a) Đọc thơ hay ngâm thơ?
Các cụ hồi xưa ưa ngâm nga, gặp đoạn văn nào cũng bình lên lớn tiếng. Sáng dậy uống một chén trà rồi ngâm một bài thơ, đó là phép dưỡng sinh của cổ nhân, cũng như bây giò ta nhảy khỏi giường, uống một ly nước lạnh rồi thâm hô hấp vậy.
Chúng ta khác các cụ, thường đọc thầm. Các cụ có lý mà chúng ta cũng có lý. Văn thơ hồi xưa đều theo luật bằng trắc; bài nào ngâm không được thì không phải là văn, nên muốn xét văn thì phải bình. Bình là một lối đọc chầm chậm, xuống trầm và ngân dài để vừa thưởng thức nhạc điệu vừa có thì giờ suy nghĩ về ý trong câu.
Chúng ta bây giờ không trọng luật bằng trắc bằng hồi xưa, nên không cần bình mà đọc thầm để dễ chú ý đến tư tưởng của tác giả.
Tuy nhiên tôi tưởng khi đọc những đoạn du dương và hùng hồn, nhất là khi đọc thơ, thì nên đọc lớn tiếng hoặc ngâm nga để thưởng thức hết cái hay của nhạc trong văn.
Một anh bạn bảo tôi ngâm thơ có cái hại là một bài thơ dở, khéo ngâm cũng thành hay; do đó ta khó xét được thơ.
Lời đó sai. Đọc thơ sao lại lẫn lộn ý với nhạc như vậy được? Nhạc du dương tới mấy mà ý sáo, rỗng thì ta vẫn thấy là hạ phẩm đấy chứ? Còn bảo một bài thơ thiếu nhạc mà ngâm lên vẫn êm đềm thì tôi không tin. Một câu thơ mắc lỗi khổ độc chẳng hạn, đố bạn ngâm lên làm sao cho như rót vào tai được.
Chẳng hạn câu này:
Mặc tình thương ghét đem trồng xới, Sự sống buộc lòng phải lấn chen.
(Cang Trực)
Bạn ngâm lên, có thấy gì không? Có thấy tiếng buộc hơi như nghẹn lại không? Lỗi chính ở tiếng đó. Nó đáng phải bằng mà là trắc, nên khó đọc.
Rồi tới 2 câu này của Đoàn Thị Điểm:
Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi, Gieo bói tiền tin dở còn ngờ.
thì khỏi cần phân tích gì cả, cứ ngâm lên cũng thấy câu trên du dương hơn câu dưới. Câu dưới mắc lỗi tiếng thứ 3 và thứ 7 đều bình trầm (1).
Ngâm chẳng những giúp ta dễ biết được lỗi trong nhạc mà còn làm nổi bật chỗ khéo trong nhạc.
Gặp những bài như bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. Cô Tô thành ngoại Hàn san tự.
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
nếu không ngâm thì làm sao thưởng được hết cái âm điệu tuyệt diệu của nó? J.Leiba đã mượn từ ý đến nhạc điệu của bài ấy để viết bốn câu sau này:
Thuyền dạo hồ Đông muôn dặm chơi. Quạ kêu, trăng lặn nước mờ khơi. Hàn san vẳng tiếng chuông chùa sớm, Cây bến, đèn ngư não mộng người.
Vậy tôi chủ trương thơ, nhất là thơ Hoa và Việt, không phải để đọc mà để ngâm. Gặp một bài thơ, bao giờ tôi cũng ngâm nó lên một hai lần xem nó có gây cho tôi
cảm tưởng gì không rồi mới phân tích ý trong đó. Tôi tìm hiểu nó bằng tai, bằng tim trước rôi bằng óc sau.
Mỗi người có một cách ngâm và mỗi bài thơ cũng có một lối ngâm thích hợp với nó. Lối ngâm bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư tất khác lối ngâm bài Người Mọi già của Tố Hữu. Giọng ngâm bài trên phải trầm trầm, ngân dài ở những tiếng
thu, phu, phụ, khô; giọng ngâm bài dưới phải như nghẹn ngào, để tả nỗi uất hận,nỗi phẫn nộ của một kẻ bị cùm xích (2).
