6. Kết cấu của luận án
4.2.3. Xây dựng va củng cố mối liên kết giữa các đối tác với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam
4.2.3.1. Lý do đề xuất giải pháp
Dựa trên kết quả mô hình phân tích của luận án, nhân tố quan hệ là nhân tố có ảnh hưởng thuận chiều đến hoạt động XK của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc với hệ số hồi quy chuẩn hóa là 0,151, và qua đánh giá phân tích cho thấy mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà nhập khẩu và các cơ quan hữu quan có ảnh hưởng lớn đến hoạt động XKNS của DN XKNS Việt Nam sang thị trường Trung Quốc xử lý tốt các mối quan hệ này giúp hoạt động XK của DN XKNS Việt Nam đạt được kết quả khả quan.
4.2.3.2. Mục đích giải pháp
Giải pháp được đề xuất với mục đích là nâng cao và phát triển mối quan hệ đối tác giữa DN XKNS Việt Nam với nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà nhập khẩu và các cơ quan chức năng liên quan.
4.2.3.3. Các biện pháp thực hiện
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Tham tán thương mại tại các nước, cần phối hợp chặt chẽ để đàm phán với các thị trường nhập khẩu NS đồng thời cập nhật thông tin những chính sách mới, các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thông tin thị trường của các nước để Hiệp hội và các DN có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Tích cực tìm kiếm, giới thiệu các hiệp hội ngành hàng NS, các tập đoàn, DN uy tín tại các nước để thúc đẩy hợp tác với DN Việt Nam, tranh thủ vận động nguồn vốn ODA, FDI vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các cơ quan chức năng và DN trong nước quảng bá nông sản Việt Nam tại các nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cung cấp thông tin liên quan đến các định hướng lớn, sản phẩm nông sản, việc đàm phán mở cửa thị trường để trên cơ sở đó cho các tham tán thương mại tại các nước có thông tin làm việc hỗ trợ cho sự phát triển. Bên cạnh đó, đề nghị phải tích cực phối hợp với Bộ Công thương trong việc tham gia mở rộng thị trường, các hội chợ triển lãm tại các nước. Ngược lại, phía Tham tán thương mại tại Trung Quốc cần thường xuyên cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin thị trường, phân tích về thị trường để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng XK. Các Tham tán thương mại nên thường xuyên chủ động trong công tác phối hợp để làm tốt hơn nhiệm vụ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của các quốc gia khó tính… từ đó giúp cho các DN XKNS có được những chỉ dẫn cụ thể để thực thi các hoạt động xuất khẩu.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả khó lường đối với đời sống kinh tế-xã hội, cần tiếp tục thúc đẩy các giải pháp sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại nhằm phục vụ các công tác trao đổi, bàn bạc nhằm phối hợp làm việc một cách tốt hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương trong nước.
* Đối với doanh nghiệp: Để chủ động nguồn cung cả về số lượng và chất lượng, các DN lớn có thể tự xây dựng mô hình kết hợp DN vừa làm công tác nuôi trồng, chế biến và XK. Đối với các DN nhỏ, DN chuyên xuất khẩu nông sản không có khu nuôi trồng riêng thì nên chọn phương án thiết lập mối liên kết với các hộ nông dân thông qua các hợp đồng dài hạn, kèm theo trợ giúp vốn và kỹ thuật. Để
làm được điều này doanh nghiệp cần phải thiết lập mạng lưới cung ứng chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng hàng NS XK.
Ngoài ra, khi cổ phần hóa các doanh nghiệp thu mua, chế biến NS, doanh nghiệp nên dành một số lượng cổ phiếu ưu đãi nhất định để bán cho nông dân vùng nguyên liệu. Đây là một trong những động thái tích cực thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp và nông dân phải dựa sát vào nhu cầu, điều kiện của nhau để hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để doanh nghiệp đi trao đổi, thống nhất với từng hộ nông dân là điều không thể. Do đó, các hộ nông dân sản xuất trong khu vực phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hợp tác tự nguyện (câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã), cử ra ban đại diện để làm việc với doanh nghiệp. Trước mỗi vụ thu hoạch, ban quản lý tổ hợp tác cùng với nông dân tính toán chi phí, giá thành sản xuất để làm việc với doanh nghiệp thu mua trên địa bàn. Chính doanh nghiệp cũng sẽ tính toán chi phí, giá thành để cùng thống nhất với nông dân, cùng phân chia lợi nhuận.
Việc chủ động đảm bảo nguồn cung đầu vào của doanh nghiệp sản xuất còn nên được thực hiện trong việc giúp đỡ người nông dân nâng cao năng suất lao động. Một số các doanh nghiệp XK không có khu nuôi trồng riêng phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung của nông dân. Dù được đảm bảo phần nào về chất lượng thông qua các hợp đồng dài hạn và trợ giúp về cả vốn và kỹ thuật nhưng xét về những đặc trưng sản xuất nông nghiệp của nước ta, sự chủ động và có trách nhiệm của các DN cần phải được thực hiện một cách cụ thể và thiết thực hơn. Việt Nam là một trong số các nước chịu ảnh hưởng nặng nề hậu quả của biến đổi khí hậu. Hàng năm, nước ta vẫn phải hứng chịu nhiều thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác, thiệt hại nặng nề không chỉ cho người nông dân mà còn cho cả ngành XKNS nói chung. Việc đề xuất và thực hiện các giải pháp giúp người nông dân giảm thiểu thiệt hại của các yếu tố khách quan này là một việc làm mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Với nhiều hộ nông dân, những kiến thức về nông nghiệp của họ chỉ dựa theo kinh nghiệm cá nhân. Đó là một rào cản lớn để họ có thể tự tìm và nghĩ ra các phương thức sản xuất mới đảm bảo ứng phó với những trường hợp này. Các doanh nghiệp nên chủ động mở các khóa đào tạo phổ cập kiến
thức và kỹ năng cho người nông dân theo những chỉ đạo được đưa ra từ chính phủ về việc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, diện tích gieo trồng sao cho phù hợp, khuyến khích người nông dân thử nghiệm và gieo trồng các giống cây mới có năng suất cao hơn để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của thị trường không chỉ Trung Quốc nói riêng mà thị trường XK quốc tế nói chung.
