8. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI
3.1. NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ ĐƯA RA ĐỊNH HƯỚNG
Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 là tiếp tục đổi mới và tạo bước đột phá để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở phát huy nội lực gắn với tranh thủ tối đa ngoại lực trong thế chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế; hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương trong vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GDP và cơ cấu lao động, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và xuất khẩu. Phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội sau:
- Về mục tiêu kinh tế: Đạt tốc độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2011 – 2015 đạt 13 % và thời kỳ 2016 – 2020 đạt 12 %. GDP bình quân đầu người đạt 20,7 triệu đồng (2015) và trên 38 triệu đồng (2020). Từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa GDP/người giữa Trà Vinh và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2015 tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng đạt 30 %, dịch vụ 32 % và nông – lâm – thủy sản 38 %, năm 2020 tỉ trọng tương ứng các ngành là 36 % - 34 % - 30 %. Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn là 400 – 450 triệu USD vào năm 2015 và đạt khoảng 800 – 900 triệu USD vào năm 2020.
– Về mục tiêu xã hội: Phấn đấu giảm tỉ lệ tăng dân số bình quân hàng năm thời kỳ 2011 – 2015 khoảng 1,1 % và thời kỳ 2016 – 2020 khoảng 0,9 – 0,95 %. Đến năm 2020, dân số toàn tỉnh khoảng 1,175 triệu người. Tăng cường các hình thức đào tạo nghề cho lao động, đến năm 2020 nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50 % (trong đó đào tạo nghề chiếm 27 % - 30 %). Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo
bằng mức bình quân của khu vực ĐBSCL. Phấn đấu chỉ tiêu phổ cập giáo dục trung học phổ thông cho 95 % học sinh tại khu vực đô thị và 85 % cho khu vực nông thôn. Kiên cố hóa toàn bộ trường, lớp. Đảm bảo đủ giường bệnh, nhân viên y tế, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh cho cả 3 tuyến. Đảm bảo ít nhất 95 % số hộ gia đình được dùng mức hợp vệ sinh, 100 % số hộ sử dụng điện vào năm 2020. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 26 % vào năm 2015 và 30 % vào năm 2020. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn.
– Về mục tiêu bảo vệ môi trường: Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản phủ xanh 100 % diện tích đất rừng phòng hộ rất xung yếu ngoài đê biển, trồng rừng xen kẽ trong các vùng nuôi trồng thủy sản trong vùng qui hoạch phòng hộ xung yếu theo tỉ lệ 55 % rừng và 45 % nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh trồng cây phân tán. Đảm bảo môi trường sạch cho cả khu vực đô thị và nông thôn: 100 % cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 95 – 100 % rác thải được thu gom, xử lí vào năm 2020.
- Trong định hướng phát triển ngành du lịch có nêu ra:
+ Cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện phát triển du lịch bãi biển, du lịch sinh thái nhà vườn và du lịch văn hóa đặc sắc hội tụ của nền văn hóa Kinh – Khmer để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
+ Phát triển du lịch theo hướng đa dạng hóa, tập trung vào những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, kết hợp du lịch nhân văn như tham quan di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề với du lịch sinh thái miệt vườn, nghỉ dưỡng, giải trí…
+ Từ nay đến năm 2015, thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch đến khu du lịch có đủ chức năng hiện đại, có điều kiện tiếp đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí và lưu trú dài ngày. Tập trung phát triển 02 khu du lịch:
• Khu văn hóa du lịch Ao Bà Om thuộc phường 8 – Thành phố Trà Vinh, qui mô 84 ha, gồm các hạng mục đầu tư như khu trung tâm, khu thiếu nhi, khu văn hóa dân tộc Khmer, khu thể thao, khu khách sạn resort, khu giải trí dưới nước, khu tham quan LNTT, khu tham quan di tích văn hóa tôn giáo, khu kĩ thuật bảo trì…
• Khu du lịch biển Ba Động thuộc xã Trường Long Hòa – huyện Duyên Hải, qui mô 368,8 ha gồm các hạng mục đầu tư: Khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái rừng ngập mặn, khu nghỉ dưỡng, khu dịch vụ sinh hoạt biển, khu cắm trại, dã ngoại...
+ Ngoài ra, tập trung phát triển các điểm du lịch làng nghề, du lịch vườn sinh thái ở các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản như: Càng Long, Cầu Kè…
Các loại ngành nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch như: Bánh tráng, bánh canh, bánh tét, tôm cá khô, đan đát, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh được dự báo sẽ phát triển nhanh cùng với sự phát triển của ngành du lịch.
- Về mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn:
+ Về mục tiêu chung: Tập trung phát triển ngành nghề nông thôn nhằm sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị các nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, xây dựng các làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề góp phần tích cực vào phát triển du lịch và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
+ Về mục tiêu cụ thể:
• Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh qua các thời kì như: Giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân 5,5 – 6,0 %, giai đoạn 2016 – 2020 tăng bình quân 6,0 – 6,5 %.
• Giá trị sản xuất khu vực ngành nghề nông thôn năm 2015 gấp 1,5 lần và năm 2020 gấp 2,0 – 2,5 lần so với giá trị sản xuất năm 2008.
• Nâng tỉ trọng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng CNH – HĐH.
• Nâng tỉ trọng lao động ngành nghề nông thôn lên trên 5 % trong tổng lao động xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho lao động và tạo việc làm cho nông dân trong lúc nông nhàn.
• Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề đạt 23 – 25 triệu đồng/năm vào năm 2020.
• Bảo tồn và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống. Xây dựng các làng nghề mới, làm hạt nhân cho phát triển ngành nghề. Vực dậy những cơ sở sản xuất “cầm chừng” và mở thêm các ngành nghề mới mà tỉnh có thế mạnh về nguyên liệu và triển vọng thị trường.