- Những cuốn văn tuyển của các tác giả hiện đại.
a) Viết sách là một cách tự học
Có người nói: “Khi chưa biết một vấn đề nào thì người ta viết sách về vấn đề ấy”.
Nếu lời ấy là một lời mỉa mai, thì là mỉa mai một cách vô lý. Khi đọc bộ Nho Giáo của Trần Trọng Kim hoặc bộ Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn, không ai tự hỏi hai học giả đó trước khi viết sách đã biết rõ về đạo Khổng hoặc triều Lý chưa. Điều chúng ta đòi hỏi ở tác giả là tài liệu phải đích xác, lý luận phải vững vàng, văn phải sáng sủa và tươi nhã; còn tác giả có phải học thêm nhiều trong khi soạn sách không thì ta không cần biết tới.
Vì có học giả nào không vừa học vừa viết? Trần Trọng Kim đâu phải là một nhà cựu học, Hoàng Xuân Hãn đâu có bằng cấp thạc sĩ về sử ký? Và trước khi soạn hai bộ sác ấy, họ Trần và họ Hoàng có lẽ cũng không biết gì về Khổng Tử hoặc Lý Thường Kiệt hơn bạn và tôi, vậy mà tác phẩm của hai nhà ấy cũng vẫn rất có giá trị.
Tôi muốn đổi câu dẫn ở trên ra như câu sau này, cho nó chứa một lời khuyên chí lý và nghiêm trang:
“Khi muốn học vê một vấn đề nào thì cứ viết sách về vấn đề ấy”.
Chúng ta ai cũng có tánh làm biếng, học cái gì chỉ mới biết qua loa mà đã cho là mãn nguyện, không chịu suy nghĩ, tìm tòi thêm.
Nhưng khi viết sách, ta cần kiểm soát từng tài liệu, cân nhắc từng ý tưởng, rồi bình luận, sau cùng sắp đặt lại những điều ta đã tìm kiếm, hiểu biết để phô diễn cho rõ ràng. Trong khi làm những công việc ấy ta nhận thấy có nhiều chỗ tư tưởng của ta còn mập mờ, ta phải tra cứu để hiểu thêm, đọc nhiều sách nữa, do đó sự học của ta cao thêm được một bực. Càng đọc nhiều sách, càng gặp những ý tưởng mâu thuẫn nhau, ta lại phải xét xem đâu là phải, đâu là trái, và ta lại đào bới cho sâu thêm; nhờ vậy ta hiểu thấu triệt được vấn đề, nhớ lâu hơn, có khi phát huy được những điều mới lạ.
Cho nên muốn học một cách kỹ lưỡng thì không gì bằng viết sách về điều mình học. Viết sách tức là tự mình ra bài cho mình làm. Học mà không làm bài mới chỉ là đọc qua chứ không phải là học. Song tôi xin dặn bạn: khi viết nên nhớ mục đích của ta là để tìm hiểu chứ không phải để cầu danh. Đừng cầu danh thì danh sẽ tới. Cầu nó, nó sẽ trốn và sự tự học của ta cũng hóa ra nông nổi.