- Số ngày khách và thời gian lưu trú bình quân của khách:
1.4.1. Tình hình kinh doanh du lịch trên thế giớ
Năm 2005, mặc dù chịu tác động của nhiều sự kiện bi thảm với những cuộc tấn công khủng bố, thảm họa thiên nhiên như thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương, những cơn bão lớn kéo dài bất thường, du lịch thế giới vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tăng 5,5% so với năm 2004. Khách du lịch quốc tế trên thế giới lần đầu tiên đạt 808 triệu lượt, tăng 42 triệu so với 766 triệu lượt năm 2004.
Tổ chức du lịch thế giới (WTO) có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 24/1/2006 cho biết do kinh tế toàn cầu phục hồi, lượng khách đi du lịch trên thế giới năm nay (năm 2006) sẽ tăng 4-5%, sau khi đã đạt con số kỷ lục 808 triệu người vào năm 2005, bất chấp sự đe dọa khủng bố, dịch cúm gia cầm và thiên tai diễn ra tại nhiều nước.
Theo WTO, số lượng người đi du lịch năm qua tăng 5,5%, song nhịp độ tăng đã chậm lại so với mức tăng 10% năm 2004. Tuy nhiên tốc độ tăng trung bình về lâu dài vẫn khoảng 4,1% do kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn, kinh tế châu Âu được cải thiện, đặc biệt ở Đức, nước có nhiều người đi du lịch nước ngoài. WTO dự báo số lượng khách du lịch toàn cầu sẽ tăng 1,6 tỷ người vào năm 2020. Tổng Giám đốc WTO Francesco Frangialli nói “ngành du lịch thế giới đã phục hồi cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới kể từ sau cuộc tấn công khủng bố tại nước Mỹ năm 2001”.
Năm 2005, châu Phi dẫn đầu thế giới với tốc độ tăng trưởng đạt 10%. Vùng tiểu Saharan có tốc độ tăng trưởng cao đạt 13%, trong đó Kenya khoảng 26%, Mozambique 37%, Nam Phi 11%, đảo Seychelles 7%, Mauritius 6%. Tại Bắc Phi, tốc độ tăng trưởng vừa phải hơn, với Tunisia khoảng 8%, Marocco 5%.
Tại Châu Á Thái Bình Dương, tốc độ tăng trưởng du lịch đạt 7%. Các nước Đông Bắc Á tăng trưởng 10%, trong đó Trung Quốc khoảng 12%, Nhật Bản 9%. Đông Nam Á tăng 4%, Châu Đại Dương 4%, Nam Á 4%. Cụ thể, Campuchia khoảng 35%, Lào 27%, Việt Nam 18%, Philippines 14%, Ấn Độ 13%. Tuy nhiên, phát triển du lịch tại một số nước giảm như quần đảo Maldives giảm 39% do ảnh
hưởng của thảm họa sóng thần tháng 12/2004, Indonesia giảm 9% do vụ ném bom tại Bali tháng 10, Sri Lanka giảm 0,4%.
Tiếp theo, khu vực Trung Đông có tốc độ tăng trưởng vừa phải, khoảng 7%. Trong đó, Ai Cập 6%, Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) 7%, Jordan 5% xấp xỉ mức tăng trưởng chung của khu vực. Trong khi, tại một số nước, tốc độ tăng trưởng cao hơn như Bahrain 11%, Ả Rập thống nhất 21%, Palestine 45%. Tuy nhiên, số liệu thống kê của vùng này chưa đầy đủ và bức tranh phát triển du lịch sẽ có sự thay đổi.
Tại Châu Mỹ, tốc độ tăng trưởng đạt 6%, trong đó Bắc Mỹ 4%, các nước Caribbe 5% thấp hơn so với tốc độ trung bình của khu vực. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều trận bão, du lịch các nước Mỹ, Mexico, Cuba vẫn tăng trưởng trên mức trung bình khu vực, lần lượt đạt 8%, 8% và 13%. Trung Mỹ tăng 14% và Nam Mỹ 13%. Tốc độ tăng trưởng cao nhất là các nước Venezuela 23%, Colombia 22%. Các nước còn lại như Argentina, Brazil, Chile, Paraguay, Peru, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua có tốc độ từ 10-20%.
