Tại những kinh thành lớn Âu, Mỹ, ngày nào cũng có hàng chục diễn giả đăng đàn nói chuyện về mọi vấn đề. Nếu gặp mùa diễn thuyết thì còn đông hơn nhiều. Diễn thuyết ở nước người thành một nghề có thể nuôi diễn giả một cách phong lưu vì thường khi thính giả phải trả tiền vào cửa. Như René Benjamin sinh tiền sống về nghề đó. Ông đi khắp các tỉnh Pháp, Bỉ, Bắc phi đem tài hùng biện ra lôi cuốn thính giả.
Ở nước nhà, tại Sài Gòn, Hà Nội, may lắm một tháng ta mới được nghe một vài lần.
Người đi nghe diễn thuyết muốn tiêu khiển thì nhiều chứ học thêm thì ít. Điều ấy rất đáng tiếc. Diễn giả bao giờ cũng đem hết tài năng, sở học ra giúp ta hiểu một vấn đề nào đó, tai sao lại đi nghe như nghe một bản Vọng Cổ hoặc một khúc "Hè về"?
Muốn học bằng cách nghe diễn thuyết, ta phải:
- Biết trước vài ngày đầu đề sẽ đem ra bàn rồi suy nghĩ trước về đầu đề ấy. Chẳng hạn diễn giả sẽ nói về bổn phận phụ nữ Việt Nam thời nay thì ta tự hỏi: Ý tưởng của ta về vấn đề ấy ra sao? Nếu ta đăng đàn thì sẽ nói những gì?
Nếu có thì giờ, nên lại thư viện tra cứu cho hiểu thêm vấn đề. Được ý gì mới, tài liệu gì có thể dùng được, ta nên chép lại cho khỏi quên.
- Tới ngày nghe diễn thuyết, ta nên mang theo một cây viết và một tờ giấy. - Vừa nghe vừa ghi một cách tóm tắt vài ý chính của diễn giả (khoa tốc ký này rất có ích).
- Khi về nhà, ta ôn lại ngay lại những ý của diễn giả, chép lại lên giấy, so sánh với ý riêng của ta, rồi sắp vào một tập riêng, giữ làm tài liệu.
Vì không sao ghi hết được ý của diễn giả, nên ta phải kiếm đọc những bài tường thuật nói chuyện ở trên mặt báo. Nếu không báo nào tường thuật lại, mà vấn đề rất quan trọng đối với ta thì ta có thể viết thư xin mượn bản thảo của diễn giả. Ta là người đứng đắn, hiếu học thì không ai nỡ từ chối ta việc đó. Và lại cử chỉ ấy chẳng tỏ rằng ta kính trọng diễn giả ư? Diễn giả nào mà không thích
Đi nghe diễn thuyết như vậy quả là mệt hơn đi nghe cô Bích Thuận ca, nhưng muốn tự học thì phải theo cách ấy.
5. NHẬN XÉT
Nhận xét là cách thường dùng nhất để tự học nên người tự học nào cũng phải tập nhận xét.
Tôi xin chép lại dưới đây một đoạn về cách nhận xét ở cuốn: "Hiệu năng, châm ngôn của nhà doanh nghiệp":
"Biết nhận xét là biết trả lại cặp mắt cái công dụng của nó. Phần đông chúng ta không nhìn bằng mắt mà bằng óc, bằng tim. Bạn cho là vô lý? Xin bạn nghe câu chuyện dưới đây:
Một giáo sư đại học bảo sinh viên chú hết ý vào công việc ông sắp làm rồi làm theo ông. Ông nhúng một ngón tay vào một ly nước rồi đưa lên miệng nếm. Mỗi sinh viên đều làm như vậy, nuốt một chút nước, rất hôi thối mà không một người nào nhăn mặt vì lòng tự ái cũng có mà cũng vì tính ranh mãnh, muốn cho người khác mắc lừa như mình.
