- Hán văn tân giáo khoa thư của Lê Thước soạn cho ban tiểu học hồi trước Toàn bộ năm cuốn từ lớp chót lên tới lớp nhất.
3. SÁCH ĐỂ TU THÂN
Một anh bạn tôi, có rất nhiều nhiệt huyết, khi mới ở trường Luật ra, bảo tôi: “Ta nên coi đức dục của ta bây giờ là đủ rồi, khỏi phải tu luyện thêm nữa. Chỉ nên mở mang trí óc và thực hành ngay những điều hiểu biết để giúp đồng bào”.
Tôi nghĩ khác. Nền giáo dục chúng ta nhận được ở trường còn thiếu sót nhiều: Người ta không dạy ta luyện nghị lực, tình cảm, cách chỉ huy, xử thế, cả những cách suy nghĩ, quyết định…
Nên dù ở Trung học hay Đại học, ta vẫn nên đọc những sách tu luyện, tức loại sách mà người Pháp gọi là Culture humaine và người Anh gọi là Self improvement .
Locke đã nói: “Chính nhân cách làm thành con người”. Biết bao người học rộng mà thiếu nhân cách, thành thử chỉ làm hại cho xã hội. Mà nhân cách của ta, ta phải tự rèn lấy, rèn suốt đời, không lúc nào được ngừng.
Những sách về tâm lý, tôn giáo, và cả lịch sử cùng tiểu thuyết cũng có thể giúp ta tu thân. Ở dưới đây tôi chỉ kê ít cuốn chuyên về tu luyện nhân cách và giới thiệu qua loa loại danh nhân truyện ký.
Ở nước ta đã có loại “Học làm người” của nhà xuất bản Phạm Văn Tươi và vài nhà khác.
Tới nay (1967), đã có tất cả khoảng 100 cuốn của các tác giả Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt…
Tất nhiên có nhiều cuốn nhan đề và nội dung hơi giống nhau, chẳng hạn những cuốn: Thuật xử thế của người xưa của Nguyễn Duy Cần, Thành công và xử thế
của Trần Hồng Việt, Cách xử thế của người nay của K.C.Ingram… Bạn có thể đọc bảng Mục lục của sách rồi coi tên tác giả, dịch giả mà lựa.
Tôi không thể ghi hết những sách trong loại này được, chỉ xin giới thiệu ít cuốn đã được nhiều người khen:
- Một nghệ thuật sống (Un art de vivre) của ông Hàn A. Maurois, bản dịch của nhà Phạm Văn Tươi. A. Maurois có tinh thần trung dung, nửa mới nửa cổ, hơi giống tinh thần phương Đông chúng ta, văn tươi đẹp mà sáng sủa.
- Con đường hạnh phúc (Le chemin du bonheur) của Bác sỹ V.Pauchet. Cuốn này ba chục năm trước rất được hoan nghênh, chỉ cho ta một lối sống lành mạnh.
- Đắc nhân tâm (How to win friends and influence people) của Dale Carnegie, một cuốn về tâm lý, về phép xử thế, bán chạy nhất thế giới trong hai chục năm nay, một trong mười cuốn mà Pierre Camusat giới thiệu trong Réussir avec ou saus diplôme. Đã được dịch ra hầu hết các tiếng. Bản tiếng Pháp nhan đề là Comment se faire des amis của nhà Hachette, đã in trong loại sách Bỏ túi (Lires de poche).
- Sống 24 giờ một ngày (How to live en 24 hours a day) của Arnold Bennett, một cuốn rất mỏng mà tạp chí Sélection du Reader’s Digest số April 1961 đã giới thiệu như sau: “Cuốn sách đặc biệt có giá trị đó có khả năng thay đổi đời sống những người đọc nó. Nó đã chiếm một địa vị trong văn học thế giới. Nó giúp ta biết cách dùng một vật vô giá là thời giờ”. Dale Carnegie cũng khen nó là “quí như vàng”. Bạn là người tự học, không thể thiếu nó trong tủ sách được. Nếu bạn có nhiều nỗi ưu tư, buồn rầu, bất mãn thì tôi khuyên nên đọc:
- Quẳng gánh lo đi và vui sống (How to stop Worrying) của Carnegie. Cuốn này đem lại đời sống vui tươi cho nhiều độc giả của tôi.
