- Hán văn tân giáo khoa thư của Lê Thước soạn cho ban tiểu học hồi trước Toàn bộ năm cuốn từ lớp chót lên tới lớp nhất.
d) Giai đoạn cuối cùng, tức giai đoạn đọc cổ văn.
Trong giai đoạn này bạn đọc bản dịch:
- Mạnh Tử (Nguyễn Hữu Tiến dịch).
- Đại Học (Tản Đà dịch).
- Luận Ngữ (tôi quên dịch giả).
- Trung Dung (Phan Khoang dịch).
- Kinh Thi (Ngô Tất Tố dịch).
- Đường Thi của Ngô Tất Tố. Mỗi bài thơ trong cuốn này có giảng nghĩa, chú thích kỹ và dịch gần sát nguyên văn.
- Đường Thi của Trần Trọng Kim.
- Đại cương văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê
- Cổ Văn Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê.
Muốn theo hết chương trình đó – cả 4 giai đoạn – bạn phải tốn công trong 2-3 năm. Công đó không phí đâu. Bạn sẽ biết Việt văn một cách tinh xác hơn, hiểu thiêm văn hóa cổ của nước nhà, một phần văn học Trung Quốc và đọc được từ những bộ sử ký, cổ văn đến sách báo đương thời.
Nhưng muốn cho thông tiếng Hán thì bạn còn phải học thêm nhiều nữa, phải nhớ điển, thuộc cổ văn và học lối chữ thảo vì chữ thảo khác vơid chữ chân phương cũng gần như chữ Moóc (Morse) khác chữ cái La tinh vậy.
Thực là “tử công phu”, nên một số vị cố đạo người Âu qua truyền giáo ở Trung Quốc đã phải than : “Không có cách nào học Hoa ngữ mà không phải rớt nước mắt”. Những vị cố đạo thường thông minh, hiếu học và kiên tâm còn nhận Hán tự là khó học như vậy thay!
Song, một khi ta đã biết áp dụng qui tắc thứ hai của Descartes: chia sự khó khăn ra làm nhiều phần tử để giải quyết từng phần một, khi ta đã biết chia con đường ra từng chặng một, thì đường dài mấy mà chẳng đi tới đích? Nếu ta cứ ngại con đường từ Cà Mau ra Lạng Sơn dài trên 2000 cây số, phải qua đèo, qua suối thì không khi nào ta khởi hành cả. Trái lại nếu ta chia con đường làm 60-70 chặng, chặng thứ nhất từ Cà Mau tới Bạc Liêu, chặng thứ nhì từ Bạc Liêu tới Phú Lộc, chặng thứ ba từ Phú Lộc tới Sóc Trăng… thì chỉ 2 tháng trời là ta tới cửa ải Nam Quan. Hai tuần trăng có lâu gì đâu?
Những bạn nào muốn học chữ Nho mà còn do dự hãy mạnh bạo tiến đi! Dù bạn chẳng tới nơi tới chốn thì ít nhất cũng thuộc được ít ngàn chữ thông thường. Một người Việt Nam có học thức không thể thiếu cái gốc chữ Hán ấy được.