thiết kế ở dạng cố định, dạng bán di động, dạng di động phù hợp với các quy mô đầu tư và yêu cầu sản xuất. Qua đánh giá cho thấy, lượng nước tưới tiết kiệm được 30 - 50% so với tưới tràn, độ đồng đều trên 90%, thuận lợi cho việc điều khiển tự động chế độ tưới theo độ ẩm và thời gian [44, tr.16].
Ngoài ra, việc nghiên cứu và triển khai vào sản xuất các quy trình và hệ thống máy cơ giới hoá làm đất, chăm sóc ban đầu theo hướng thâm canh bảo vệ đất đối với cây công nghiệp vùng nguyên liệu như mía, dứa bao gồm các máy làm đất, rạch hàng, bón phân, xới chăm sóc, bâm thân lá … hệ thống thiết bị cơ giới hoá làm đất và chăm sóc này đã được thiết kế, chế tạo và chuyển giao cho nông dân ở các địa phương trong cả nước. Quy trình công nghệ mới này đáp ứng tốt yêu cầu sinh trưởng, giữ ẩm cho cây, chống xói mòn, tăng độ phì của đất, tăng năng suất 30 - 35% so với đối chứng.
1.2.2.2. Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nghiệp
Trong cây trồng
Thành tựu nổi bật nhất là đã nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt phù hợp với từng vùng sinh thái.
Đối với cây lúa - cây lương thực chủ yếu: Đã nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc được bộ giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất từng vùng như các giống lúa kháng rầy, giống lúa chịu phèn mặn (IR 2151, IR2153…) giống lúa chịu hạn thích hợp với các vùng khô hạn ít mưa như miền núi và vùng trung du phía Bắc (CH2,
CH3, CH133…) giống lúa chịu rét, các giống lúa có chất lượng gạo tốt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu (IR 64, IR 66, CM 80, CM 86-9, CM87-1…). Đặc biệt là việc tiếp thu công nghệ giống lúa lai. Gần đây, ở một số địa phương đã tạo ra các giống lúa lai có năng suất cao và khả năng kháng bệnh tốt hơn các lúa lai nhập từ Trung Quốc.
Ngoài giống lúa, trong thời gian qua còn nghiên cứu và đưa vào phổ biến rộng rãi nhiều giống mới về ngô, sắn, khoai lang, khoai tây, lạc, đậu tương,…trong đó đáng chú ý là giống ngô lai Biosid 9681, LVN 10, LVN 20, 9670… đạt năng suất trên 60 - 70 tấn/ha [15, tr.25] so với năng suất bình quân cả nước, mở ra triển vọng tăng nhanh sản lượng và hạ giá thành sản xuất ngô đáp ứng nhu cầu chăn nuôi và xuất khẩu. Ngoài ra còn lai tạo, chọn lọc và đưa vào sản xuất rộng rãi các giống cây công nghiệp mới như mía, dâu tằm, chè, cà phê… và các giống rau quả có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước.
Nhìn chung, trên cơ sở kết hợp tốt những công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại trong công tác chọn, tạo giống như: ứng dụng phương pháp marker phân tử để xác định vị trí của gen trên nhiễm sắc thể hỗ trợ cho công tác tạo giống mới; nghiên cứu chuyển gen qui định tính trạng mong muốn cho một số cây trồng, các nhà khoa học đã chọn tạo được 31 giống cây trồng, 4 cây đầu dòng, 19 tiến bộ kỹ thuật và đề nghị khu vực hoá 48 giống cây trồng; đã xây dựng được quy trình chọn và nhân các dòng CMS, TGMS trong sản xuất lúa lai. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy tế bào soma để phục tráng và cải tiến lúa tám. Hoàn chỉnh quy trình công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để tạo cây có múi sạch bệnh. Một tổ hợp lúa lai được tạo ra trong nước cho năng suất cao hoặc chất lượng gạo tốt như VL 20, HYT 57… đã bước đầu mở ra triển vọng tự sản xuất hạt giống lúa lai trong nước. Đã tạo ra và đưa đi thử nghiệm ở các địa phương giống “ siêu lúa”, năng suất trung bình đạt 8 - 10 tấn/ha, năng suất tiềm năng có thể đạt tới 12 tấn/ha. Đã chọn được giống lạc L 18 cho năng suất cao 5 tấn/ha trên diện tích thử nghiệm [15, tr.26].
Trong vật nuôi
Thành tựu KH,CN quan trọng nhất là ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong việc lai tạo, nhập nội và thích nghi với điều kiện Việt Nam nhiều giống gia súc, gia cầm mới. Cụ thể như sau:
Đã ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về di truyền trong việc lai tạo giống lợn có tỷ lệ nạc cao (45 - 54%), triển khai lai tạo các giống bò sữa, bò thịt cho năng suất cao phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ chăn nuôi và môi trường sinh thái từng vùng. Chẳn hạn đối với bò sữa: các tỉnh đồng bằng sông Hồng thích hợp với bò lai F1 1/2, 5/3,
3/4 máu ngoại, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thích hợp với bò lai 3/4, 7/8 máu bò Holstein frir, các vùng Mộc Châu (Sơn La), Lâm Đồng thích hợp với chăn nuôi bò có tỷ lệ máu bò Holstein Frir cao hơn.
Đã nhập nội thích nghi và phát triển nhiều giống gà thịt, gà trứng, giống vịt siêu thịt (Cvsuperm), siêu trứng (Khakicampell), giống ngang Pháp (gồm 2 dòng R31 và R51)…có năng suất cao hơn các giống gia cầm của địa phương.
Hiện nay, đã chọn lọc 500 bò sữa lai F1, F2, F3 hạt nhân và 12 đực giống 3/4 và 5/8 máu bò HF; đánh giá các chỉ tiêu sinh sản, năng suất của chúng, chọn lọc tạo 8 giống bò sữa có năng suất bình quân toàn đàn 4000kg sữa/chu kỳ. Bước đầu nghiên cứu thành công nhân vô tính bằng phướng pháp cắt phôi để tạo ra cặp bê song sinh giống nhau về đặc điểm di truyền, sau 120 ngày nuôi đạt 143kg/1 bê. Đã chọn lọc và đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của lợn hạt nhân dòng mẹ (nhóm lợn sinh sản) của các giống yorkshire landrace và lợn dòng bố (nhóm sinh trưởng) của các giống duroc pietrain và landrace. Đã chọn lọc nhân thuần, và cung cấp cho sản xuất giống gà ri thuần một nguồn gen quý trong nhiều năm đã bị pha tạp để tạo thành một hệ thống nhân giống thuần cung cấp cho sản xuất đạt năng suất và chất lượng cao, giá thành hạ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Về kỹ thuật chăn nuôi, đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng các qui trình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao như quá trình chăn nuôi lợn có tỷ lệ nạc cao, thời gian nuôi 4 tháng tuổi, trọng lượng xuất chuồng đạt 90 - 100kg; qui trình chăn nuôi gà theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp; qui trình chăn nuôi bò sữa qui mô gia đình… Đồng thời nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn ăn cho các giống gà, lợn ngoại và lợn lai, qui trình chế biến phụ phẩm nông nghiệp (rơm) làm thức ăn cho trâu bò đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong phòng chữa bệnh cho gia súc, gia cầm đã nghiên cứu và sản xuất một vắc xin phòng bệnh đạt hiệu lực cao, vừa kéo dài thời gian miễn dịch, vừa không gây hại sức khoẻ cho gia súc, gia cầm.