Cuối cùng, Châu Âu là khu vực tăng trưởng thấp nhất với tốc độ 4%, cao hơn 1% so với xu hướng tăng trưởng dài hạn của khu vực. Trong bối cảnh nền kinh tế tại một số quốc gia lớn của Châu Âu tăng trưởng chậm thì kết quả này là rất hứa hẹn. Về số lượng khách, do Châu Âu chiếm tới 400 triệu lượt khách nên lượng khách tăng thêm lại cao nhất, đạt 18 triệu lượt. Trong đó, tốc độ tăng trưởng cao nhất là Bắc Âu 7%. Đặc biệt là nước Anh hầu như không bị ảnh hưởng bởi vụ đánh bom khủng bố Luân Đôn đạt khoảng 10%. Khách quốc tế tại Nam Âu và Địa Trung Hải tăng 6%. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ tăng 20% khiến lượng khách quốc tế đến nước này tăng thêm 3,4 triệu lượt đạt tổng trên 20 triệu lượt. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha tăng 6%, Croatia 7%, Serbia và Montenegro 27%. Tây Âu, Trung và Đông Âu tăng lần lượt 2% và 4%. Tại Trung và Đông âu, các nước Baltic như Latvia tăng 20%, Lithuania 15%, Estonia 7% trong khi tại Tây âu thì Đức và Thụy Sĩ đều tăng 6%. Trong đó Pháp vẫn là nước đứng đầu thế giới về thu hút
khách du lịch, với 75 triệu lượt khách nước ngoài đến du lịch, tăng 0,5% so với năm trước. Các công trình văn hoá, lịch sử nổi tiếng, phong cảnh thiên nhiên đẹp đã hấp dẫn du khách. Người Anh đi du lịch tại Pháp nhiều nhất (14,6 triệu lượt người), tiếp đó là Đức (13,2 triệu lượt người) và Hà Lan (11,5 triệu lượt người). Du khách đến từ Mỹ, Nhật Bản tới 4 triệu lượt người, tăng 6,5% so với năm 2004, mức tăng cao trong năm qua. Hoạt động của ngành du lịch Pháp đã mang lại doanh thu 34 tỷ Euro năm 2005, tăng 3,5% so với năm trước đó.
Triển vọng năm 2006: Năm 2006, dự báo du lịch thế giới tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức chậm hơn, đạt từ 4 – 5%. Tốc độ này thấp hơn 1% so với năm 2005 nhưng cao hơn tốc độ trung bình là 4,1%. Du lịch thế giới sẽ có nhiều thuận lợi như nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng, triển vọng sáng sủa của nền kinh tế các nước Châu Âu, đặc biệt tại thị trường nguồn quan trọng nhất là Đức.
Tuy nhiên, sẽ có ba bất ổn lớn trong năm 2006. Theo đánh giá của các chuyên gia, những bất ổn này sẽ tác động đến phát triển du lịch nhưng không lớn.
Thứ nhất, các hoạt động khủng bố, tuy có ảnh hưởng nhưng chỉ trong phạm vi hẹp và thời gian ngắn. Thứ hai, giá nhiên liệu, lạm phát và tỷ lệ lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, đây chưa phải vấn đề lớn vì giá nhiên liệu tăng thể hiện việc kinh tế tăng trưởng mạnh kéo theo nhu cầu về năng lượng tăng. Mà khi kinh tế tăng trưởng mạnh sẽ tác động trở lại du lịch. Cuối cùng, dịch cúm gia cầm có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với phát triển du lịch. Tuy cúm gia cầm đã xuất hiện trên thế giới mấy năm qua nhưng chỉ mới ảnh hưởng đến gia cầm và những người trực tiếp liên hệ với gia cầm nhiễm bệnh, chưa có sự lây nhiễm virút từ người sang người. Do vậy, hiện nay vấn đề này chưa tác động đến việc thay đổi kế hoạch nghỉ của khách du lịch, trừ việc họ phải lưu ý những khuyến cáo của các cơ quan y tế quốc gia.
WTO cho rằng ngành du lịch châu Á hoạt động khởi sắc hơn trong năm qua, thu hút khoảng 156,2 triệu lượt người, trong đó Đông Bắc Á đón 87,5 triệu
lượt người, tăng 10% so với năm trước; Đông Nam Á đón 50,2 triệu lượt người; Nam Á đón 7,9 triệu lượt người; châu Đại Dương đón 10,6 triệu lượt người. Riêng tại Châu Á Thái Bình Dương, do sự phát triển kinh tế tại những thị trường gửi khách như Nhật Bản, đồng Euro mạnh so với đồng Đô la đã khuyến khích người dân Châu Âu và Mỹ đi du lịch Châu Á, sự đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh và sự phát triển của hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ đã giúp các nước Đông Á và Đông Nam Á tăng trưởng du lịch mạnh đạt xấp xỉ 30%. Trên đà phát triển 2005, bước sang năm 2006 du lịch Châu Á Thái Bình Dương có nhiều điều kiện phát triển mạnh. Đó là việc nền kinh tế các nước trong khu vực tiếp tục tăng trưởng, với Trung Quốc dự đoán tăng 9%, Ấn Độ 7%. Bên cạnh đó, việc đơn giản hoá thủ tục xuất nhập cảnh, sự phát triển của hàng không đặc biệt hàng không giá rẻ và mở các đường bay mới, như việc khánh thành sân bay Nagoya tại Nhật Bản vào tháng 2/2005, ký kết hiệp định hàng không giữa Ấn Độ và Mỹ... góp phần thúc đẩy việc đi lại trong khu vực. Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác giữa các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như giữa Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc và Đài Loan... cũng góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Do vậy, năm 2006, du lịch Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục được đánh giá có triển vọng tốt đẹp khi được xếp đạt điểm 3,9.
Theo kết quả nghiên cứu tiến hành bởi Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), phối hợp với Oxford Economic Forecasting (OEF), Việt Nam được xếp hạng là một trong mười nước phát triển du lịch và lữ hành tốt nhất trong giai đoạn từ nay đến 2016. Tuy sẽ chịu nhiều bất ổn chung như các nước trong khu vực, nhưng với việc tổ chức nhiều sự kiện du lịch lớn trong năm 2006 như: Năm Du lịch Quảng Nam, Hội nghị APEC, Festival Huế 2006 tin rằng Du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ góp phần vào việc phát triển du lịch của khu vực và thế giới.