---
(1) Xin coi thêm chương Nhạc trong văn trong cuốn Luyện văn của tác giả.
(2) Sợ nhiều độc giả không có sẵn hai bài đó, nên tôi chép lại dưới đây để các bạn tiện so sánh.
Tiếng thu
Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức? Em không nghe rạo rực, Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người cô phụ? Em không nghe rừng thu Lá thu kêu xào xạc, Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô?
(Những áng thơ hay)
Người Mọi già
Tôi bỗng thấy lòa lên trong bóng tối Lửa thù anh với ánh sáng chiều đông, Đôi vành môi thành một lưỡi dao cong, Anh mím chặt đôi hàm răng lẩm bẩm: - Đau cái bụng! Úi chui cha, tức lắm! Và hồi lâu, bên ngưỡng cửa song tù, Tôi còn nghe tiếng nói của Châu Ro: - Đau cái bụng! Úi chui cha, tức lắm!
---
Thơ luật chỉ có một vài lối ngâm vì hầu hết nhạc bài nào cũng như nhau, cũng theo một luật bằng trắc nhất định. Đó là một sở đoản của thơ luật, nó làm cho ta lâu ngày hóa chán và phải tìm những nhạc điệu mới.
Tuy cùng một lối ngâm nhưng cũng phải thay đổi giọng cho hợp với ý trong bài: lúc nhấn vào tiếng này, lúc nhấn vào tiếng khác, lúc trầm lúc bổng.
Chẳng hạn hai câu:
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương.
Thì câu trên như thường, câu dưới nhấn vào 2 tiếng cau mặt. Trong 2 câu:
Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu đình hoa.
của Đỗ Mục, những tiếng phải nhấn là “vong quốc hận”, “do xướng”.
Ngâm những loại thơ khác như lục bát, song thất lục bát cũng vậy. Phải làm cho nổi bật ý chua xót trong câu:
Chữ trinh còn có chút này, Chẳng cầm cho vững lại vầy cho tan.
(Nguyễn Du) Ý ảo não trong câu:
Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
(Nguyễn Gia Thiều) Ý uất hận trong câu:
Chém chacái số hoa đào! Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!
Có nhiều cách hiểu một bài thơ thì cũng có nhiều cách ngâm, và cách hiểu đúng nhất là cách của tác giả nên theo lẽ, người ngâm phải chính là tác giả. Nhưng thi sĩ nhiều người có tài mà kém giọng, phải nhờ người khác ngâm hộ. Hồi xưa các cụ nhờ ả đào và gặp ả nào đủ thanh lẫn sắc, lại thông minh, hiểu nổi thơ, hiểu đúng ý của các cụ thì thật là trần gian không còn gì thú hơn; nhất là khi ả đó lại họa được thơ thì quả thật là nhà thơ như mọc cánh mà lên tiên. Một tri âm trong phái đẹp, đủ tài lẫn sắc, bạn thử tưởng tượng! Các cụ mê các cô Hồng, cô Tuyết cũng phải.
Chúng ta không hiểu hết thâm ý của thi nhân thì cũng cứ ngâm càn đi. Ai mà chẳng là thi sĩ? Đúng vậy, thưa bạn. Tôi cũng như bạn, không làm thơ, nhưng chúng ta đều là bạn của Tố Hữu, của Yên Đổ, của Xuân Diệu, của Thế Lữ vì lòng ta cũng một đôi khi “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (1) và luôn luôn “ham vẻ Đẹp có muôn hình muôn thể” (2). Vậy thì ta cứ để tâm hồn thi sĩ của ta lồng trong tâm hồn thi sĩ của tác giả, biết đâu chẳng giúp được câu thơ thêm ý nghĩa, thêm màu sắc, thêm linh động?
Người ta bảo “Đọc sách là hai người sáng tác chung”. Đọc sách thì có lẽ chưa đúng hẳn. Đọc thơ mới thật đúng. Tìm hiểu một bài thơ cũng là sáng tác đấy. ---
(1)Xuân Diệu (2)Thế Lữ
---