Thuỷ lợi, cơ giới, điện khí

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre hiện nay doc (Trang 53 - 54)

- Về thuỷ lợi: Trong những năm qua (2000-2008), Bến Tre đã ứng dụng triển khai đầu tư khoa học công nghệ vào xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh bằng các nguồn vốn của Trung ương, Tỉnh, địa phương góp phần ngăn mặn, trữ ngọt, nâng diện tích tưới tiêu trong hệ thống thuỷ lợi đạt 100% diện tích gieo trồng lúa cả năm, khống chế rầy nâu gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Tổng vốn thực hiện bình quân hàng năm khoảng 21.728 triệu đồng cho các công trình: Đê biển Bình Đại, nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai, đầu tư dự án ngọt hoá bắc Bến Tre, kênh Giao Hoà - An Hoá, nâng cấp đê bao vườn cây ăn quả và hoàn chỉnh dần các công trình đầu mối đã có [50, tr.7].

Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác thuỷ lợi như: Chế độ tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản theo từng vùng sinh thái trong tỉnh, diễn biến thuỷ văn, thuỷ lực để chỉnh trị các dòng sông, xây các cống đập, đê biển, đê ven sông, đê bao các cồn. Cuối năm 2008, Bến Tre đã tiến hành nạo vét, gia cố và nâng cấp, đào mới các tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài trên 300.000km [50, tr.9].

Nghiên cứu cơ học nền móng, kết cấu công trình, vật liệu xây dựng và các phương pháp thi công tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và tính thẩm mỹ của các công trình thủy lợi kể cả công trình ở những nơi có điều kiện phức tạp, đất yếu.

Ứng dụng các loại vật liệu mới đưa vào xây dựng như: Vải địa kỹ thuật, rọ đá hộc để gia cố mái bảo vệ thượng, hạ lưu cống; vật liệu composite trong gia công thiết bị cửa cống, thay cho cửa làm bằng sắt thép sẽ tăng tính chịu lực cao hơn và thời gian sử dụng sẽ dài hơn, tiết kiệm được nguồn tài nguyên của đất nước, chí phí đầu tư của tỉnh, bảo vệ được môi trường sinh thái. Tạo ra được cơ cấu loại thuỷ lực của vùng chăn nuôi nước mặn, lợ, ngọt và ngọt hoá, để thực hiện theo cơ cấu vùng thâm canh, chuyên canh góp phần tăng năng suất cây trồng và vật nuôi, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân trong khu vực, từ đó tăng tính bền vững trong phát triển kinh tế của tỉnh.

- Về cơ giới hoá: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phát triển cơ giới hoá nông - lâm - ngư nghiệp. Theo kết quả điều tra toàn tỉnh, cuối năm 2008 Bến Tre có khoảng 4.215

máy kéo loại nhỏ dưới 12 mã lực, 1.230 máy kéo trên 12 mã lực, 31.123 máy bơm các loại, 1.758 máy tuốt lúa, 67 máy gặt đập liên hợp, 2.132 máy xạ hàng. Với hệ thống thiết bị máy móc trên đã cơ giới hoá được 90% khâu làm đất, 80% khâu tưới tiêu trong nông nghiệp [48, tr.15].

Trong lĩnh vực cơ khí đã nghiên cứu công nghệ chế tạo thiết bị sản xuất mụn dừa xuất khẩu, cải tiến hệ thống sản xuất chỉ xơ dừa đồng bộ hoàn chỉnh, phù hợp điều kiện nông thôn, chế tạo thành công máy tướt chỉ xơ dừa thay hàng nhập nội. Chế tạo thiết bị sản xuất men giống làm thạch dừa, xây dựng và phát triển công nghệ chế biến nông sản thực phẩm qui mô hộ gia đình, trái cây đóng hộp, chanh, tắc xí muội, chanh tắc sấy khô nước ép cô đặc đóng chai.

- Điện khí hoá: Chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm điện khí hoá nông nghiệp, nông thôn đã được tỉnh triển khai rộng khắp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà cụ thể là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đưa nhanh tiến bộ KH, CN vào sản xuất cây trồng và vật nuôi, đặc biệt điện phân các tế bào gốc, phân lập công nghệ gen, bảo quản phôi và các mô động thực vật. Ngoài ra, còn có hàng trăm động cơ điện công suất 1- 10kW phục vụ chế biến quy mô hộ gia đình cùng với hàng ngàn tua-pin bơm nước tưới tiêu ruộng đồng, hoa màu và cây ăn quả, công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch. Đến nay, đã xây dựng mới hơn 5.300 km đường trung, hạ thế các loại; 2.580 trạm (307.600 KVA), toàn tỉnh có 100% số xã có điện, năm 2008 tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 90% [48, tr.22].

Nhìn chung, điện khí hoá ở Bến Tre đã bao phủ toàn bộ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Do đó, Bến Tre đã tăng cường xây dựng cơ sở vật chất ngành điện để tiếp tục thực hiện chương trình điện khí hoá nông thôn, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ và kéo giảm giá bán điện đúng qui định. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ xây dựng mới 2.000 km đường dây trung, hạ thế, 570 trạm biến thế với dung lượng 22.000 KVA nhằm phục vụ kịp thời cho điện khí hoá nông nghiệp, nông thôn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre hiện nay doc (Trang 53 - 54)