Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của tổ chức, vì con nguời tham gia vào hai hoạt động cơ bản của tổ chức: vừa là nguồn lực trực tiếp thực hiện các công việc không thể tự động hoá (xử lý sự cố, chăm sóc khách hàng, lái xe, bảo vệ,…), vừa là nguồn lực tri thức có vai trò điều khiển các loại nguồn lực khác (vận hành máy, lập trình, hoạch định công việc,…). Hơn nữa, nhu cầu tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh đòi hỏi tổ chức doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực đủ mạnh để giải quyết các bài toán phức tạp như tìm kiếm các lợi thế cạnh tranh hoặc tăng hiệu quả kinh doanh. Không giống với công cụ hoặc phương pháp, nguồn nhân lực có các đặc điểm riêng như sau:
1. Quan hệ giữa người lao động (“người bán sức lao động”) và người sử dụng lao động (“người mua sức lao động”) là quan hệ hợp tác cho các mục đích chung. Người nhân viên trong tổ chức vừa là khách thể chịu sự phân công công việc của người sử dụng lao động, vừa là chủ thể quyết định mức độ nổ lực cá nhân cho công việc được phân công, do đó, kết quả sử dụng lao động phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ hợp tác giữa hai đối tượng này.
2. Nhân lực là nguồn lực có thể tăng trưởng. Mặc dù sức khỏe của người nhân viên có thể bị giảm sút nhưng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của họ sẽ được tăng dần theo thâm niên, và đây là những yếu tố quan trọng nhất quyết định năng lực cá nhân trong nền kinh tế tri thức hiện nay. 3. Hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa nhu cầu cá nhân và yêu
cầu của tổ chức. Việc thiết lập môi trường lao động hợp lý (bố trí công việc phù hợp với nguyện vọng cá nhân, thực thi các chính sách công bằng, hoặc cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho mỗi cá nhân) là yêu cầu tất yếu làm cho người nhân viên yên tâm phát huy sở trường để phục vụ cho các mục tiêu của tổ chức.
Hệ thống quản lý nguồn nhân lực liên quan đến tất cả các vấn đề thuộc về quyền lợi, trách nhiệm của nhân viên nhằm đạt được hiệu quả cao cho cả tổ chức lẫn nhân viên. Những hoạt động quản lý này rất đa dạng, phong phú và khác biệt nhau tùy theo đặc điểm cơ cấu tổ chức, công nghệ, nhân lực, tài chính và trình độ phát triển ở các tổ chức. Một cách tổng quát, quản lý nguồn nhân lực bao gồm: