THÚ ĐỌC TIỂU THUYẾT

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 67 - 68)

Trên 10 năm trước, một hôm vào một tiệm sách ở Chợ Cũ, tôi gặp một anh bạn mua cuốn: Nghìn lẻ một đêm. Thấy tôi, anh có vẻ ngường ngượng, nói:

- Tôi mua cho tụi trẻ đọc.

Chắc anh ấy nhớ nửa tháng trước, mới bảo tôi là không khi nào đọc tiểu thuyết cả.

Tôi mỉm cười đáp:

- Cuốn nào chứ cuốn ấy thì tôi cũng thích đọc. Chẳng riêng tôi, cả nhân loại đều mê nó.

Một ông “còm-mi” khinh tiểu thuyết như vậy. Trái lại, một nhà đại ái quốc, Lương Khải Siêu, lại cho tiểu thuyết là một loại văn quan trọng nhất: Muốn cải lương phong tục, tôn giáo, chính trị, xã hội… thì phải cải lương tiểu thuyết trước hết.

Sở dĩ có hai quan niệm trái ngược nhau như vậy là vì tiểu thuyết như con dao bén: ông còm-mi chưa tin ở bàn tay của mình, e bị đứt thịt (1), còn nhà ái quốc vững tâm muốn dùng nó cắt hết những dây trói buộc Trung Quốc vào hủ tục. Nó là một con dao bén vì ảnh hưởng của nó rất mạnh. Nó làm say mê độc giả hơn cả phù dung tiên tử.

Từ bọn lao động chúng mình phải đem mồ hôi nước mắt đổi lấy chén cơm manh áo, đến những bực vua chúa trên ngai vàng, thảnh thơi suốt ngày, kẻ hầu người hạ, hết thảy đều có lúc thấy đời sống ở cõi trần này là tầm thường, buồn tẻ, đều muốn thoát ly thực tại trong một vài giờ và không nhờ tiểu thuyết thì lấy gì dắt dẫn, nâng đỡ óc tưởng tượng tới những cõi xa xăm, thăm thẳm, vô bờ bến? Đã đành mộng mơ quá thì sẽ thiếu cơm, thiếu áo hoặc bị thiên hạ đè bẹp, nhưng thiếu mơ mộng thì cũng chán!

Kẻ nào hồi 10 tuổi, đọc truyện Tấm Cám, hoặc những truyện của Perrault, Andersen, Grimm…, rồi lớn lên ít tuổi nữa, đọc Hồn bướm mơ tiên, Paul et Virginie…mà tâm hồn không rung động thì kẻ đó không phải là người, có lẽ là một cục đá.

Một văn sĩ Pháp kể chuyện một con bé chăn cừu tìm được trong lẫm lúa cuốn

Télémaque, thích lắm, ngày nào cũng lén lút vào đó để đọc. Một hôm, đọc xong một đoạn, nó gấp sách lại, ngồi tựa cửa sổ nhìn trời. Trời sắp tối, cây cối bớt xanh, mặt trời lẩn sau đám mây trắng như bông. Bỗng nhiên nó có cảm giác là nó “bay trên rừng với Télémaque, Télémaque cầm tay nó và đầu hai người chạm trời xanh”.

Chúng ta ai chẳng có cảm tưởng thần tiên ấy? Khi thì ngồi trên lầu, bên dòng nước, nghe văng vẳng tiếng tiêu của chàng Trương Chi, lúc thì vào hang thần nhét đầy 2 túi kim cương, ngọc thạch, lúc thì dạo biển Đồ Sơn với Tố Tâm, hoặc leo đồi Phú Thọ với chàng Lộc…

Tôi đương ngồi trong một căn nhà rộng 3 thước, nóng như thiêu, mồ hôi nhễ nhại, thèm cái rét ở phương Bắc, nhớ những vườn cúc ở Ngọc Hà cùng những cổng xóm trắng trong bụi tre xanh ở chân đê. Làm sao bay ra ngoài đó được! Tồi mở Gánh hàng hoa của Khái Hưng và Nhất Linh, Quê người của Tô Hoài, và tôi thấy đời sống ở Sài Gòn này, sau cuộc hồi hương tưởng tượng ấy, cũng dễ chịu được đôi phần.

---

(1) Sự thực thì ông còm-mi của tôi chẳng suy xét kỹ gì đâu, thấy thiên hạ có kẻ chê thì cũng chê và miệng tuy chê mà vẫn đọc.

---

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 67 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w