Đây là một luận điểm quan trọng được Mác nói trong Luận cương về Feuerbach. Chính Mác đã nói đến con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội nhưng cũng chính Mác đã phê phán cái quan điểm duy vật máy móc khi cho rằng con người là
sản phẩm của hoàn cảnh xã hội. Cho nên, cần phải hiểu đúng thực chất vấn đề và hạt nhân biện chứng khi nói con người là sản phẩm của hoàn cảnh và xã hội.
Mác viết: “Cái học thuyết duy vật chủ nghĩa cho rằng con người là sản phẩm của những hoàn cảnh và của giáo dục, rằng do đó con người đã biến đổi là sản phẩm của những hoàn cảnh khác và của một nền giáo dục đã thay đổi – cái học thuyết ấy quên rằng chính những con người làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục. Bởi vậy, học thuyết đó phải chia xã hội thành hai bộ phận trong đó có một bộ phận đứng lên trên xã hội”1.
Với luận điểm trên, cần phải thấy hai mặt của một con người và một xã hội: Một mặt, con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội và của giáo dục; và mặt khác, cần có những con người làm thay đổi hoàn cảnh xã hội và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục.
Điều đó có nghĩa là con người sinh ra đúng là do hoàn cảnh, cũng như con người trưởng thành đúng là do xã hội, do được giáo dục, nhưng cần phải thấy hoàn cảnh cũng như xã hội không phải là cái gì siêu nhiên hoặc có một đấng tối cao nào đó đứng trên hoàn cảnh và trên xã hội chi phối con người và hoàn cảnh. Giữa hoàn cảnh, xã hội và con người có mối quan hệ nhân quả, tác động qua lại theo quy luật của phép biện chứng trong quá trình phát triển lịch sử mỗi xã hội và loài người nói chung.
Mặt khác, lại phải thấy, con người sinh ra và phát triển do hoàn cảnh, nhưng không có nghĩa là hoàn cảnh xã hội ưu việt thì tự nhiên sinh ra con người ưu việt; ngược lại, hoàn cảnh xã hội kém ưu việt thì tự nhiên sinh ra con người kém ưu việt. Đó chỉ là cách nhìn xã hội và con người một cách máy móc, giản đơn, mà không thấy bản thân mỗi người cũng là một “vũ trụ” riêng, nếu có thể nói như vậy, có khả năng chủ động, tích cực, chi phối và tác động trở lại đối với hoàn cảnh và xã hội nói chung. Do đó, con người sinh ra trong xã hội cũ, không phải bao giờ cũng là con người có khuyết tật; trái lại, con người sinh ra trong xã hội mới cũng không phải bao giờ cũng là con người hoàn hảo. Tất cả còn tuỳ thuộc vào chính sự phấn đấu vươn lên không ngừng, cũng như sự tự giáo dục, tự hoàn thiện và bản lĩnh của mỗi người trong mỗi xã hội nói chung.