ĐỌC SÁCH LÀ MỘT NGHỆ THUẬT

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 48 - 51)

2. Lựa sách

3. Nên đọc nhiều hay ít?4. Nên đọc nhanh hay chậm? 4. Nên đọc nhanh hay chậm? 5. Nên nằm khi đọc sách không? 6. Đọc sách với cay viết trong tay 7. Vài qui tắc nên theo

8. Đọc lại

1. ĐỌC SÁCH LÀ MỘT NGHỆ THUẬT

“Khi đứa trẻ bước chân vào đời, nhà trường đã tặng cho nó một vật quí nhất là tập cho nó thấy cái thú đọc sách”.

Vật đó quí thật! Cả cái kho vàng của Ali-baba trong chuyện Ả-Rập cũng không bằng. Ở cái thời có một kho vàng thì mua gì cũng được, từ danh vọng – tất nhiên là hão huyền – tới các nàng tiên, nhưng ở cái thời này và nhất là ở cái thời này, kho vàng chỉ làm cho người ta thêm lo, ai cũng có thể cướp nó được; trái lại cái thú đọc sách thí tôi đố ai giật được nó đấy.

Tiếc thay! Bảo vật ấy nhà trường lại ít tặng cho học sinh. Người ta nhồi sọ quá, bắt họ nhai đi nhai lại những cái họ không hiểu, như 8 tuổi đã phải học thuyết phân quyền của Montesquieu, học tên những con vật chỉ có bên Âu, bên Mỹ, nên thanh niên ở trường ra thì may lắm được một người ham đọc sách.

Còn phương pháp đọc sách thì tuyệt nhiên không thấy dạy. Mà đọc sách là cả một nghệ thuật.

Tôi không bảo như Goethe rằng bỏ 80 năm để tập cách đọc sách mà vẫn chưa được, song tôi nhận ra rằng muốn đọc cho tốn ít thời giờ mà có lợi nhiều thì cũng cần biết ít nhiều qui tắc.

2. LỰA SÁCH

Trước hết phải biết lựa sách. Việc ấy không phải dễ mà khi lựa lầm thì có thể sinh ra chán đọc sách, vì đọc một cuốn sách dở vừa mất thì giờ vừa uổng tiền. Tiền của người tự học có đâu được dồi dào để mà phung phí?

Một anh bạn tôi có lần phàn nàn không dám mua sách Việt nữa. Vì 10 cuốn thì phải liệng đi đến 7-8. Đọc tên sách và lời quảng cáo của nhà xuất bản thì mê liền, mua về rồi mới biết mình dại.

Phải là người đọc hiểu lắm, biết gần hết các tác giả và nhà xuất bản trong nước thì mới lựa mau và chắc chắn, nhưng muốn đạt tới trình độ đó, phải đem bồn bộn tiền đi đổ sông Ngô rồi. Vả lại, còn những sách ngoại quốc mà ta không được trông thấy, chỉ được đọc nhan đề thôi thì không có cách nào mà lựa không lầm lỡ, nên người tự học phải nhận sự thực dưới đây cho khỏi thất vọng: ở thời này, tìm được sách có giá trị cũng gần tốn công như đãi cát tìm vàng vậy.

Bạn trẻ nào chưa tin ở sự xét đoán của mình, đọc vài ba đoạn mà chưa định giá được một cuốn sách thì nên nhờ người khác lựa dùm cho.

Có thể nhờ các nhà phê bình, nghĩa là đọc bài của họ.

Tuy nhiên không phải nhà phê bình nào cũng đáng cho ta tin. Họ thường thiên vị, nhất là khi có một cá nhân trong 1 đảng phái, 1 nhóm nào. Có người chỉ chê mà không khen, có kẻ lại cố tâm làm ngược thiên hạ, để người ta chú ý tới mình. Có khi cùng một tác giả đó, mấy năm trước họ đưa lên mây xanh rồi bây giờ họ lại dìm xuống đất bùn.

Vì vậy ta nên để họ hướng dẫn thôi, chứ không nên tin hẳn họ.

Theo tôi, nếu bạn muốn lựa tiểu thuyết Việt xuất bản trước năm 1940 thì nên coi trong bộ “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan. Trong số những nhà phê bình gần đây, ông là người vừa có học rộng, vừa có nhiều lương tri và công tâm.

Chắc các bạn nhớ cuốn tiểu thuyết “Les Mystères de Paris” của Eugène Sue hồi mới xuất bản bán chạy hơn bộ “Les Misérables” của Victor Hugo rất nhiều mà văn của Eugène Sue vụng về, cẩu thả lắm. Ở nước ta, ai không hay rằng tiểu thuyết của Lê Văn Trương trước chiến tranh được độc giả rất hoan nghênh? Trong những năm 1936 – 1940, tiểu thuyết của văn sĩ Bắc bán chạy nhất ở Nam Việt là tiểu thuyết của ông. Hồi ấy tôi đã hỏi nhiều thầy ký ở lục tỉnh, ai cũng nhận Lê Văn Trương là nhà văn có tài nhất. Sự thật, ngoài Lê Văn Trương, họ không biết có tiểu thuyết gia nào khác nữa. Mà văn của ông thời ấy ra sao, bạn đã dư biết.

Vậy một tiểu thuyết bán chạy chưa chắc đã có giá trị. Những sách khác cũng vậy.

Ở cuối đời Chiến Quốc, có lần vua Sở hỏi Tống Ngọc, một văn sinh rất đẹp trai, sở trường về thể từ:

- Tiên sinh sao mà bị thiên hạ chê thậm tệ vậy? Tống Ngọc đáp:

- Có người khách qua đường ca ở kinh đô. Mới đầu hát khúc Hạ lý ba nhân (1), được vài nghìn người họp lại mà họa. Hát tới khúc Dương-a phỉ lộ (2) chỉ còn vài trăm người họa, đến bài Dương xuân bạch tuyết (3) thì chỉ còn vài chục người… Thế là khúc càng cao, người họa càng ít. Bực thánh nhân ý chí, hành vi vĩ đại, vượt hẳn lên trên, ở riêng một chốn, bọn dân bỉ tục kia làm sao biết được tôi làm gì đâu.

Tống Ngọc quá tự cao. Sự thực tính tình của chàng chẳng có gì trác tuyệt cả, mà chỉ là phóng đãng, ngông nghênh. Nhưng lời của cháng rất hữu lý; khúc càng cao thì người họa càng ít.

Văn cũng vậy: càng cao càng ít người thưởng thức. Song một cuốn sách bán ế không phảo luôn luôn có giá trị đâu. Trái lại, thường thường nó không đáng đọc, cho nên mới ế.

--- (1) Một khúc thông tục nhất (2) Một khúc thông tục vừa vừa (3) Một khúc đã hơi cao

---

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w