Galilêô Galilê (1564-1642)

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG ÔN THI TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC MÔN CƠ SỞ LỊCH SỬ TRIẾT HỌC (Trang 51 - 52)

III. TRIẾT HỌC TÂY ÂU TRUNG CỔ

4.2.3. Galilêô Galilê (1564-1642)

Ông là nhà khoa học vĩ đại nước Ý, đã giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của tri thức khoa học và của chủ nghĩa duy vật. Ông là nhà toán học, vật lý học, thiên văn học, triết học và cũng là người am hiểu nghệ thuật và là một nhà văn xuất sắc.

Ông thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất, thế giới vật chất là vô tận, vĩnh viễn, không có đầu, không có cuối, không có cái gì trong tự nhiên bị tiêu diệt một cách tuyệt đối và xuất hiện từ hư vô. Chỉ có vị trí so sánh của các bộ phận là thay đổi. Chính những phát minh khoa học của ông đã giúp ông xây dựng quan điểm duy vật về giới tự nhiên bằng việc phát hiện các vật thể vật chất trên Mặt Trăng và những khám phá vê sao Kim, Mặt Trời... ông đã đi đến khẳng định tính thống nhất vật chất của toàn bộ vũ trụ và giả thuyết đó trở thành một học thuyết thực sự khoa học. Ở đây ông đã đấu tranh chống thế giới quan thần học và chủ nghĩa kinh viện rất tích cực.

Ông cho rằng, giới tự nhiên và kinh thánh như “hai cuốn sách” không liên quan với nhau. kinh thánh dạy cho con người nhiều điều hay lẽ phải trong cuộc sống thông thường, còn khoa học giúp cho con người khám phá ra quy luật của giới tự nhiên, nhận thức bản chất của chúng. Trong lĩnh vực khoa học, kinh thánh không có tác dụng gì cả. Từ đó, ông cho rằng tôn giáo và khoa học là hai lĩnh vực tinh thần cần thiết của con người. Theo ông, các nhà thông thái phải biết khai thác những mặt hợp lý trong các luận điểm của kinh thánh, vì nói chung về nguyên tắc, kinh thánh không có gì sai, mà chính những người sau này diễn giải nó nhiều khi sai lệch và bóp méo. Ở đây ông chịu ảnh hưởng của quan niệm “chân lý hai mặt” đang thịnh hành thời đó.

Nhưng Galilê đặc biệt đề cao sức mạnh của trí tuệ con người trong việc nhận thức thế giới. Ông cho rằng khả năng nhận thức của con người là vô hạn, cảm giác là bước đầu của nhận thức; còn bước cuối là hoạt động của lý trí, ở bước này kinh nghiệm được kiểm tra lại và những yếu tố rời rạc của tri thức được liên kết lại. Nhận thức tính tất nhiên “nội tại của các hiện tượng là giai đoạn cao nhất của tri thức”. Những tri thức do quá trình nhận thức đem lại không phải là chân lý cuối cùng. Chân lý là kết quả của quá trình nhận thức, mà quá trình nhận thức là vô tận, không ai dám quả quyết rằng mình biết mọi điều, mình có thể nhận thức được thế giới.

Galilê đưa ra khái niệm nhận thức về chiều rộng và chiều sâu. Theo ông, nhận thức về chiều rộng là số lượng những sự vật có thể nhận thức được. Số lượng những sự vật mà ta đã nhận thức được thật ít, không đáng kể so với những sự vật nhiều vô kể mà ta cần biết trong tương lai.. Nhận thức về chiều sâu là nhận

thức chân lý, nhiều chân lý chúng ta đã nắm được có tính chất sâu sắc và hoàn bị, trong đó có những tri thức thuần túy toán học hình học và số học.

Galilê là nhà bác học có nhiều phát minh vĩ đại. Những phát minh của ông đóng vai trò to lớn cho sự phát triển của khoa học và triết học, nhưng nó lại là một mối nguy hiểm cho chủ nghĩa kinh viện và Giáo hội Cơ đốc La Mã lúc bấy giờ. Vì vậy, giáo hoàng La Mã ra lệnh truy tố và bỏ tù ông, tòa án tôn giáo đã quản thúc ông một cách nghiêm ngặt cho tới khi ông qua đời.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG ÔN THI TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC MÔN CƠ SỞ LỊCH SỬ TRIẾT HỌC (Trang 51 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w