Tuyển dụng nhân lực là quá trình tìm kiếm và lựa chọn nhân lực để thỏa mãn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và bổ sung lực lượng lao động cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp. Nói cách khác, tuyển dụng chính là quá trình cung cấp một yếu tố đầu vào đặc biệt cho doanh nghiệp, đó là yếu tố con người
Tuyển dụng có hiệu quả sẽ cung cấp cho doanh nghiệp một đội ngũ lao động lành nghề, sáng tạo, năng động, bổ sung nguồn nhân lực phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp . Tuyển dụng có tầm quan trọng rất lớn đối với doanh nghiệp vì nó là khâu đầu tiên của công tác quản trị nhân sự, chỉ khi làm tốt khâu tuyển dụng thì mới có thể làm tốt các khâu tiếp theo. Tuyển dụng tốt giúp doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu kinh doanh một cách hiệu quả nhất, bởi vì tuyển dụng tốt tức là tìm ra người thực hiện công việc có năng lực, phẩm chất để hoàn thành công việc được giao. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển đội ngũ, đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh trong điều kiện toàn cầu hóa. Chất lượng của đội ngũ nhân lực tạo ra năng lực cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp, tuyển dụng nhân sự tốt góp phần quan trọng vào việc tạo ra đầu vào của nguồn nhân lực, nó quyết định đến chất lượng, năng lực, trình độ cán bộ nhân viên, đáp ứng đòi hỏi nhân sự của doanh nghiệp. Tuyển dụng nhân lưc tốt giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí kinh doanh, chi phí cho đào tạo lại cũng như tránh rủi ro trong quá trình thực hiện công việc. Doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả hơn trong đầu tư, hoặc tăng chế độ, lương thưởng cho nhân viên, tạo động lực mạnh mẽ cho nhân viên trong quá trình làm việc. Đối với người lao đông tuyển dụng nhân lực tốt giúp cho người lao động trong doanh nghiệp hiểu rõ thêm về triết lý, quan điểm của các nhà quản trị, giúp họ có thể hiểu rõ công ty và từ đó có mong muốn làm việc lâu dài ở công ty. Ngoài ra, tuyển dụng nhân lực tạo ra không khí thi đua, tinh thần cạnh tranh trong từng nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển của chính những nhân viên đó, giúp hiệu quả kinh doanh ngày càng được nâng cao.
Như vậy,tuyển dụng nhân lực có vai trò lớn trong nâng cao chất lượng nhân lực nói riêng và đối với doanh nghiệp nói chung. Đây là quá trình đãi cát tìm vàng, nếu một doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên không đủ năng lực cần thiết thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu và trực tiếp đến hiệu quả hoạt động quản trị và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến tình trạng không ổn định về mặt tổ chức, thậm chí nguồn gốc gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ trong doanh nghiệp. Hơn
nữa, tuyển dụng nhân viên không phù hợp, sau đó lại sa thải không những gây tốn kém cho doanh nghiệp mà còn gây tâm lý bất an cho những nhân viên khác .
Nội dung của tuyển dụng nhân lực trong nâng cao chất lượng nhân lực
Ngày nay, tại nhiều doanh nghiệp, việc tìm kiếm, phát hiện và thu hút những người có khả năng làm việc thực sự và tâm huyết với công việc luôn được đặt lên hàng đầu. Để được như vậy, một quá trình tuyển dụng hợp lý và hiệu quả sẽ là hết sức quan trọng.
Trước hết, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng một quy chế tuyển chọn nhân viên đúng đắn, dựa trên quan điểm trọng dụng nhân viên có đức có tài thực sự, không câu nệ vào bằng cấp, cơ cấu, quá trình cống hiến hay thành phần xuất thân.
Quy trình tuyển dụng bao gồm 7 bước:
Bước 1: Xác định công việc
Quá trình tuyển dụng bắt đầu bằng việc xác định rõ công việc và các kĩ năng cần thiết. Phân tích công việc tạo ra bản mô tả công việc trong đó nêu lên các nhiệm vụ và trách nhiệm của vị trí cần tuyển và bản yêu cầu chuyên môn trong đó quy định những kiến thức, kĩ năng và trình độ cần thiết để thực hiện công việc. Hai tài liệu này sẽ định hướng cho quá trình tuyển dụng tới bước lựa chọn cuối cùng.
Các bản mô tả công việc và bản yêu cầu chuyên môn đều được sử dụng để soạn thảo thông báo tuyển dụng. Thông báo tuyển dụng này có thể để quảng bá trong nội bộ hoặc ra bên ngoài. Thông báo yêu cầu những nhiệm vụ, yêu cầu chính đối với vị trí cần tuyển, cũng nêu rõ các yêu cầu tối thiểu, các kĩ năng chuyên môn hay kĩ năng mà các ứng viên cần có hay những ưu tiên cho ứng viên . Một số doanh nghiệp đưa thêm các thông tin khác như mức lương, chế độ đãi ngộ, phúc lợi … Ngoài ra, thông báo tuyển dụng cũng hướng dẫn cách nộp hồ sơ , người liên hệ, thời hạn tuyển dụng…
Bước 2: Tìm kiếm.
