội dung giáo dục kỹ năng ra quyết định cho sinh viên

Nội dung giáo dục kỹ năng RQĐ cho SV trước hết cần phải là nội dung của kỹ năng này, hay thực chất là các bước cấu thành kỹ năng RQĐ, sau đó căn cứ vào đặc thù và nhu cầu về những vấn đề cần quyết định trong học tập và cuộc sống của SV, tác giả xác định nội dung giáo dục kỹ năng RQĐ như sau:

1.3.3.1. Trang bị quy trình thực hiện kỹ năng ra quyết định

Khi tiếp cận kỹ năng RQĐ từ góc độ quản lý có tác giả cho rằng gồm có 7 bước, trong đó hàm chứa cả bước thực hiện quyết định và đánh giá. Điều này xuất phát từ quan niệm quyết định trong quản lý phải được tổ chức thực hiện và đánh giá rút kinh nghiệm. Nhưng khi tiếp cận kỹ năng RQĐ với tư cách là một KNS thành phần thì các tác giả đều quan niệm kỹ năng RQĐ chỉ bao gồm 5 bước, còn thực hiện quyết định và đánh giá thuộc về kỹ năng giải quyết vấn đề. Chúng tôi cũng đồng tình với quan niệm này.

Năm bước ra quyết định như sau:

- Bước 1: Xác định vấn đề: Đây là bước khởi đầu của toàn bộ quá trình ra quyết định. Xác định vấn đề đúng cá nhân sẽ có cơ sở để RQĐ đúng đắn. Do đó bước này rất quan trọng, đặc biệt trong những tình huống mà trong đó chứa đựng những rủi ro nằm đằng sau vẻ bề ngoài thuận lợi, hứa hẹn những điều tốt đẹp. Cho nên, cùng với sự nhạy cảm, con người cần có kinh nghiệm, tỉnh táo, sử dụng tư duy phê phán cùng các năng lực tư duy khác hỗ trợ để nhận dạng trúng được vấn đề nằm trong tình huống đó.

- Bước 2: Thu thập thông tin cần thiết về vấn đề: Đây là yếu tố gắn cá nhân với môi trường bên ngoài. Có thông tin đầy đủ, chính xác sẽ giúp cho cá nhân có thể ra những quyết định đúng. Cá nhân thu thập và xử lý các thông tin liên quan đến vấn đề RQĐ. Các thông tin này cần đảm bảo sự chính xác, kịp thời và đầy đủ. Sau đó, con người phải sử dụng tư duy để xử lý, phân tích vấn đề, ở bước này tư duy phê

phán có vai trò quan trọng.

- Bước 3: Liệt kê (đề ra) các phương án có thể xảy ra: Mỗi vấn đề hay tình huống đều có nhiều phương án giải quyết khác nhau. Để có thể lựa chọn được phương án tối ưu, trước hết con người cần sáng tạo nhìn thấy được và liệt kê ra nhiều phương án đa dạng để giải quyết tình huống/vấn đề đặt ra. Tư duy sáng tạo và kinh nghiệm giữ vai trò quan trọng trong bước này.

Bước 4: Phân tích từng phương án: Ở bước này, con người phải phân tích được đầy đủ những ưu điểm, hạn chế của các phương án và điều kiện thực hiện từng phương án đó. Tư duy phê phán và định hướng giá trị có tham gia tích cực vào bước này thì mới có thể nhìn nhận toàn diện những mặt được và không được, lường trước những hậu quả của từng phương án. Kết quả của bước này là một ma trận những mặt được và không được của các phương án đã tìm ra ở bước 3.

Bước 5: Lựa chọn ra phương án tối ưu: Trên cơ sở nhìn rõ được điểm mạnh, điểm yếu của từng phương án trong các phương án đã phân tích, con người phải lựa chọn phương án tối ưu nhất. Việc lựa chọn phương án tối ưu không phải chỉ là phương án nào nhiều ưu điểm nhất, phù hợp với năng lực và sở trường của cá nhân, với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể (nên có tính khả thi), mà quan trọng hơn là phương án đó phù hợp với hệ giá trị mà cá nhân theo đuổi. Đây là bước mà vai trò của giá trị đối với việc lựa chọn quyết định thể hiện rõ nhất. Ảnh hưởng của giá trị đối với quyết định cá nhân tạo nên sự phù hợp của quyết định đối với cá nhân đó, điều mà người ngoài có thể không hiểu được – vì có thể quyết định được lựa chọn không phải theo logic hay định hướng bởi “cái lợi” theo tư duy lý trí thông thường, nhưng lại hoàn toàn hiểu được nếu tư duy hay nhìn nhận theo phương diện vì điều đó là “quan trọng”, là “có ý nghĩa “ đối với người RQĐ. Tất nhiên, điều quan trọng và có ý nghĩa đối với cá nhân cũng đồng thời là có ý nghĩa, phù hợp đối với xã hội thì đó mới là quyết định không chỉ phù hợp, hiệu quả, mà còn mang tính xây dựng và tích cực – một đặc điểm của KNS. Đó cũng thể hiện trách nhiệm của người RQĐ không chỉ đối với bản thân mà cả đối với những người xung quanh, với cộng đồng và xã hội. Nói cách khác, mỗi cá nhân biết chịu trách nhiệm về quyết định của mình không chỉ thể hiện tính độc lập của họ khi RQĐ, mà còn thể hiện giá trị về trách nhiệm đã tham gia

