- Hán văn tân giáo khoa thư của Lê Thước soạn cho ban tiểu học hồi trước Toàn bộ năm cuốn từ lớp chót lên tới lớp nhất.
1. CHỦ Ý CHÚNG TÔI TRONG CHƯƠNG NẦY VÀ CHƯƠNG SAU
2. Sách tổng quát
a. Thư tịch ký lục.
b. Tự điển. Bách khoa tự điển.
3. Sách để tu luyện.
1. CHỦ Ý CHÚNG TÔI TRONG CHƯƠNG NẦY VÀ CHƯƠNG SAU
Tôi đã do dự rất lâu khi viết chương này và chương sau.
Chỉ một phương pháp tự học cho các bạn trẻ mới ở trường ra mà không giới thiệu những cuốn nên đọc về mỗi ngành trí thức thì là thiếu sót.
Giới thiệu thì tất phải kể rất nhiều tác phẩm viết bằng ngoại ngữ vì như bạn đã biết, sách Việt thiếu rất nhiều. Ngay như muốn hiểu về địa lý, sử ký nước mình cũng phải đọc thêm sách Pháp và Hoa, nói chi tới Khoa học, Triết học, Kinh tế học, và cả chục ngành khác nữa.
Như vậy chắc có bạn trách tôi là chỉ viết sách cho một số người biết ngoại ngữ đọc. Tôi xin nhận lời trách ấy. Trong tình thế hiện tại chúng ta muốn tự học tới một trình độ kha khá, thì phải học nhờ nước ngoài. Trông một bảng kê tên sách nên đọc mà 10 cuốn, không có lấy một cuốn bằng Việt ngữ, ai mà không buồn? Âu đó cũng là một dịp nhắc ta nhớ lại bổn phận phải làm sao cho Việt ngữ mau
được dùng trong các ban Đại học và phải soạn rất nhiều sách về mọi ngành tri thức cho đồng bào đọc.
Vậy trong chương này và chương sau tôi sẽ kể tên những sách ngoại quốc. Tất nhiên không sao kể hết những cuốn nên đọc vì ít gì cũng có cả vạn cuốn. Bạn thử tưởng tượng: mỗi năm gần đây mỗi tháng nước Pháp xuất bản phỏng 1000 cuốn, từ đầu thế kỷ tới nay biết bao sách, còn những thế kỷ trước, còn những nước khác nữa! Cho nên tôi sẽ giới thiệu rất ít, đủ để hướng dẫn bạn trong bước đầu.
Nếu bạn muốn nghiên cứu thêm xin tìm trong những cuốn;
Ce qu’il faut lire dans sa vie của Henri Mazel
Comment choisir nos lectures của H. de Brandis
L’ art de former une bibliothèque của E. Henriot
Voulez-vous étudier seul? của Max Fauconnier
Quels livres faut-il avoir lus? của A-Souché
La Bibliothèque de l’Honnête homme của M.P. Wigny
Ba cuốn trên rất khó kiếm, 3 cuốn dưới thì các nhà sách lớn ở Pháp đều có bán. Cuốn của Max Fauconnier nên đọc trước, cuốn của A-Souché có tính cách chuyên về văn chương: tiểu thuyết, kịch, ký sự…, cuốn cuối cùng đầy đủ nhất và giá tiền hơi cao.
Bạn không cần phải đọc hết những cuốn giới thiệu trong chương này và chương sau vì có những môn mà ta không thích. Môn nào ta thích thì ta có thể đọc thêm nhiều sách khác kê trong cuốn La Bibliothèque de l’Honnête homme. Tôi xin thú thực rằng có nhiều cuốn tôi chưa đọc, sở dĩ giới thiệu với bạn là vì tin những lời phê bình của nhiều học giả đứng đắn.
Tôi rán lựa những sách xuất bản gần đây nhất, song thế nào cũng có nhiều cuốn bạn kiếm không ra vì sách không được tái bản mà những thư viện lớn nhất của ta còn thiếu nhiều sách lắm. Biển học mênh mông, chúng ta tiến được tới đâu hay tới đó.
Nếu chương này và chương sau tránh cho bạn phải đọc nhiều sách dở và giúp bạn đỡ được vài giờ tìm kiếm sách hay thì tôi cũng thấy làm mãn nguyện rồi. Trong chương này tôi sẽ chỉ:
- những sách loại tổng quát - những sách để tu luyện.
Còn những sách để mở mang trí tuệ thì tôi dành lại chương sau.
Tôi sẽ không kể tên những sách về các ngành chuyên môn như: luật học, y học, công chánh, canh nông… Bạn đã chuyên về ngành nào tất kiếm được những sách về ngành ấy. Tuy nhiên tôi cũng giới thiệu với bạn cuốn: Bibliographie de livers
francai technilogie et d’industrie do nghiệp đoàn các nhà xuất bản Pháp in và cho phát hành sách.