Đặc tính của outputs (như số lượng và chất lượng sản phẩm) quyết định giá trị mà hệ thống tạo ra cho môi trường, vì vậy các nhà quản lý cố gắng duy trì các outputs sao cho chúng luôn luôn phù hợp với môi trường. Những yêu cầu từ quy luật khách quan của môi trường và những yêu cầu quản lý trong nội bộ của tổ chức được các nhà quản lý rút kết lại thành các chuẩn (là những gì mà tổ chức cần phải đạt được hoặc vượt trội) để điều khiển tổ chức theo cơ chế hồi tiếp. Vòng hồi tiếp sử dụng tác động hồi tiếp cân bằng để duy trì tính chất của outputs cho phù hợp với các chuẩn đã quy định trước, đuợc minh họa trên hình 2.3. Trên vòng hồi tiếp, số liệu đo của outputs được chuyển đến bộ phận điều khiển để so sánh với chuẩn, và từ kết quả so sánh này, các mệnh lệnh được ban hành để điều chỉnh các hoạt động xử lý để có được outputs hợp chuẩn.
Ta hãy xem ví dụ ứng dụng vòng hồi tiếp của nhà hàng bán thức ăn nhanh Hoosie Burger mô tả trong hình 1.2 chương 1. Văn phòng điều tiết lượng thức ăn bày bán mỗi ngày cho phù hợp với mức nhu cầu tiêu thụ thức ăn của khách hàng để tránh làm dư thừa thức ăn không tiêu thụ hết, bằng cách so sánh mức độ tồn kho thực tế với mức tồn kho chấp nhận được (mức chuẩn). Nếu mức tiêu thụ ít hơn mức làm ra thì mức tồn kho của thức ăn đã làm ra sẽ cao hơn mức chuẩn, khi đó văn phòng sẽ quyết định giảm bớt lượng thức ăn làm ra. Khi nhu cầu tiêu thụ thức ăn nhiều hơn bình thường làm mức tồn kho nguyên liệu giảm dưới mức chuẩn, văn phòng sẽ đặt mua thêm nguyên liệu.