Ngoài ra, một xu hướng sản xuất nổi bật cần được người nông dân và DN chú ý để hạn chế các ảnh hưởng từ việc biến đổi khí hậu chính là mô hình sản xuất xanh giảm lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Hiện nay, nông nghiệp là ngành có nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, chiếm 33% lượng phát thải KNK ở doanh nghiệp. Các nguồn phát thải nông nghiệp phát sinh từ việc chặt phá rừng để lấy đất canh tác, bất hợp lý trong quản lý phân bón, phân chuồng, đốt sinh khối,...Việc giảm phát thải nhằm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp trở thành một nhiệm vụ cấp bách khi chính những người nông dân đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ hành động của mình, dẫn đến nguồn cung đầu vào của các DN cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các DN ngoài việc hướng dẫn người nông dân các cách thức, phương thức sản xuất để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu thì cũng cần phải khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện tình hình, chất lượng đất trong canh tác để không chỉ đảm bảo chất lượng, số lượng cho sản phẩm đầu vào mà còn thân thiện với môi trường, tránh tạo ra những nguồn ô nhiễm hay làm cạn kiệt, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên.
Tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, xác minh thực lực và uy tín của đối tác trước khi giao dịch là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Việc thu thập thông tin phải trở thành công tác thường xuyên, định kỳ của DN trong quá trình thực hiện hợp đồng và đặc biệt khi tiếp cận với đối tác mới. Các thông tin cần thu thập được như: thị trường, sản phẩm, năm thành lập, tên chính xác của DN NK trên trang web quản lý DN thâm niên kinh doanh NS, vốn và các thông tin chính thức của DN trên trang web. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nên tận dụng các thông tin do các hiệp hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo các DN, tận dụng tham tán thương mại ở Trung Quốc để xác nhận thông tin của các đối tác mới.
Hoạt động trao đổi XK giữa Trung Quốc và doanh nghiệp vốn đã phức tạp và tiềm ẩn nhiều vấn đề cần phải cân nhắc kỹ lưỡng dù hàng năm, nước này vẫn được đánh giá là một trong số những “khách hàng lớn” của các DN Việt Nam. Việc duy trì điều tra, cập nhật các thông tin thường xuyên từ phía các đối tác bên Trung Quốc vì thế sẽ giúp các DN Việt Nam có thể kịp thời theo dõi và đánh giá đối tác tiềm năng, từ đó chủ động liên hệ, tạo lập mối quan hệ với đối tượng khách hàng phù hợp với mong muốn của mình. Ngoài ra, việc nghiên cứu kỹ đối tác còn giúp các DN giảm thiểu tối đa những rủi ro mà mình phải đối mặt, nghiên cứu kĩ đặc điểm của đối tác, khách hàng để xây dựng chiến lược tiếp cận và đối đãi phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động giao thương có thể diễn ra.
Chủ động tìm hiểu và chú trọng việc tham dự các hoạt động Hội chợ, triển lãm quy mô lớn, mang tính quốc tế cao tại Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội giao dịch, kết nối trực tiếp với các đối tác nhập khẩu có uy tín của Trung Quốc nhằm XK sang thị trường này một cách chuyên nghiệp như: Hội chợ Đầu tư và mua sắm toàn cầu tại Trùng Khánh (Tháng 5); Hội chợ Giao dịch hàng hóa XNK Côn Minh, Vân Nam (Tháng 6); Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) tại Nam Ninh, Quảng Tây (Tháng 9); Hội chợ Quốc tế Miền Tây tại Thành Đô, Tứ Xuyên (Tháng 10); hoặc các hoạt động Hội chợ Thương mại biên giới Việt - Trung được tổ chức định kỳ hàng năm tại Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh.
Tích cực tham dự, quảng bá chất lượng sản phẩm, ưu thế sản phẩm tại các Hội chợ, Triển lãm lớn tại khu vực Hoa Đông như Hội chợ NK quốc tế Thượng Hải, Diễn đàn đầu tư và triển lãm sản phẩm hàng hóa Chiết Giang (Ning Ba), Hội chợ chè và đồ uống Chiết Giang, Hội chợ thực phẩm Ninh Ba…
Thông qua các cơ quan đại diện của Bộ Công Thương đặt tại Quảng Tây, Quảng Châu, Vân Nam, Trùng Khánh, Hàng Châu cũng như cơ quan Thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để được hỗ trợ về thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác hợp tác.
Nghiên cứu khả năng hợp tác với một số DN XKNS Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử để XK, tiêu thụ NS, trái cây qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường này.