Vạch một giới hạn cho vấn đề và lập một bố cục tạm.

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 134 - 135)

- Những cuốn văn tuyển của các tác giả hiện đại.

b) Vạch một giới hạn cho vấn đề và lập một bố cục tạm.

Bạn lựa một đầu đề nào mà bạn thích nhất để nghiên cứu rồi viết. Phải có thích thì mới hăng hái tìm tòi.

Bạn đọc ít nhiều sách để biết qua loa về vấn đề, và suy nghĩ kỹ để vạch một giới hạn nào đó, lập một bố cục tạm cho cuốn sách.

Công việc vạch giới hạn đó rất quan trọng; thiếu nó bạn sẽ như người không mục đích, đi lông bông, sẽ lạc đường trong khi nghiên cứu.

Chẳng hạn viết về nền giáo dục mới, bạn vạch giới hạn như dưới đây:

Bạn mới thấy đầu, cần biết những điều phổ thông về các phương pháp giáo dục mới, chứ chưa cần đi sâu vào vấn đề. Khi đã biết đại cương rồi, sẽ khảo cứu thêm. Vậy lúc này, hãy nên thu thập những chỗ đại đồng trong các phương pháp mới, còn những chỗ tiểu dị chưa cần phân tích vội.

Muốn hiểu những phương pháp mới đó phải so sánh nó với phương pháp cũ, tức phương pháp đương áp dụng trong các trường của chính phủ.

Vạch xong giới hạn như thế, tự nhiên bạn tìm ngay ra được bố cục tạm này: 1- Mục đích của giáo dục.

2- Phương pháp giáo dục cũ có những khuyết điểm nào? 3- Các phương pháp giáo dục mới theo những qui tắc nào?

Sau này trong khi tìm tài liệu, ta có thể thay đổi bố cục tam đó được. Hiện lúc này phải có nó để nó hướng dẫn công việc nghiên cứu của ta.

c) Tìm ý

Công việc thứ nhì là tìm ý.

Hồi đi học, mỗi khi làm bài luận, ta khổ tâm lắm, phải vò đầu, bóp trán để kiếm ý mà không ra; cắn bút hàng giờ mà trang giấy trắng vẫn hoàn trắng. Óc ta sao như đặc lại.

Ta áp dụng lời khuyên của giáo sư, tự hỏi những câu: Tại sao? Cách nào? Ở đâu?... mà cũng vô hiệu.

Còn một cách khác, rất công hiệu, là đọc sách.

Mỗi khi ý không hiện, thì đọc sách, tìm tài liệu. Ý của tác giả sẽ gợi những ý của ta. Chúng đợi chờ nhau. Chưa đọc sách, ý của ta trốn đâu mất hết; bắt đầu đọc gặp ý của tác giả nó mới ló ra. Bạn có nhận thấy vậy không? Ý hấp dẫn nhau, biết gọi nhau. Cho nên có người đã nói. Đọc sách là hai người sáng tác chung.

Người viết tất nhiên là sáng tác rồi, mà người đọc cũng sáng tác. Ý của tác giả làm cho ta nẩy ra một ý khác, thế là sáng tác. Một câu văn viết hai thế kỷ trước, ta hiểu nó theo quan niệm của người đồng thời với tác giả, lại hiểu theo quan niệm ngày nay của chúng ta, thế cũng là sáng tác.

Và một khi ý trong sách đã lôi ý ở trong đầu ta ra thì thực là thao thao bất tuyệt, bạn ghi ý của bạn lại không kịp, giữ nó lại không nổi. Tôi viết được ít cuốn. Một cuốn mà mới đầu tôi định viết độ 150 trang thì thế nào cũng dài được non 300 trang; sau tôi rút bớt đi còn độ 200 trang. Lần nào cũng vậy.

Các nhà bác học đều phải nhận đọc sách mới tìm được ý. Gommaire Dykmans, một nhà kinh tế học, trong cuốn Initiation pratique au métier d’écrire viết: “Nếu các bạn bỏ giai đoạn chung cho mọi người và không ai tránh được là tìm tài liệu, thì vấn đề nào đối với bạn cũng là lớn quá”.

Ngay các tiểu thuyết gia như Gustave Flaubert cũng phải đọc sách rồi mới tưởng tượng đươc. Trước khi viết cuốn L’Education sentimentale ông lại thư viện đọc những sách về cuộc cách mạng Pháp, rồi viết thư hỏi han bạn bè về phong trào Tân Cơ Đốc vào năm 1840, về đời sống thợ thuyền Lyon thời đó.

Trong một bức thư gửi cho Louis Bouillet, ông viết: “ Anh biết sáu tuần nay tôi đã đọc và ghi chú bao nhiêu cuốn sách không? Hai mươi bảy cuốn, bạn ơi”

Một lần khác, viết thư cho Ernest Feydau ông cũng nói đã đọc hết sách này đến sách khác ròng rã 6 tuần lễ để có ý mà viết.

Vậy xin bạn đừng lo không biết viết những gì. Cứ học đi, tra cứu đi rồi sẽ tìm được nhiều ý.

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 134 - 135)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w