Đọc thơ bằng tim chứ đừng đọc bằng óc

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 83 - 85)

Những người giỏi toán thường ít thích thơ vì họ xét thơ bằng óc, dùng phép lý luận để phân tích thơ và như vậy không sao hiểu được thơ. Về môn toán, hai với hai là bốn. Trong thơ thì hai với hai có khi lại là năm, là sáu. Thơ không cần chứng minh rằng a cộng với b thành c. Thơ chỉ cần cảm lòng người, cho nên bố cục không quan trọng bằng trong văn xuôi. Đã đành một bài thơ mà phá, thừa, thực, luận, kết đúng phép thì là khéo rồi đấy, song cũng có những bài ý tưởng như rời rạc mà vẫn làm ta say mê như bài Xuân Giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư (1).Có người giảng bài thơ đó mà cố nhân tích ra từng đoạn, từng ý. Tôi tưởng như vây vô ích. Sao không để cho tâm hồn cảm cái đẹp của trăng, nước, tả trong những vần thơ lóng lánh, du dương ấy? Có những bài càng phân tích càng mất hay:

Ai đi phân tích mùi hương Hay bản cầm ca….(2)

Những thi sĩ dùng thể thơ buông, bảo “thi ca không cần hợp lý, rành mạch như trong toán học, vì sự hợp lý ấy chỉ làm tan mất nguồn thơ đang dào dạt trong lòng” . Họ không phải là hoàn toàn vô lý.

---

(1) Coi bài dịch rút khéo của Trần Trọng Kim trong cuốn Đường Thi (Tân Việt). (2) Xuân Diệu

---

8. ĐỌC BÁO

Adrien Bérard, giám đốc tờ Le temps nói: “Một tờ báo viết và in để đọc và quên đi trong 24 giờ”.

Họ đã muốn cho mình quên đi trong 24 giờ thì mình cần đọc kỹ làm gì? Vả lại thì giờ đâu kia chứ? Một tờ báo hàng ngày của ta bằng 30-40 trang giấy khổ tiểu thuyết, một tờ báo của Mỹ thì bằng 200-300 trang, nếu đọc kỹ thì không còn làm được công việc gì khác.

Vì vậy ta phải đọc một cách chớp nhoáng, đọc mỗi hàng vài chữ, mỗi đoạn đọc vài hàng thôi, cho đủ đoán được đại ý trong bài. Người Pháp gọi cách đọc đó là đọc xéo (lire en diagonale). Nếu tập quen thì chỉ đưa mắt trong một phút là đọc được một trang giấy: có khi một giờ đọc được 100 trang. Nhưng cách đó mau mệt và một hai ngày sau không còn nhớ gì cả. Vả lại những bài nghị luận, sưu tầm mà đọc nhanh như vậy thì làm sao hiểu được?

Arnold Bennett, trong cuốn How to live on 24 hours a day chỉ một cách đọc khác. Ông bảo mỗi ngày chỉ nên bỏ ra 20 phút để đọc báo thôi. Trước hết đưa mắt coi qua các “tít” rồi lựa chọn những tin tức nào quan trọng mà đọc hơi kỹ, còn bao nhiêu, bỏ hết.

Nhiều ông bạn tôi ước ao có một tờ nhật báo thông tin nào in 2 trang thôi, không đăng tiểu thuyết cùng những tin ghen tuông, đánh lộn… và mỗi bài phải vắn tắt, câu nào quan trọng thì in chữ lớn. Một báo như vậy dù bán bằng tiền số báo 4 trang hay 6 trang là còn rẻ vì làm cho độc giả đỡ tốn thì giờ quí báu của họ.

Khi đọc một báo ngoại quốc, phải biết nó thuộc cơ quan nào, nhóm nào vì chỉ trừ những tạp chí về kỹ thuật, còn tờ báo nào cũng nhắm mục đích bênh vực quyền lợi của đảng hơn là thông tin một cách vô tư. Tin tức thường bị thêm bớt để biện hộ cho chủ nghĩa của người ta. Vả lại nhà báo dù muốn kiểm soát tin tức xem có đúng không, cũng không được, vì không có thì giờ. Chỉ để trễ lại vài giờ là tin hết nóng hổi, tờ báo mất tiếng, mất độc giả. Cho nên báo nào cũng nhiều khi đưa ra những “tin vịt”.

Tuy nhiên một số ít những bài phóng sự, khảo cứu đăng trên báo có thể dùng làm tài liệu và giúp ta đọc hiểu thêm được.

Chương VIII

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w