II. Tình hình thực hiện phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên
3. Những nhận xét rút ra
* Về thành tựu:
Một trong những thành tựu lớn của công tác giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên với những phương thức như đa thực hiện trong thời gian vừa qua là đã đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong thanh, thiếu niên, góp phần xây dựng được thế hệ thanh, thiếu niên thời kỳ đổi mới, có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; không ngại khó khăn gian khổ, tình nguyện vì cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng; quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định,
đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, môi trường sống an toàn. Đại đa số thanh, thiếu niên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự phát triển của đất nước. Về cơ bản đã thực hiện được những mục tiêu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khóa VII đề ra.
Những kết quả trên cho thấy phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên được thực hiện trong thời gian qua đã có những hiệu quả thiết thực. Sở dĩ chúng ta đạt được những thành tích đó là do Đảng ta đã có những chủ trương quan trọng, có tính chất quyết định. Cùng với việc khẳng định vị trí vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh từ Đại hội VII, đến việc xây dựng và triển khai ngay vào thực tiễn các nghị quyết nhằm hiện thực hóa việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên. Điều quan trong là kể từ năm 1930, sau một thời gian dài đấu tranh cách mạng, Đảng ta lại xây dựng được nghị quyết thứ 3 về công tác thanh niên- Nghị quyết Hội nghị 4, khóa VII- làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên.
- Các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị, toàn xã hội thực hiện tốt hơn việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên. Đặc biệt là vai trò to lớn của các tổ chức Đảng trong việc thực hiện giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các cuộc vận động rộng lớn của Đảng.
- Nhà nước đã ban hành Luật Thanh niên, chiến lược phát triển thanh niên và nhiều chính sách về công tác thanh niên, đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên thông qua giảng dạy ở hệ thống giáo dục - đào tạo quốc dân. Nhà nước đã tăng cường việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức để giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên.
- Đoàn, Đội, phong trào thanh, thiếu niên cũng góp phần to lớn vào việc triển khai các phương pháp và hình thức giáo dục tư tưởng cho thanh, thiếu niên một cách phù hợp với hoạt động của mình.
- Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh, thiếu niên và công tác thanh, thiếu niên có những chuyển biến tích cực.
Cần xác định là không phải mọi lúc, mọi nơi, phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thanh, thiếu niên đều đạt được kết qủa như mong muốn và đã đạt được yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Nhìn vào kết quả nghiên cứu các hoạt động học tập tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường học, các cuộc thi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh, thi tuyên truyền viên Tư tưởng Hồ Chí Minh và số lượng người tham gia các cuộc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh thì có thể thấy rằng kết quả của việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhân dân nói chung và đối với thanh, thiếu niên nói riêng là khả quan. Tuy nhiên, ngoại trừ nội dung giáo dục, nếu chúng ta lấy những những số liệu kết quả đó để làm thước đo xác định tính hiệu quả của các phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên hiện nay thì sẽ gặp .
Kết quả điều tra xã hội học của chuyên đề đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, có mã số KHXH- 04/09 CĐ thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KH.XH.04 cho chúng ta một vài số liệu đáng quan tâm.
Với 3.100 phiếu điều tra 14 nhóm đối tượng chính là: cán bộ, đảng viên; chiến sỹ các lực lượng vũ trang; công nhân; nông dân; đoàn viên thanh niên các vùng, học sinh, sinh viên; đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng công giáo - trong đó số phiếu thăm dò trong thanh niên học sinh phổ thông, sinh viên là 887 (28%). Tổng hợp các câu hỏi, trả lời đúng yêu cầu (trắc nghiệm) để đánh giá đối tượng có những hiểu biết cơ bản về Hồ Chí Minh (ngày, tháng, năm sinh của Người, một số hoạt động chính của Người, công lao của Người đối với cách mạng Việt Nam; về một số câu hỏi mang tính chân lý của Hồ Chí Minh ( như “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; “Vẫn còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì còn tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” ...); Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Số phiếu điều tra học sinh sinh viên có đủ các yếu tố và yêu cầu trên là 410 (46%). Trong khi đó tỷ lệ của chiến sỹ các lực lượng vũ trang là 87%, của công nhân là 58% và của nông dân là 47%.
Cũng từ kết quả điều tra nói trên, có 59,5% số người được hỏi hiểu về Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người qua nhà trường; 59,8% qua sách giáo khoa và giáo trình; 84,4% qua sách báo và 84% qua truyền hình. Như vậy là việc tiếp nhận tư
tưởng Hồ Chí Minh qua môi trường trường học và sách giáo khoa, giáo trình có chỉ số không cao.
