Xây dựng và áp dụng quy định quota gây ô nhiễm có thể chuyển nhượng

Một phần của tài liệu Phương pháp thuyết phục và cưỡng chế (Trang 117 - 120)

Đây là biện pháp sử dụng công cụ kinh tế để kiểm soát ô nhiễm đạt hiệu qủa cao và đã được nhiều nước áp dụng. Đi đầu trong lĩnh vực này là Mỹ, Canada. Tuy nhiên, để có thể sử dụng quota gây ô nhiễm như một công cụ kinh tế có mục đích kiểm soát ô nhiễm của một "phông môi trường" nhất định cần phải hội tụ nhiều yếu tố cơ chế thị trường đủ mạnh, khả năng trao đổi, giao lưu thông tin tốt, các phương tiện quan trắc các thông số môi trường đầy đủ và chính xác, v.v...

Việc sử dụng quota gây ô nhiễm như một công cụ kinh tế điều hoà mức phát thải của từng điểm nguồn và kiểm soát tổng lượng chất gây ô nhiễm, trong đó Nhà nước xác định khả năng chịu tải của môi trường và tổng lượng các chất gây ô nhiễm có thể cho phép tất cả các nguồn phát thải, sau đó phân bổ các nguồn phát thải bằng cách phát hành những giấy phép thải được gọi là quota gây

ô nhiễm và chính thức công nhận quyền được thải ra môi trường một lượng chất gây ô nhiễm theo giá trị của cổ phần ô nhiễm.

Khi có được mức phân bổ quota gây ô nhiễm ban đầu, người gây ô nhiễm có quyền mua và chuyển nhượng quota gây ô nhiễm tuỳ thuộc vào cách phân tích chi phí giảm thiểu ô nhiễm : hoặc mua quota gây ô nhiễm hoặc đầu tư xử lý để đạt mức cho phép. Như vậy, sự khác nhau về chi phí đầu tư xử lý ô nhiễm giữa các nguồn gây ô nhiễm khác nhau sẽ thúc đẩy quá trình chuyển nhượng quota gây ô nhiễm. Việc mua quota gây ô nhiễm sẽ tập trung vào những nguồn thải lớn mà chi phí xử lý ô nhiễm cao, ngược lại việc chuyển nhượng quota gây ô nhiễm sẽ tập trung vào các nguồn thải nhỏ mà chi phí xử lý ô nhiễm thấp. Nói chung, qua chuyển nhượng quota gây ô nhiễm cả người bán lẫn người mua đều chọn cho mình được phương án xử lý ô nhiễm với giá thấp hơn.

Việc sử dụng quota gây ô nhiễm để kiểm soát chất lượng môi trường có một số ưu điểm nhất định như :

- Qua chuyển nhượng, tổng lượng phát thải chất gây ô nhiễm không bị vi phạm trong khi người gây ô nhiễm có thể giảm mức chi phí xử lý ô nhiễm.

- Khi nguồn gây ô nhiễm tăng, Nhà nước có thể điều khiển bằng cách phát hành thêm số lượng quota gây ô nhiễm hoặc tăng giá quota gây ô nhiễm (nếu muốn đảm bảo chất lượng môi trường).

- Trường hợp thấy cần thiết có thể giảm số lượng hoặc tăng giá quota gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng môi trường.

Tuy nhiên, để quota gây ô nhiễm có thể áp dụng được dễ dàng trong công tác quản lý môi trường thì việc thiết lập nội dung quota gây ô nhiễm một cách phù hợp là điều rất quan trọng. Nội dung của quota gây ô nhiễm phải đạt được các yêu cầu như :

- Tất cả các nhà đầu tư tham gia thị trường quota gây ô nhiễm phải dễ dàng nhận thấy tính ưu việt của việc sử dụng quota gây ô nhiễm cho việc giảm thiểu chi phí xử lý ô nhiễm.

- Sự chuyển nhượng quota gây ô nhiễm phải diễn ra thuận tiện, dễ dàng ở các phạm vi khác nhau.

- Kiểm soát được nồng độ biến thiên theo mùa và theo giai đoạn, v...

Với tất cả các yêu cầu trên, nội dung của quota gây ô nhiễm bao gồm những vấn đề sau :

1, Xác định khu vực chuyển nhượng quota gây ô nhiễm thích hợp.

2, Kiểm soát sự biến thiên của chất gây ô nhiễm theo mùa và theo giai đoạn. 3, Số lượng nguồn thải thích hợp trong hệ thống quota gây ô nhiễm.

4, Tổng lượng phát thải trong chương trình chuyển nhượng quota gây ô nhiễm. 5, Sự phân bổ quota gây ô nhiễm ban đầu cho mỗi nguồn thải.

6, Giám sát việc sử dụng và chuyển nhượng quota gây ô nhiễm, v.v...

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới sử dụng quota gây ô nhiễm để kiểm soát chất lượng môi trường như kiểm soát chất lượng nước hồ chứa Dillon (Mỹ); kiểm soát sự phát thải chất CFC vào không khí (Mỹ) ; kiểm soát sự phát thải chất CO2 (Canada), v.v. cho thấy đây là một trong các công cụ kinh tế hữu hiệu để quản lý môi trường.

Ở Việt Nam hiện nay nhiều thành phố lớn, nhiều lưu vực sông đã bị ô nhiễm nặng nề, trong lúc đó các nguồn phát thải ngày một gia tăng dẫn đến nguy cơ vượt quá khả năng chịu tải của môi trường và không còn khả năng khắc phục. Để khắc phục tình trạng trên, Việt Nam cần phải sớm nghiên cứu áp dụng quota gây ô nhiễm để kiểm soát chất lượng môi trường ở các khu vực trên. Muốn đạt được mục tiêu đó, trước hết phải nghiên cứu, áp dụng thí điểm tại một số khu vực ví dụ như sử dụng quota gây ô nhiễm kiểm soát chất lượng nước sông Đồng Nai, sông Cầu, v.v... Sau đó, trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ thực tế có thể mở rộng áp dụng cho việc kiểm soát chất lượng môi trường ở một số địa bàn trọng điểm về ô nhiễm môi trường, ví dụ:

+ Sử dụng quota gây ô nhiễm cho các khu công nghiệp; + Sử dụng quota gây ô nhiễm cho một số lưu vực sông;

Các công cụ kinh tế kể trên đều là những công cụ đang được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại. Do đó, việc mở rộng phạm vi sử dụng các công cụ đó sang lĩnh vực môi trường không phải là điều quá khó khăn và bất

khả thi. Tuy nhiên, do việc áp dụng chúng sẽ tạo ra gánh nặng tài chính bổ sung cho các doanh nghiệp, phản ứng của các doanh nghiệp đối với các công cụ bổ sung đó không hẳn là thuận lợi. Vì vậy cần tuyên truyền để tạo một nhận thức chung về nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức có gây ô nhiễm môi trường .

Đồng thời với việc ban hành và áp dụng các công cụ kinh tế mới, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức chung của xã hội về sản phẩm thân thiện môi trường có vai trò rất quan trọng. Nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm “nhãn xanh”, nhãn sinh thái tăng lên sẽ là đơn đặt hàng định hướng buộc các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh phải cân nhắc đến việc cân bằng giữa lợi nhuận với việc áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường cũng như sử dụng các công cụ kinh tế thích hợp. Mặt khác, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành chính, hình sự sẽ tạo nên hiệu quả chung thực tế của các công cụ kinh tế mới được sử dụng.

Một phần của tài liệu Phương pháp thuyết phục và cưỡng chế (Trang 117 - 120)