- Những cuốn văn tuyển của các tác giả hiện đại.
d) Tra cứu, kiếm tài liệu ở đâu?
Tại Âu Mỹ có những Sở tài liệu (Services de documentation) chuyên thu thập, phân tích giữ gìn tài liệu và sẵn sàng chỉ cho bạn, hướng dẫn công việc tìm tòi của bạn.
Ở nước mình, bạn phải kiếm tài liệu lấy trong:
- Các tự điển, niên giám, tờ điều trần, mục lục sách,
- Các thư tịch ký lục của ngoại quốc (vì nước mình chưa có loại đó).
- Các sách ở thư viện công cộng hoặc của bạn bè. Khi lựa sách, bạn nên để ý đến tên tuổi của tác giả, đến danh tiếng của nhà xuất bản như ở một chương trên tôi đã nói. Lại cũng nên phân biệt một cuốn sách in thêm (nouveau tirage) với một cuốn in lại (nouvelle édition). In thêm thì dùng khuôn cũ, không phải sắp chữ lại; in lại thì phải sắp chữ lại cho một khuôn mới. Do đó bản in thêm không khác gì bản in lần đầu; còn bản in lại có thể khác xa, từ hình thức đến nội dung. Khác về hình thức vì nhà in có thể dùng lối chữ khác, khổ giấy khác, cách
trình bày khác. Khác về nội dung vì tác giả có thể sửa chữa câu văn, thêm bớt nhiều đoạn trước khi sắp chữ. Một bản in lại thường có giá trị hơn một bản in thêm. Nhất là các sách về khoa học thì phải kiếm cho được bản in lại lần cuối cùng (dernière édition) thì mới có đủ tài liệu mới. Như đọc bản in lần thứ nhất (hồi tiền chiến) cuốn Bịnh ho lao của bác sĩ Lê Văn Ngôn, bạn không được biết những phương thuốc tối tân để trị bệnh ấy mà bác sĩ đã kê thêm trong bản in lại lần thứ tư.
- Các tạp chí phổ thông hoặc chuyên môn. Tài liệu trong những tạp chí sau tất nhiên có giá trị hơn tài liệu trong những tạp chí trên.
- Các nhật báo. Muốn dùng tin tức trong nhật báo làm tài liệu thì phải so sánh nhiều tờ mà chính kiến, chủ trương khác nhau hầu khỏi bị lầm, vì các nhà báo thường sửa đổi, cắt bớt có khi bịa thêm tin tức để bắt nó bênh vực cho quyền lợi đảng của họ.
- Sau cùng còn những mộ chí, thư từ của tư nhân, công văn của chính phủ, mục lục các sách, chương trình các cuộc hội họp, di tích của tiền nhân…