- Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ rừng và tài nguyên rừng.
12. Một số kiến nghị khác
- Sửa đổi, bổ sung các quy định trong Quyết định số 03/2004/QĐ- BTNMT ngày 2/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Quy định về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất cho phù hợp với các quy định tại Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, cần bổ sung điều kiện “có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đạt tiêu chuẩn môi trường” đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đã nêu tại Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường vào quy định tại Điều 7 của Quy định nêu tại Quyết định số 03/2004/QĐ-BTNMT.
- Xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 17/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”, đảm bảo đúng tinh thần, yêu cầu được quy định tại Điều 107 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 “Công dân Việt Nam được giáo dục toàn diện về môi trường nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường. Giáo dục về môi trường là một nội dung của chương trình chính khoá của các cấp học phổ thông. Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường”.
- Tuyên bố hết hiệu lực đối với Chỉ thị 406/CT ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo vì những nội dung còn phù hợp của Chỉ thị này đều đã được tích hợp vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (Điều 85 Khoản 4: Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quy định của Thủ tướng Chính phủ), còn các quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong Chỉ thị này thì quá thấp, không còn phù hợp với thực tế và đã được quy định tại Điều 19 Nghị định 121/2004/NĐ-CP.
*
* *
KẾT LUẬN
Qua việc rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay, chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau:
1. Hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường rất được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhất là kể từ khi nước ta bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Chỉ hơn 1 thập niên, kể từ khi ban hành Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên năm 1993, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống quy phạm tương đối đồ sộ, toàn diện về bảo vệ môi trường, tập trung vào các nội dung căn bản nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường, các công cụ quản lý hoạt động bảo vệ môi trường, các biện pháp chế tài đối với chủ thể có hành vi vi phạm, hệ thống các cơ quan bảo vệ môi trường từ cấp trung ương xuống địa phương. Việt Nam cũng xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với tầm hiệu lực pháp lý đủ mạnh, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay.
3. Do bảo vệ môi trường và xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường là hoạt động phức tạp và về nhiều mặt còn mới mẻ đối với Việt Nam, hệ thống quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn nhiều điểm bất cập, tồn tại. Những tồn tại, bất cập ấy thể hiện ở tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo và sự thiếu toàn diện trong không ít chế định của pháp luật bảo vệ môi trường. Những tồn tại, bất cập ấy còn thể hiện cả ở hiệu lực thi hành trong thực tế của pháp luật bảo vệ môi trường còn thấp.
4. Để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa tinh thần, quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 với các quy định pháp luật về môi trường đã ban hành trước đây, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới cần được ban hành .
Đây là nhiệm vụ vừa có tính chất cấp bách, vừa có tính lâu dài, cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng của không chỉ ngành Tài nguyên và Môi trường mà cả các bộ, ngành hữu quan và của toàn xã hội.