GIẢ THUYẾT VÀ THÀNH KIẾN

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 62 - 63)

Trong lúc học hỏi, có khi ta phải lập một giả thuyết để thí nghiệm.

Lập giả thuyết là tạm cho rằng sự kiện này là do một nguyên nhân nọ mà ra rồi thí nghiệm, kiểm soát xem giả thuyết ấy đúng không. Lúc thí nghiệm phải nhận xét một cách hoàn toàn khách quan, đừng bao giờ tin trước rằng giả thuyết đó phải đúng, nghĩa là đừng có thành kiến. Nếu có thành kiến thì nhận xét sẽ sai. Chẳng hạn bạn thấy cháu ở nhà học thụt lùi. Có thể do sức cháu yếu (bộ tiêu hóa kém, hô hấp khó khăn, thiếu máu…), có thể do bài học khó quá, cháu theo không nổi, mà cũng có cháu do bị chúng bạn rủ rê, ham chơi, lười học… Bạn lập một giả thuyết, tạm cho nguyên nhân đầu tiên là đúng rồi thí nghiệm, đưa cháu lại bác sĩ trị bệnh. Từ khi cháu hết bệnh, bạn nhận xét xem sự học của cháu có tiến không. Nhưng bạn phải nhận xét một cách khách quan, không được tin chắc chắn rằng nguyên nhân đó phải đúng. Nếu tin chắc như vậy thì mới thấy sự học của cháu trong vòng một tuần có vẻ khả quan, bạn không nhận xét thêm nữa và như vậy có thể lầm. Biết đâu sự tấn tới trong tuần đó chẳng do cháu may mắn gặp những bài dễ hoặc gặp lúc thầy giáo vui vẻ nên được điểm lớn? Ngay khi cháu còn đau, thỉnh thoảng cháu cũng được một vài tuần khá như vậy mà bạn không để ý tới. Như thế là bạn có thành kiến, để thành kiến chỉ huy bạn, làm mê hoặc bạn trong lúc nhận xét, nên bạn không thấy được sự thực.

Nếu có thể được, đã thí nghiệm rồi lại nên phản thí nghiệm cho chắc chắn.

Ông Claude Bernard, người sáng lập ra khoa y học thực nghiệm ngày nay, đã chỉ cho ta cách phản thí nghiệm trong cuốn “Y học thực nghiệm nhập môn” (Introduction à l’étude de la médecine expérimentale).

Ông kể chuyện một lần thấy những con thỏ mua ở chợ về nước tiểu trong và có chất toan (acide). Ông ngạc nhiên lắm vì chỉ những loài ăn thịt mới có nước tiểu ấy, còn loài ăn rau cỏ thì nước tiểu đục và có chất kiềm (alcalin).

Ông nảy ra ý nầy: những con thỏ đó chắc đã phải nhịn đói lâu, sống bằng huyết, mỡ của nó, nên có thứ nước tiểu của loài ăn thịt ấy. Đó là giả thuyết của ông. Ông bèn thí nghiệm.

Ông cho chúng ăn cỏ: vài giờ sau nước tiểu chúng hóa đục và có chất kiềm. Rồi ông lại bắt chúng nhịn 24 hoặc 36 giờ, nước tiểu của chúng lại hóa ra trong và có chất toan. Rồi ông lại cho ăn cỏ, nước tiểu lại hóa đục và có chất kiềm.

Ông kết luận rằng hết thảy những con vật nào phải nhịn đói đều sống bằng chất mỡ, máu của chúng.

Nhưng ông chưa tin hẳn. Ông còn phản thí nghiệm, cho một số thỏ ăn toàn thịt bò hầm để nguội. Chúng tiêu hóa được món ấy và nước tiểu của chúng quả nhiên tron và có chất toan.

Để tập suy nghĩ, bạn nên coi thêm cuốn Tinh thần khoa học của Nguyễn Văn Tài (nhà xuất bản Tân Việt), những cuốn: Óc sáng suốt, Thuật tư tưởng của Nguyễn Duy Cần và chương “Phương pháp khoa học” trong cuốn Tổ chức công việc theo khoa học và cuốn Luyện lý trí của tôi.

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 62 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w