Trong năm học 2005 - 2006, trong cả nước có khoảng 20 triệu học sinh sinh viên theo học các cấp học phổ thông, các trường đại học và cao đẳng. Nếu ước tính khoảng 20% trong số đó (khoảng 4 triệu là học sinh cấp mầm non và tiểu học; số còn lại khoảng 16 triệu em là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học cao đẳng đòi hỏi phải có những hiểu biết cơ bản, nhưng chỉ có 46% có đủ những hiểu biết cơ bản về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh (như phiếu điều tra nói trên) - một tỷ lệ thấp hơn cả nông dân. Điều đáng tiếc là các em lại rất nhớ các thông tin về các ngôi sao ca nhạc, các danh thủ bóng đá và giá chuyển nhượng. Chúng ta hy vọng rằng có điều kiện để khảo sát lại tình hình sau 7 năm thực hiện chỉ thị 23 và chỉ thị 24 của Ban Bí thư sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.
Tổng hợp các chỉ số điều tra xã hội học trên đây đều cho thấy: Ngoại trừ những câu hỏi đánh giá hiểu biết về công lao của Hồ Chí Minh thì chỉ số của thanh, thiếu niên là cao với các nhóm xã hội khác, còn ở các nội dung điều tra khác, đặc biệt là hiểu biết về tư tưởng Hồ Chí Minh của thanh, thiếu niên đều có chỉ số thấp hơn các nhóm xã hội khác. Nếu không tính đến những nhân tố như chủ thể giáo dục, nội dung giáo, sự vận động của đối tượng giáo dục trước tác động của những biến đổi xã hội, thì rõ ràng phải tính đến lý do chỉ số thấp đó là ở phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thanh, thiếu niên.
Xét rộng ra hơn, chúng ta có thể thấy trong thanh, thiếu niên và phong trào thanh, thiếu niên vẫn còn có những thiếu sót và khuyết điểm. Đó là vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Học vấn của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số còn thấp. Nhiều thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một vấn đề nghiêm trọng là tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên chưa giảm và diễn biến ngày càng phức tạp. Tỷ lệ thanh niên nhiễm HIV/AIDS còn cao.
Theo Báo cáo của Bộ Công an và Bộ Lao động Thương binh Xã hội về số thanh niên nghiện ma túy: Năm 2000 là: 60.622 người, chiếm 60% tổng số thanh niên trong diện có hồ sơ kiểm soát.
Năm 2001 là: 69.707 người Năm 2002 là: 92.301 người Năm 2003 là: 107.670 người Năm 2004 là: 117.580 người
Sáu tháng đầu năm 2005 là 119.840 người. Số thanh niên nghiện ma túy tập trung ở các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh.
Điều đáng quan tâm là sự gia tăng đột biến của tệ nạn ma túy trong học đường. Từ 600 học sinh, sinh viên năm 2004 lên 1.234 học sinh, sinh viên đầu năm 2005.
Với đặc điểm vốn có về tâm sinh lý lứa tuổi, đã tạo cho thanh, thiếu niên có những thuận lợi nhất định trong xã hội, song cũng chính đặc điểm này khiến cho thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật luôn chiếm tỷ lệ cao. Theo Báo cáo của Bộ Công an cho thấy:
Năm 2003 - án kinh tế: 710/1.618 người vi phạm - án ma túy: 5.320/9.293 người vi phạm - án hình sự: 27.518/47.692 người vi phạm Năm 2004 - án kinh tế: 577/1.643 người vi phạm - án ma túy: 4.834/8.723 người vi phạm - án hình sự: 27.832/49.125 người vi phạm
Theo báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001- 2005 của ủy ban quốc gia về phòng, chống AIDS: Ước tính cả nước có khoảng 50.000 người bán dâm, trong đó số có hồ sơ quản lý là 13.064 người, chiếm khoảng 26%. Mại dâm tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn, các tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí, các địa bàn giáp ranh, khu vực biên giới.
* Nguyên nhân của hạn chế
Lý giải cho nguyên nhân của thực trạng trên đây, cần phải tìm hiểu các phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên trong thời gian qua như thế nào. Nghiên cứu thực tế, chúng tôi thấy:
Một là, về phương thức giáo dục thông qua giảng dạy ở hệ thống giáo dục đào tạo.
Trong thập kỷ cuối của thế kỷ XX, vấn đề nổi bật là ở trong hệ thống các trường phổ thông thanh, thiếu niên chưa được học những nội dung để có những hiểu biết cơ bản về Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người một cách hệ thống trong các bài học chính khoá, hoặc là bài chính khoá nhưng tổ chức dạy và học chưa tốt.
