- Nghiên cứu xây dựng văn bản sử dụng các loại công cụ khác như đặt cọc hoàn trả, thưởng phạt, phí gây ô nhiễm phục vụ cho mục đích bảo vệ mô
b. Về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực môi trường
Cần có qui định cụ thể để phân biệt rõ hơn hai loại trách nhiệm pháp lí đối với các hành vi gây hại môi trường - trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Trước hết, cần thống nhất quan điểm chung là, bồi thường thiệt hại và khôi phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm là hai loại trách nhiệm pháp lí có bản chất hoàn toàn khác nhau (mặc dù chúng có liên quan chặt chẽ với nhau và người có hành vi làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại phải đồng thời gánh chịu hai loại trách nhiệm này). Cụ thể:
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trách nhiệm dân sự - trách nhiệm của người gây thiệt hại đối với người bị thiệt hại. Trách nhiệm này được áp dụng khi có đủ các dấu hiệu cấu thành sau đây: (i) xuất hiện hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; (ii) có thiệt hại thực tế xảy ra; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả và (iv) người có hành vi vi phạm có năng lực hành vi dân sự và có lỗi.
- Trách nhiệm khôi phục môi trường được áp dụng khi chất lượng môi trường sống bị suy giảm do hành vi làm ô nhiễm môi trường hoặc gây sự cố gây nên. Trong trường hợp này, yếu tố thiệt hại không có ý nghĩa quyết định. Hiểu cách khác, người có hành vi làm ô nhiễm môi trường, gây sự cố môi trường phải có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng môi trường ngay cả khi các hành vi này chưa gây thiệt hại trên thực tế. Chúng ta đều biết rằng số lượng, chất lượng các thành phần môi trường có ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của cả cộng đồng xã hội. Trách nhiệm bảo đảm chất lượng môi trường sống sao cho phù hợp với đời sống của con người là trách nhiệm của Nhà nước. Khi có hành vi làm ảnh hưởng tới chất lượng môi trường sống, Nhà nước có quyền và nghĩa vụ phải
áp dụng các biện pháp buộc tổ chức, cá nhân có liên quan phải khôi phục lại tình trạng môi trường đến trạng thái có thể chấp nhận được để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ cộng đồng và sinh thái. Tuy nhiên, xuất phát từ sự khác nhau về mục đích và hình thức khai thác, sử dụng các thành phần môi trường nên cần phải có sự phân biệt cách thức áp dụng loại trách nhiệm này.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có các qui định về việc xác định mức độ thiệt hại do ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường. Cụ thể, cần phân loại thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây nên làm 2 nhóm như sau: (i) Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của các tổ chức và cá nhân (gọi tắt là thiệt hại về kinh tế và sức khoẻ của người dân). Đối tượng bị thiệt hại là các tổ chức và cá nhân cụ thể, được xác định. Cách xác định thiệt hại này được áp dụng theo các qui định chung tại Điều 612, 613, 614 Bộ luật Dân sự. (ii) Thiệt hại về tài nguyên và môi trường sinh thái (gọi tắt là thiệt hại về môi trường). Đối tượng bị thiệt hại là Nhà nước và cộng đồng dân cư. Cách xác định thiệt hại về môi trường cần được tính theo các khoản: Chi phí hợp lí cho việc phục hồi lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị huỷ hoại; những tổn thất do không sử dụng được các thành phần môi trường bị ô nhiễm, bị hư hại; những tổn thất dưới dạng các thu nhập không nhận được (lợi nhuận bị mất đi); chi phí hành chính và chi phí kĩ thuật cho việc khảo sát, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường trước và sau khi phục hồi...
Trong quá trình xem xét và giải quyết các tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại gây nên bởi ô nhiễm, hai loại thiệt hại này nhất thiết phải được tính độc lập, riêng rẽ với nhau để thuận tiện cho việc xác định trách nhiệm bồi thường đối với từng đối tượng cụ thể.
