Muốn trả lời câu ấy ta phải biết tiểu thuyết gia tạo tiểu thuyết ra sao.
Tất nhiên là tùy loại. Tiểu thuyết tả chân bao giờ cũng đúng sự thật hơn tiểu thuyết thần tiên. Tuy nhiên ngay trong tiểu thuyết tả chân và cả những tự truyện như cuốn Dã tràng của Thiết Can, Le Petit chose của A. Daudet, David Copperfield của Ch. Dickens, vẫn có một phần tưởng tượng vì không có tưởng tượng, không thành tiểu thuyết.
Ai cũng biết chang Đông trong Dã tràng chính là Thiết Can, David Copperfield chính là Dickens, còn Flaubert thì nói: “Bovary là tôi”, nhưng không phải các nhà đó chép đúng đời sống của họ vào truyện đâu. Họ đã lựa chọn, xếp đặt, thêm bớt, phóng đại hoặc lý tưởng hóa đời họ đi một chút.
Sibermann, trong cuốn “Amour nuptial” đã chỉ cách ông viêt tiểu thuyết: “Tôi đã tự hứa chỉ tưởng tượng mối liên lạc trong truyện, ngoài ra như nơi chốn, tính tình nhân vật, tôi sẽ chép đúng sự thực. Nhưng sau khi bắt đầu làm như vậy, tôi thấy phương pháp ấy không có giá trị gì cả. Tính tình nhân vật thiếu chặt chẽ… hóa ra rời rã, vụn vặt… và lúc đó tôi mới hiểu chức vụ của tưởng tượng trong tiểu thuyết. Nó phải dùng những bằng chứng rời rạc của sự nhận xét cùng với những kết quả cuối cùng của sự phân tích rồi tự do tổng hợp những cái đó lại”.
Nhưng tưởng tượng gì thì tưởng tượng, tiểu thuyết gia cũng phải dựa vào sự thực thì ta mới tin được, nghĩa là những chuyển biến trong động tác phải tự nhiên, tính tình nhân vật phải hợp lý. Đã đành trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết, đã đành có những tâm hồn đặc biệt, siêu việt mà chúng ta khó đoán được hành động, song kể ra cũng dễ đoán được tác giả tưởng tượng có lý hay không. G. de Scudéry, một văn sĩ Pháp ở thế kỷ 17, nói: Khi nào óc ta nhận cái gì một cách dễ dàng, không cần có chứng cớ thì cái đó có vẻ đúng sự thực”. Câu nói đó ông nói về kịch, nhưng áp dụng vào tiểu thuyết cũng vẫn đúng.
Đọc truyện Kiều, ta thấy hành động của nhân vật rất hợp tâm lý, tính tình của họ. Ta không ngạc nhiên khi thấy Thúy Vân ngủ li bì giữa cái đêm mà cô chị sắp phải xa cha mẹ và các em mà về với Mã Giám Sinh, rồi lại hỏi chị một câu ngớ ngẩn:
Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây
Vì ở đầu truyện tác giả đã tả Thúy Vân là một người vô tư, gần như đần độn: mặt thì “khuôn trăng đầy đặn” mà tính tình thì “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”.
Trái lại trong tiểu thuyết hồi tiền chiến của Lê Văn Trương ta thấy đầy những mâu thuẫn về tâm lý; nhân vật nào cũng có những cử chỉ lố lăng chỉ làm cho ta nực cười chứ không cảm động.