Một chương trình tuyển dụng thành công gắn với việc thuê đúng người với thời gian chờ đợi tối thiểu. Có nhiều nguồn tuyển dụng tiềm năng, một số nguồn có chi phí cao hơn các nguồn khác. Điều quan trọng là phải xem xét loại hình vị trí cần tuyển cũng như thời gian sẵn có để lựa chọn biện pháp tìm kiếm, tuyển dụng. Một số biện pháp tìm kiếm phổ biến là: thông báo tuyển dụng nội bộ, do nhân viên giới thiệu, quảng cáo, tuyển dụng qua các website…
Bước 3: Sơ tuyển
Mục tiêu của sơ tuyển là loại bỏ các ứng viên không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của doanh nghiệp. Khâu này đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp có một số lớn ứng viên dự tuyển. Sơ tuyển có thể bao gồm các bước như :
Xem xét và nghiên cứu lý lịch: Không phải tất cả các bản lý lịch của ứng viên đều trình bày các thông tin chính xác. Không ít các bản lý lịch được các ứng viên phóng đại về năng lực, trình độ hay kinh nghiệm. Do vậy các nhà tuyển dụng cần sáng suốt để lựa chọn những bản lý lịch thiết thực, phù hợp với yêu cầu của công việc. Những điểm mà các nhà tuyển dụng cần xem xét khi tìm hiểu lý lịch của ứng viên là : lịch sử làm việc, các khoảng thời gian trống trong công việc, thay đổi công việc liên tục, thay đổi định hướng nghề nghiệp, hình ảnh, các giấy tờ trong bản hồ sơ…
Phỏng vấn sơ bộ các ứng viên : Bước này nhằm xác lập mối quan hệ giữa ứng viên và nhà tuyển dụng lao động, đồng thời bước này cũng xác định những cá nhân có phẩm chất , tố chất phù hợp với công việc hay không để từ đó nhà tuyển dụng đưa ra quyết định có tiếp tục đưa ứng viên vào các vòng phỏng vân tiếp theo không. Nếu không thấy phù hợp, nhà tuyển dụng sẽ chuyển sang các ứng viên tiếp theo để đỡ lãng phí cho tổ chức. Một số doanh nghiệp còn tổ chức phỏng vấn chuyên sâu cho các ứng viên đã vượt qua được vòng thứ nhất để có thể có sự am hiểu, lựa chọn một cách cẩn thận, kĩ càng.
Kiểm tra, trắc nghiệm các kĩ năng: Nhiều doanh nghiệp sử dụng các bảng câu hỏi trắc nghiệm về muốn số kiến thức, kĩ năng để đánh giá các ứng viên như: trắc nghiệm IQ, trắc nghiệm EQ, trắc nghiệm sử lý tình huống, trắc nghiệm tiếng anh… để có cái nhìn khái quát, bao quát nhất đối với nhân viên. Phương pháp này hiện được nhiều doanh nghiệp sử dụng trong tuyển dụng nhân sự.
Bước 4: Phỏng vấn
Phỏng vấn là quá trình giao tiếp bằng lời (thông qua câu hỏi và câu trả lời) giữa người tuyển chọn và người xin việc. Đây là một trong những phương pháp quan trọng giúp nhà tuyển dụng đưa ra quyết định cuối cùng về việc ứng viên có thể làm việc ở công ty hay không. Phương pháp này giúp nhà tuyển dụng cũng như các ứng viên có thể trao đổi một cách rõ ràng, thằng thắng về công việc, hay những thắc mắc mà nhà tuyển dụng còn chưa được sáng tỏ khi đọc hồ sơ của ứng viên. Qua phương pháp
phỏng vấn này, một số kĩ năng mềm của ứng viên sẽ được thể hiện, những điều mà trong hồ sơ xin việc chưa có được như kĩ năng giao tiếp, tác phong, thái độ…
Bước 5: Quyết định tuyển dụng
Khi tất cả các quy trình để đánh giá ứng viên đã hoàn thành, nhà tuyển dụng sẽ tìm ra ứng viên phù hợp. Nhiều doanh nghiệp gọi điện thông báo cho ứng viên hoặc mời ứng viên trở lại để thảo luận lần cuối cùng . Đồng thời cũng thông báo về ngày ứng viên bắt đầu đi làm, thời gian làm việc, chế độ lương thưởng và các chế độ khác của công ty…. Bên cạnh đó, đối với những ứng viên không thành công trong đợt tuyển dụng, nhiều nhà tuyển dụng có gửi thư thông báo cho họ. Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp chỉ thông báo kết quả tuyển dụng cho những người đã được tuyển chọn, còn những người không trúng tuyển thường phải chủ động tìm tới công ty để biết kết quả.
Bước 6: Hội nhập nhân viên mới
Khi đã lựa chọn ứng viên và người đó đã đồng ý làm việc, nhà tuyển dụng cần chú ý quan tâm, hội nhập nhân viên mới, nhằm giúp đỡ họ hòa nhập vào môi trường công ty một cách nhanh hơn. Mục đích của quá trình này giúp nhân viên: hiểu rõ hơn về những công việc của họ và kì vọng của doanh nghiệp, cảm thấy rằng họ hiểu doanh nghiệp và là một phần của doanh nghiệp, đồng thời, giúp họ cảm thấy họ được chào đón và được đánh giá cao.
Quá trình này không những hữu ích đối với nhân viên mới mà còn đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích. Quá trình định hướng có thể giúp các nhân viên mới bắt đầu công việc một cách nhanh chóng hơn, dễ dàng hòa hợp vào các hoạt động của doanh nghiệp .