Đặc biệt là trong chương trình và nội dung các bài học ở môn học Giáo dục công dân trong các trường THCS và PTTH, chúng ta chưa có những bài học chính thức về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu có chỉ là một số nội dung tham khảo. Khảo sát chương trình của các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông chúng ta thấy như sau: ....
Điều đó cho thấy tính không hệ thống, không căn bản trong giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh với đối tượng là thanh, thiếu niên ở hệ thống giáo dục phổ thông.
Bắt đầu từ năm học 2003 - 2004 môn tư tưởng Hồ Chí Minh được đưa vào chương trình đào tạo chính khoá của các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp nhưng việc triển khai thực hiện đang tồn tại một số vấn đề cần phải khắc phục. Đó là vấn đề nội dung của môn học mới được xây dựng và gần đây lại rơi vào tình hình điều chỉnh về nội dung, thời lượng như đã nói ở trên.
Tác động tới hiệu quả của phương thức giáo dục không chỉ ở sự điều chỉnh của nội dung của bộ môn mới mà còn là ở lực lượng của những người giảng dạy đã được chuẩn bị như thế nào. Một thực tế dễ thấy là do chưa chuẩn bị tốt về đào tạo thầy dạy.
Theo thống kê của Viện Hồ Chí Minh, tổng số giảng viên môn tư tưởng Hồ Chí Minh được đào tạo theo dạng bồi dưỡng kiến thức cho Bộ đại học sau 5 khóa là chỉ khoảng 400 người trên cả nước (cho cả các trường đại học, cao đẳng và các trưởng chính trị tỉnh, thành phố. (Sau này do Bộ Giáo dục và Đào tạo tự tổ chức qua Trung tâm Bồi dưỡng của Đại học Quốc gia). Toàn bộ số giảng viên này được lấy từ các môn khoa học xã hội khác sang bồi dưỡng trở thành giảng viên giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, một số lớp học tư tưởng Hồ Chí Minh tổ chức tại hội trường lớn, số học viên lên tới vài ba trăm, thầy dạy trong môi trường như nói chuyện, diễn thuyết chắc chắn sự truyền đạt và sự thâu lượm kiến thức sẽ không cao.
Hai là, về giáo trình, sách giáo khoa và sách, báo.
ở các cấp học phổ thông học sinh bài học chính khoá ít. Tại các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, sinh viên thiếu giáo trình. Đó là một thực tế. Về sách, báo để các tham khảo, chúng tôi bước đầu tìm hiểu và thấy nổi lên một số vấn đề sau đây:
Đó là tình trạng thiếu sách học nghiêm trọng. Nếu như nhìn vào số đầu sách về Hồ Chí Minh được xuất bản như chúng tôi nói ở trên (từ 1995-2000 xuất bản 397 cuốn) có thể coi là khá phong phú, nhưng số lượng bản đến với công chúng nhất là học sinh sinh viên là quá ít ỏi. Những số liệu sau đây cho thấy rõ tình hình:
- Bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ hai (1995-1996) 12 tập mỗi tập có số lượng in 5.000 cuốn; sau đó in nối bản vào các năm 2000 và 2002 khoảng 5.000 cuốn nữa.
- Bộ sách Hồ Chí Minh Tuyển tập xuất bản lần thứ 3 (2002) 3 tập mỗi tập có số lượng in 3000 cuốn.
- Bộ Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, xuất bản lần thứ nhất từ 1992-1996, 10 tập, mỗi tập có số lượng in 1.500 cuốn; in lần 2 là 3.000 cuốn
- Ngoại trừ tập Tài liệu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) xuất bản năm 2003 phục vụ việc thực hiện chỉ thị 23 và tập tài liệu của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” xuất bản năm 2007 có số lượng lớn, còn nói chung, các cuốn sách khác về Hồ Chí Minh chỉ được xuất bản với số lượng hạn chế khoảng từ 1.000-
2.000 bản; có sách chỉ xuất bản với số lượng 500-600 bản. Nhiều sách do các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học lo kinh phí xuất bản rồi tự phát hành để công trình của mình. Không ít sách cá nhân và một số cơ quan không có chức năng nghiên cứu chuyên sâu về Hồ Chí Minh cũng được xuất bản mà không được sự kiểm soát về nội dung của cơ quan chuyên môn.
Nước ta có hơn 3000 phường xã, rồi các cấp trên phường xã (huyện, tỉnh, thành); số lượng các thư viện trung tâm (từ trung ương tới huyện) các cơ quan nghiên cứu, các Học viện, trường Đại học, các trường Chính trị tỉnh, thành, huyện, ngành, hệ thống các trường phổ thông, các cán bộ nghiên cứu giảng dạy trung cao cấp trở lên thì số lượng