- và Xây dựng hạnh phúc (You are not the target) của bà Laura Archera Huxley, một cuốn mà tôi cho là kỳ thư trong loại học làm người. Cuốn trên chỉ mới trừ ưu tư trong phần ý thức; cuốn này mới diệt được chúng trong phần tiềm thức của ta.
- Sống đẹp (The importance of living) của Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang). Lâm là một học giả nổi danh của Trung Hoa, tư tưởng khoáng đạt và sâu sắc, văn dí dỏm tài hoa. A. Maurois đã đặc biệt giới thiệu cuốn đó trong Un art de vivre.
Sách ngoại Quốc thì rất nhiều. Nếu bạn biết tiếng Pháp, bạn nên lựa những cuốn mà Max Fauconnier đã giới thiệu trong Voulez-vous étudier seul (Edtions scientifiques et littéraires – Amien – France).
Bạn lại có thể tra thư mục của nhà J.Oliven-Paris.
Song tôi nghiệm thấy sách Pháp viết thường khô khan vì tác giả quá chú trọng đến lý thuyết; nếu bạn biết tiếng Anh thì nên coi những sách Anh, Mỹ, thực tế hơn, chẳng hạn loại Self Improvement của nhà Doubleday (New York) hoặc nhà The World’s Work (Surrey – England).
Có một tiêu chuẩn này: những sách Học làm người mà đã được dịch ra một vài ngoại ngữ thì đều có ít nhiều giá trị, mua không sợ phí tiền.
*
Vừa vui, vừa bổ ích nhất là tiểu sử các danh nhân. Ông Pirre Félix Thomas viết trong cuốn Huấn luyện tình cảm: “Những truyện ký về danh nhân khéo viết thành sách cũng có ích cho thanh niên.Người nào biết làm cho thanh niên bỏ những sách nhạt nhẽo, nhảm nhí đi mà hướng về những truyện đó, thực là giúp được một việc lớn cho nước (…). Cả những người lớn cũng nên dùng những nguồn vô tận đó. Kinh nghiệm cho ta thấy những truyện ký ấy không làm chán tai họ đâu”.
Trước kia, nhà Tân Việt đã xuất bản được mươi cuốn về các nhà ái quốc và danh sĩ Việt Nam, như Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản, Huỳnh Thúc Kháng, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị…, nhưng trừ cuốn đầu, còn thì phần nhiều đều khô khan, đọc không mấy hứng thú. Mà loại đó phải làm rung động lòng người đọc thì mới đạt mục đích. Gần đây chúng tôi có cho ra loại sách: Gương danh nhân, Gương hy sinh, Gương chiến đấu, Gương kiên nhẫn, Gương mạo hiểm.
Sách Pháp và Anh thì rất nhiều. Tạp chí France Efficinence (94 Rue St Lazare- Paris 9è) đã lựa chọn những cuốn hay và dễ kiếm để giới thiệu trong thư mục: “Voici les meilleurs livres de culture humaine et biographie”. Ông A. Shouché trong chương La lecon des héros(Quels livres faut-il avoi lus?) cũng giới thiệu nhiều cuốn rất hay.
Nhà văn nổi danh nhất ở Pháp hiện nay về loại đó là A. Maurois, tác giả những cuốn: G. Sand, Victor Hugo, Balzac, Chateaubriand, Fleming, Bryon, Madame De La Fayette, Les trois Dumas, Disraeli…
Nếu bạn biết tiếng Anh thì nên đọc The Gay Genius (Tô Đông Pha) và Lady Wu (đời Vũ Hậu) của Lâm Ngữ Đường.
Chương X