chi phối việc lựa chọn phương án mà họ có thể thực hiện và không để lại hậu quả cho bản thân và làm ảnh hưởng đến người khác.

Mục tiêu cũng gắn liền với giá trị khi chi phối cách lựa chọn RQĐ của cá nhân. Mục tiêu và giá trị khi được cá nhân nhận ra ý nghĩa của chúng thì chúng không chỉ chi phối hành vi, hành động mà còn trở thành động cơ của hoạt động, thúc đẩy người đó phải làm cái này, không làm cái kia (chính là lựa chọn quyết định) để đạt được mục tiêu- đạt tới giá trị đối với bản thân.

Như vậy, trong bước này không thể thiếu các KNS khác như tự xác định mục tiêu, tự xác định giá trị, và đảm nhận trách nhiệm, lắng nghe tích cực...

1.3.3.2. Giáo dục kỹ năng ra quyết định gắn với các vấn đề của sinh viên

Sau khi trang bị cho SV quy trình các bước RQĐ, cần tiếp tục yêu cầu các em vận dụng kỹ năng RQĐ trong giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống và học tập của SV, thể hiện nét đặc trưng ở nhóm xã hội này như: xác định mục tiêu cho cuộc đời, trong lựa chọn lộ trình học tập, quản lý thời gian, quan hệ giới tính và phòng chống các tệ nạn xã hộicho SV, bởi vì:

- Lứa tuổi sinh viên là lứa tuổi có nhiều hoài bão, ước mơ, nên việc xác định trúng mục tiêu cho cuộc đời đối với SV là điều hệ trọng. Do đó cần tổ chức cho các em vận dụng kỹ năng RQĐ trong việc xác định mục tiêu cho bản thân.

- Vận dụng kỹ năng ra quyết định vào giải quyết những vấn đề trong học tập

Hiện nay, nhiều trường ĐH trong cả nước đang chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, cùng với sự phát triển của xã hội, kéo theo yêu cầu đối với người học ngày càng cao. SV luôn phải đối mặt với những thách thức và căng thẳng trong học tập. SV cần biết tự học, tự nghiên cứu, tự RQĐ trong học tập như: Tự chọn ngành học, môn học, lựa chọn và sắp xếp thời gian học tập sao cho phù hợp… Vì thế, SV cần có năng lực RQĐ để có kết quả học tập cao.

- Vận dụng kỹ năng ra quyết định vào quản lý thời gian

Sau khi đã xác định được mục tiêu, lộ trình học tập theo tín chỉ, SV còn cần phải biết quản lý thời gian để thực hiện được lộ trình học tập và mục tiêu đặt ra. Việc lựa chọn ưu tiên dành thời gian cho những công việc gì, hoạt động nào, sao cho đảm bảo thời gian để học tập và tham gia các hoạt động lành mạnh… cũng rất cần SV biết vận

dụng kỹ năng RQĐ để có thể thành công với những dự định của mình.

- Vận dụng Kỹ năng ra quyết định trong những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày

Trong cuộc sống hàng ngày SV phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: Các tệ nạn xã hội rình rập, lôi kéo; quan hệ giao tiếp với mọi người xung quanh nói chung và quan hệ tình cảm giới tính nói riêng như thế nào cho phù hợp …đây là những vấn đề cần giáo dục, rèn luyện để SV có kỹ năng RQĐ phù hợp, vận dụng linh hoạt kỹ năng RQĐ vào giải quyết các vấn đề thuộc các phương diện khác nhau trong cuộc sống của mình.

Một phần của tài liệu Giáo dục kỹ năng ra quyết định cho sinh viên đại học (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w