Nhưng tự học trước hết là đọc sách

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 43 - 48)

Theo một lớp giảng hoặc một lớp hàm thụ chỉ là những cách nhất thời. Nghe diễn thuyết, đi du lịch chỉ là những cách phụ; không được sự đọc sách bổ túc thì những cách đó không có nhiều kết quả. Muốn tự học suốt đời, thì phải đọc sách, nên ta có thể nói tự học là đọc sách.

Hết thảy các danh nhân cổ kim, đông tây đều khuyên ta đọc sách. Khổng Tử bảo học trò của ngài:

“Ta thường suốt ngày không ăn, trọn đêm không ngủ để suy nghĩ, vô ích, không bằng học”. (Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tầm dĩ tư, vô ích, bất như học dã). Tiếng học trong câu đó nghĩa là đọc sách.

Duhamel nói: “Một người mạnh khỏe có một học thức bình thường cần đọc sách cũng như cần thở, cần uống”.

H. N. Casson phàn nàn: “Bản tính con người thật kỳ dị; vung tiền ra sắm xe hơi mà bỏn xẻn khi mua sách”.

Còn A. Souché thì thương hại cho thanh niên nào 15 tuổi mà không thích đọc sách vì người đó “ suốt đời sẽ kém cỏi, như một kẻ tàn tật về trí óc và tâm hồn”.

Chỗ khác ông viết: “Kẻ nào thích đọc sách là một người được giải cứu”. Vì theo ông dù người đó mới đầu có ham đọc những sách quá thấp thì rồi lần lần, từng bực một, sẽ đọc những sách cao hơn.

Lời ấy chưa chắc đã hoàn toàn đúng: tôi biết nhiều người chỉ đọc tiểu thuyết trinh thám để tiêu khiển. Nhưng tiêu khiển cách đó vẫn còn đỡ hại hơn nhiều thứ tiêu khiển khác và chứng tỏ trong tâm hồn còn có một điểm nào khả ái, nghĩa là nếu sa ngã cũng còn có cơ cứu được.

Tất cả cái vốn tinh thần của nhân loại đều ở trong sách. Từng thế hệ một, suốt mấy ngàn năm nay, không lúc nào ngừng, các triết gia, nghệ sĩ, học giả của khắp

thế giới tận tâm nghiên cứu, tìm tòi, sáng tác rồi ghi lại trong sách để làm của hương hỏa cho đời sau. Di sản của cố nhân đó giúp ta sống một đời đầy đủ hơn, có ý nghĩa hơn. Một văn nhân đã cho sách là “nhân loại bất diệt, luôn luôn tiến tới chỗ vinh quang hơn, nhiều hạnh phúc hơn”.

Nó lại là một chiếc cầu bắc giữa thế hệ của ta với những thế hệ trước và sau ta. Nhờ có nó, ta khỏi thấy lẻ loi giữa thời gian vô cùng, khỏi phải than thở như Trần Tử Ngang khi lên lầu Kế Bắc:

Trước chẳng thấy người xưa, Sau chẳng thấy ai cả.

Ngắm trời đất thăm thẳm sao! Riêng xót xa, lệ lã chã. (1) ---

(1) Tiền bất kiến cổ nhân Hậu bất kiến lai giả. Niêm thiên địa chỉ chu du! Độc sương nhiên như thế họ.

---

b) Thư viện

Ta có thể nói di sản ấy ai dùng cũng được vì sách thường rẻ tiền và nếu không mua nổi thì đã có sách trong các thư viện công cộng.

Ở Âu Mỹ, chỗ nào có đông người là có thư viện. Mỗi tỉnh nhỏ cũng có vài ba thư viện, gần như mỗi làng có một thư viện. Ngoài ra còn có những thư viện tư của các trường, các hãng, các hội và những thư viện luân chuyển do nhiều chiếc xe chở tới các miền xa xôi, đem sách đến tận nhà cho người đọc.

Tại Mỹ, nhân viên các thư viện công cộng có khi đi “săn” độc giả ở ngoài đường. Hễ thấy một đám trẻ chơi ở một nơi nào đó, như bên một rãnh nước, trong một ngã tư…, người ta lại bảo chúng rằng ở gần đấy có một thư viện chứa nhiều sách hứng thú cho chúng đọc như truyện “cao bồi”, truyện mọi da đỏ, truỵên mạo hiểm… Có đứa nghe vậy, bỏ chơi đi mượn sách đọc rồi lần lần hóa thích sách.

Ở nước ta, mỗi tỉnh may lắm được một thư viện chứa chừng 1000- 2000 cuốn. Thực ra, đáng mang tên là thư viện thì hiện nay chỉ có 3 nơi sau này:

Thư viện trường Viễn Đông (Hà Nội). Tổng thư viện (Sài Gòn). Thư viện quốc gia ( Sài Gòn).

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu 3 thư viện trên (1):

Hiện nay trường Viễn Đông là một thư viện nghiên cứu chung của bốn quốc gia: Pháp, Việt, Mên, Lào và đặt dưới sự kiểm soát của “Bi ký mỹ văn học viện” của Pháp (Académie des Inscriptions et Belles- Lettres de L’Institut de France). Thư viện của trường lập từ năm 1898. Mới đầu người ta thu thập hết thảy những sách về Việt Nam và những tạp chí cùng sách quan trọng về những nước khác ở chung quanh nước ta. Số sách mỗi ngày một tăng. Hiện nay có 4 kho sách.