Khi nếm hết lượt rồi, giáo sư mới mỉm cười, bảo họ:
- Các cậu không nhận thấy ngón tay tôi đưa lên miệng không phải là ngón tay đã nhúng vào nước.
Vậy những sinh viên ấy đã chú ý nhìn mà không thấy cử động của giáo sư. Họ chỉ nhìn thấy cái mà họ cho rằng giáo sư tất phải làm. Họ đã không nhìn bằng mắt mà bằng óc. Óc họ tưởng tượng ra sao thì họ thấy vậy.
Ai cũng mắc lỗi ấy. Bạn đã dò một bản đánh máy lần nào chưa? Chắc bạn đã nhận thấy nhiều lần bỏ sót những lỗi rất lớn. Vì bạn không trông thấy những chữ đánh trên giấy mà chỉ thấy những chữ đáng phải đánh, nghĩa là óc bạn đã làm việc chứ không phải cặp mắt.
Có bạn nào mà không nhớ những câu ca dao sau này:
Đêm nằm thì ngáy o o.
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà. Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm. Trên đầu những rác cùng rơm, Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.
Có phải anh chồng nào đó đã nịnh vợ hoặc cố ý bào chữa cho vợ không? Nịnh thì không phải, bào chữa thì có lẽ. Nhưng tôi tin rằng chàng thành thực thấy vợ đáng yêu, thấy rơm trên đầu vợ quả làm tăng vẻ đẹp của mớ tóc. Anh chàng đó nhìn bằng trái tim chớ không bằng óc. Chàng yêu, lòng chàng thấy sao thì mắt chàng cũng thấy vậy.
Mà nào chỉ riêng một mình chàng? Hết thảy loài người đều vậy. Chúng ta cứ tự xét thì biết; nên bài ca dao đó với những vần thơ dưới đây của Molière:
La pâle est aux jasmins en blancheur comparable, La noire à faire peur, une brune adorable;
………
mới bất hủ.
Tinh thần chủ quan đó rất tai hại vì nhận xét sai thì kết luận sai, nên muốn học hỏi thì ta phải tập nhìn bằng mắt, chứ đừng bằng óc hoặc tim.
Trước khi nhận xét, phải có một chương trình: xét những điểm nào? điểm nào trước? điểm nào sau? Chẳng hạn muốn nhận xét một cây, phải:
- Xét từng bộ phận của nó từ rễ tới gốc. - Nó mọc ở miền nào, hợp với đất nào? - Mùa nào có bông, mùa nào có trái? - Cách trồng ra sao?
- Ích lợi ra sao?
Lập sẵn chương trình như vậy thì không sợ quên những chi tiết nhiều khi quan trọng.
Trong khi nhận xét phải so sánh (như cây sao với cây dầu giống nhau chỗ nào, khác nhau chỗ nào?), phân tích (như xét một bong phải xét: đài, cành, nhụy, sắc hương).
Chịu tập nhận xét, nghĩa là tập chú ý vào những cái ta trông thấy thì tài nhận xét dễ tăng ngay. Người ta kể chuyện một đứa trẻ Ấn Độ, 12-13 tuổi nhận xét rất giỏi: chỉ cho nó ngó qua một đĩa đựng ngọc trong vài giây mà nó nhớ được hết 16-17 viên trong đó: viên này là thứ ngọc gì, màu gì, lớn bao nhiêu, viên nọ khác viên này ra sao, quý hay không. Có tì vết hay không?...
Những nhà trinh thám chỉ đi qua một căn phòng mà nhớ hết những đồ đạc cùng cách bài trí trong phòng. Không phải trời cho họ tài nhận xét đâu, họ nhờ tập mà được vậy.
Mỗi ngày ta nên tập nhận xét vài lần. Như hôm nay khi đi làm, bạn nên để ý nhận xét vài căn phố trên đường tới hang, hoặc một vài người ngồi đối diện bạn trong xe ô tô buýt… Không khó nhọc gì cả, cũng không tốn thì giờ mà chỉ trong vài ba tháng đã thấy nhiều kết quả.