3.3. Hoàn thiện các quy định xử lý về mặt hình sự
- Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ mới tập trung quy định một số tội phạm điển hình trong lĩnh vực môi trường. So với yêu cầu đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 thì các quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 chưa bao quát hết các hành vi cần xử lý về mặt hình sự. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 rất nhấn mạnh tới yêu cầu về công khai hóa thông tin bảo vệ môi trường, đảm bảo quá trình dân chủ hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy là quy định rất tiến bộ, có lợi cho sự nghiệp bảo vệ môi
trường nhưng quy định này chắc chắn sẽ gặp phải phản ứng từ phía các chủ dự án. Để đảm bảo sự tuân thủ nghĩa vụ công khai hóa thông tin, việc chỉ xử lý về mặt hành chính là chưa đủ mà cần nghiên cứu để có phương án xử lý về mặt hình sự trong những trường hợp cố ý không cung cấp thông tin, hoặc cố ý cung cấp thông tin giả mạo, cản trở người dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường…
- Cần có giải thích cụ thể về mức độ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng của hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây nên sẽ tránh được sự tuỳ tiện không được phép có trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự. Đây sẽ là nội dung quan trọng của các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009. Giá trị khoa học và thực tiễn của Bộ luật Hình sự nói chung, của Chương XVII nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào việc định lượng một cách chính xác và hợp lý các khung hình phạt.
- Làm rõ hơn đối tượng tác động của các tội phạm về môi trường. Phù hợp với quy định của Luật bảo vệ môi trường 2005 về 2 dạng thiệt hai do ô nhiễm, suy thoái môi trường, đối tượng chịu sự tác động của hành vi phạm tội môi trường không chỉ là môi trường và các thành tố của môi trường mà còn là tính mạng, sức khoẻ , tài sản, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
- Nghiên cứu việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, pháp nhân. Cho tới nay, pháp luật hình sự của Việt Nam mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân. Tuy nhiên các hành vi gây thiệt hại môi trường lại chủ yếu do các doanh nghiệp gây ra. Do đó, việc quy trách nhiệm cụ thể và áp dụng hình phạt rất khó thực hiện.
- Định lượng lại khung hình phạt và mức phạt theo mức độ thiệt hại do ô nhiễm thực tế đã xảy ra, đảm bảo tính “liên thông”, nâng cao của mức phạt hình sự so với mức phạt hành chính vì trong phần lớn trường hợp, người có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính nhưng không chấp hành các nghĩa vụ khắc phục thiệt hại theo quyết định xử phạt hành chính.
- Tiếp tục đổi mới cách thức quy định tội phạm về môi trường trong các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao tính thống nhất, minh bạch của các quy
định này. Trước mắt, từ góc độ thống nhất quan niệm về bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường 2005 và Bộ luật hình sự 1999, cần nghiên cứu việc tập hợp toàn bộ các quy định về tội phạm liên quan đến việc khai thác, sử dụng không hợp lý, lãng phí tài nguyên thiên nhiên (với tính chất là thành phần môi trường) vào Chương các tội phạm về môi trường của Bộ luật Hình sự. Hiện nay vẫn còn nột số tội phạm về thực chất là tội phạm môi trường nhưng lại được quy định ở các chương khác, ví dụ Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng...được để ở Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Tuy nhiên, về lâu dài, nên nghiên cứu việc quy định xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường- từ xử phạt hành chính đến các tội phạm về môi trường ngay trong các luật chuyên ngành (chẳng hạn xử phạt hành chính các vi phạm pháp luật về rừng và các tội phạm liên quan đến khai thác, sử dụng rừng sẽ được quy định trong Luật bảo vệ và phát triển rừng). Cách thức này sẽ góp phần đảm bảo tính hệ thống, toàn diện, thống nhất trong việc điều chỉnh mọi vấn đề liên quan đến bảo vệ một thành phần môi trường ngay trong một văn bản luật chuyên ngành (từ khai thác, sử dụng, xác định hệ tiêu chuẩn môi trường, khắc phục sự cố môi trường, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp môi trường...). Hướng tiếp cận này tạo sự tiện lợi trong tìm kiếm, tra cứu, áp dụng pháp luật cũng như trong việc cập nhật, sửa đôi nhanh chóng, kịp thời.