Về phép bố cục trong tiểu thuyết Có hai lối:

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 70 - 72)

Có hai lối:

- Một lối mà hầu hết các tiểu thuyết gia Pháp đều theo là giữ tính cách nhất trí cho truyện. Fénelon nói: “Chỉ khi nào người ta không thể bỏ một đoạn trong một tác phẩm mà không phạm tới phần cốt yếu của nó thì tác phẩm đó mới thật là có tính cách nhất trí”.

Các tiểu thuyết gia của ta hiện nay chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp, cũng theo cách ấy: mỗi chi tiết trong truyện phải có một sứ mạng riêng, phải giúp ta hiểu thêm tính tình nhân vật hoặc dắt ta tới gần đoạn kết một chút, phải như một tia sáng chiếu qua một cái kính rồi tụ lại ở một điểm, điểm ấy là kết cục của truyện hoặc tư tưởng, luận đề mà tác giả muốn bênh vực (1).

- Lối thứ nhì cho rằng mỗi tiểu thuyết có thể có nhiều phương diện. Các tiểu thuyết gia Anh theo cách ấy và bị người Pháp chê là không biết dựng cốt truyện. Forster, tác giả cuốn A passage to India (Một con đường sang Ấn Độ), đáp:

Chúng tôi cũng biết dựng cốt truyện, nhưng chúng tôi muốn cốt truyện phải phức tạp. Đời sống không bình dị, xuôi theo một chiều mà rắc rối, có muôn mặt. Một nghệ phẩm càng vẽ được sự phức tạp ấy thì càng có giá trị. Tất nhiên các chi tiết vẫn phải theo một trật tự nào đó mới cảm động được người đọc”. Vì vậy tiểu thuyết Anh như một con đường mòn uốn khúc qua những cánh đồng, những bãi cỏ, tới một đích mơ hồ, có khi ngừng lại ở một bờ sông, không có đích nào hết. Hai quan niệm ấy thực trái nhau. Người nào quen đọc tiểu thuyết Pháp mà đọc tiểu thuyết Anh, Mỹ có thể dễ chán, nhưng lâu rồi cũng thấy cái thú vị riêng của nó.

Đầu thế kỷ xuất hiện một thể mới, thể tiểu thuyết tràng giang hàng 20 – 30 cuốn tả cả một thời đại, có khi 2-3 thế hệ liên tiếp, như bộ Les hommes de volonté của Jules Romains, bộ Les Thibault của Roger Martin du Gard.

Có nhiều cách cấu tạo những tiểu thuyết ấy. Có cách của Balzac là viết một loạt tiểu thuyết, mỗi truyện có một kết cục riêng, nhưng toàn bộ có một tính cách chung là tả một xã hội nào đó trong một thời đại nào đó.

Có cách của Zola là cũng soạn một loạt tiểu thuyết mà nhân vật chính trong các truyện đều là người trong một dòng họ. Ông dùng cách ấy để chứng minh – một cách ngây thơ – những luật về di truyền.

Có cách của Proust và Romain Rolland là tả một nhân vật chính trong một đám rất đông nhân vật phụ và phức tạp giữa những hoàn cảnh rất thay đổi. Cách này khó thực hành vì phải cho nhân vật chính đó sống một đời cực dồi dào, trôi nổi; do đó truyện nhiều khi không tự nhiên.

Sau cùng là cách của Jules Romains. Ông không tập hợp các nhân vật lại để tạo thành một hình ảnh của xã hội mà định trước hình ảnh một xã hội rồi cho các nhân vật hoạt động trong đó; thành thử nhân vật chính trong tiểu thuyết tràng giang của ông không phải là một người mà là một thời đại. Ông tả những châu thành, những miền mênh mông, những sự biến trong lịch sử rồi những nhân vật của ông hiện lên trên bức họa đó như “những ngôi sao sa” hiện trên nền trời; nhân vật này không liên lạc gì tới nhân vật khác, có khi cùng tiến về một đích,

cùng bị một trào lưu lôi cuốn mà không hề biết nhau; có khi hoạt động trong một thời gian ngắn rồi biến mất, không biết đi đâu, chẳng lưu lại một ảnh hưởng gì về sau cả, y như trong đời sống hàng ngày vậy.

---

(1) Tiểu thuyết Pháp và Việt còn tính cách nầy nữa là giống một vở kịch cổ điển: truyện thường không bắt đầu từ hồi nhỏ của nhân vật mà từ lúc xảy ra một việc gì quan trọng trong đời nhân vật ấy. Chẳng hạn tiểu thuyết “Nửa chừng xuân” bắt đầu từ lúc Mai và Lộc gặp nhau.

---

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 70 - 72)