Kho sách Hán, có khoảng 4.000 cuốn, Sách Pháp -- -- 15.000 cuốn.

Kho sách Việt có những sách Nôm, những bản chép tay, gia phả…, tất cả khoảng 5.000 cuốn.

Kho sách Nhật có khoảng 2.000 cuốn

Ngoài ra còn nên kể những bản chép tay bằng tiếng Mên, Lào, Thái, Chàm và rất nhiều ấn chương, bản đồ…

Thư viện mở cửa suốt năm, trừ một tháng để làm sổ sách lại. Muốn được vào đọc phải có bằng Tú Tài và có mục đích khảo cứu về sử ký, ngữ học, cổ tích nhân chủng học, văn hóa…

---

(1) Ở Huế trước năm 1945 có thư viện Bảo Đại, khá nhiều sách; sau những cuộc biến thiên, sách mất hết và thư viện nay chưa lập lại.

---

+ Tổng thư viện

Trước ở Hà Nội, thuộc về Cao ủy phủ của Pháp, nay đã dời một phần vào Sài Gòn. Thư viện mở từ năm 1919 tới cuối năm 1952 có được 152.896 cuốn sách (không kể báo chí) trong số đó 128.072 cuốn thuộc về phòng đọc sách và 24.824 cuốn thuộc về phòng cho mượn. (1)

Thư viện cũng đóng cửa mỗi năm một tháng, từ tháng 7 dương lịch. Có những điều kiện sau đây thì được vào đọc sách trong thư viện: - Ít nhất là 18 tuổi và có một sức học đủ để đọc sách.

- Sinh viên trường đại học và các lớp đệ nhất trong các trường trung học Pháp và Việt.

Muốn mượn sách ở phòng cho mượn thì phải là công chức hoặc có công ăn việc làm. Phòng cho mượn có sách cho trẻ em đọc. Em nào muốn mượn thì phải có cha mẹ hoặc người thay mặt cha mẹ làm đơn gởi lại phòng ấy.

Chỉ những giáo sư hoặc những học giả muốn nghiên cứu một vấn đề gì mới được phép mượn sách trong phòng đọc đem về nhà coi.

---

(1)Những thư viện lớn ở Pháp có hang 4-5 triệu cuốn! ---

+ Thư viện và văn khố Quốc gia

Thư viện này trước kia là Thư viện của Nam Kỳ soái phủ, tàng trữ một số sách và văn kiện của sở Hành chánh; tới năm 1902 được tách riêng ra làm Thư viện Nam Kỳ, đến năm 1946 trả về cho Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ.

“Phòng đọc sách” có khoảng 58.000 (không kể báo chí) mà 1.500 cuốn là sách Việt, 3.600 cuốn là sách Hán. Bộ Tứ khố toàn thư chiếm hết 1960 cuốn. “Phòng cho mượn” có độ 10.000 cuốn (1.300 cuốn sách Việt).

Năm 1953 quỹ thư viện được 100.000$ để mua sách mới.

Thư viện mỗi năm đóng cửa một tháng từ ngày 15 tháng 7 dương lịch.

Mỗi công dân từ 21 tuổi trở lên đều được vô phòng đọc sách. Dưới tuổi đó thì phải là sinh viên Đại học hoặc có bằng Tú tài kỳ nhất.

Muốn mượn sách của “Phòng cho mượn” thì phải có 2 người bảo lãnh. Khi xin ghi tên phải tặng phòng 2 cuốn sách đáng giá.

Chỉ những giáo sư đại học cần tài liệu mới có thể xin phép đem về nhà đọc trong vài ngày những sách của “Phòng đọc sách”. (1)

Cả nước mà chỉ có 3 thư viện. Số đó thực ít ỏi quá. Tôi chưa được biết thư viện Huế và 25 năm nay chưa về thăm Hà Nội, không biết Tổng thư viện có gì thay đổi không, nhưng thường vào thư viện Sài Gòn, thấy phòng đọc sách có lúc chật quá: 30 năm trước ra sao, nay nó cũng vẫn vậy, trong khi dân số tăng lên gấp tám.

Tôi vẫn biết quỹ của chính phủ lúc này không dư, nhưng mỗi năm đã có những cuộc xổ số để kiến thiết quốc gia thì sao không dùng một số lời để mở mang các thư viện? Đó cũng là một công cuộc kiến thiết rất quan trọng.

Tư nhân thì thích sắm xe hơi mà hà tiện mua sách, chính phủ thì chỉ mở mang đường sá mà gần như bỏ quên thư viện. Kể ra chúng ta phải có một lòng tự ái quá cao mới dám tuyên bố với thế giới rằng chúng ta có 4.000 năm văn hiến! Horace Mann nói: “Nếu quyền ở tôi, tôi sẽ gieo rắc sách khắp mặt đất như người ta gieo lúa trong luống cầy vậy”.

Loài người mà văn minh thì thực hành việc đó cũng không khó. Số tiền để chế tạo bom nguyên tử và bom khinh khí dư để vãi sách khắp địa cầu.

---

(1) Hiện nay thư viện này đổi tên là Thư viện Quốc gia ở 34 đường Gia Long; còn Tổng Thư viện ở Khu trường Pétrus Ký. (Chú thích lần in thứ 3).

Chương V

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w